GS. Nguyễn Lân Dũng: Ung thư không cản bước hoạt động trí tuệ

Tuổi cao, đang điều trị bệnh ung thư, nhưng GS. Nguyễn Lân Dũng vẫn miệt mài làm việc. Cùng với việc đi khắp đất nước truyền lửa cho học sinh phổ thông, ông đang làm chủ biên cuốn từ điển Công nghệ sinh học Anh - Việt.

Ung thư và quyển lịch chi chít chữ màu đỏ

Chúng tôi hẹn mãi mới đặt được lịch phỏng vấn GS. Nguyễn Lân Dũng bởi ông bận suốt. Đi lại nhanh nhẹn, da dẻ hồng hào, giọng nói sang sảng, đặc biệt là đôi mắt sáng, tinh anh, chúng tôi không thể tin ông đang mang bệnh trọng, bệnh ung thư, căn bệnh mà nhiều người vẫn hay gọi là “án tử”.

Rời giường bệnh là GS. Nguyễn Lân Dũng trở lại công việc. Thậm chí giờ ông còn làm việc nhiều hơn trước.

Bên tách trà cuối buổi chiều muộn, GS. Nguyễn Lân Dũng kể, vào một ngày, khi đi khám bệnh, con trai ông, PGS. Nguyễn Lân Hiếu (Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội) nhìn ông bằng ánh mắt nghiêm trọng rồi thông báo: “Bệnh bố nặng, nguy hiểm đấy, nhưng con sẽ nhất định cứu bố”.

GS. Nguyễn Lân Dũng nhớ lại, lúc nghe con trai thông báo vậy, ông cũng giật mình, ông chưa bao giờ hình dung được một ngày nào đó, mình nằm trên giường trọng bệnh. Nhưng sau đó rất nhanh ông đã bình tĩnh lại. “Có bệnh thì chữa”, ông tự nhủ và quyết định vào bệnh viện với tâm thế nhẹ nhàng nhất.

GS. Nguyễn Lân Dũng kể, sau đó ông nằm liệt tại bệnh viện để truyền hóa chất, tóc rụng gần hết, cơ thể mệt mỏi. Đấy là khoảng thời gian, lần đầu tiên trong đời, ông “nghỉ” để dồn sức chữa bệnh. Nằm trên giường bệnh, ông thấy sốt ruột vô cùng, vì bao năm qua ông quen với việc say sưa làm việc, giờ nằm một chỗ thấy buồn quá.

Hiện sức khỏe của GS. Nguyễn Lân Dũng đã ổn định. Ông tâm sự, rời giường bệnh là ông trở lại công việc ngay. May mắn là các ổ ung thư đã bay hết và tóc đã mọc lại. Thậm chí, giờ ông còn làm nhiều hơn ngày xưa, dù cứ hai tháng ông lại phải quay lại viện một lần để truyền hóa chất.

Được biết, hiện ông đang là Ủy viên Đoàn Chủ tịch của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Ủy viên Hội đồng Quốc gia giáo dục và phát triển nhân lực, Phó Chủ tịch Hội các ngành Sinh học Việt Nam và Hội liên lạc với người Việt Nam ở nước ngoài...

Ông viết sách, đi khắp đất nước để thuyết trình cho học sinh chuyên đề Khởi nghiệp trong thời đại 4.0, rồi các công việc của Mặt trận, và Hội đồng Quốc gia giáo dục... Công việc nhiều đến nỗi ông phải ghi chi chít trên cuốn lịch bằng bút đỏ lịch làm việc của bản thân.

Nói về bố mình, PGS. Nguyễn Lân Hiếu có lần chia sẻ, nhìn cuốn lịch kín chữ rồi mỗi khi về thăm đều nghe nói ông đang đi công tác thấy thương và xót.

Nhưng may mắn PGS. Nguyễn Lân Hiếu và anh chị em trong gia đình không ai ngăn cản ông, bởi hơn ai hết họ hiểu khát khao cống hiến của ông. Ông muốn đem hết những kiến thức, những điều ông chắt lọc được trong cuộc đời giảng dạy và nghiên cứu để giúp ích cho người dân, cho cộng đồng.

Tự tin biên soạn từ điển

Nụ cười rạng rõ khi chỉ về phía bàn làm việc của mình, vị giáo sư mà nhân dân yêu mến quen gọi là “GS biết tuốt” khoe, hiện ông đang làm “đầu tàu” biên soạn cuốn từ điển Công nghệ sinh học Anh- Việt, dự kiến 2.000 trang.

Vừa chữa bệnh, vừa viết sách, lại là Công nghệ sinh học, vốn là một lĩnh vực mới mẻ và rất khó, GS. Nguyễn Lân Dũng thừa nhận đây là một công việc rất vất vả và căng thẳng. Nhưng ông quyết tâm làm, bởi đã là việc khó thì một người lớn tuổi như ông nên đi tiên phong trước thế hệ trẻ.

Hơn thế, GS. Nguyễn Lân Dũng chia sẻ, phía sau ông có học trò, con gái, con rể ông đều là người học Công nghệ sinh học từ nước ngoài về sẽ hỗ trợ hoàn chỉnh tiếp cuốn từ điển. Vì thế, ông luôn tự tin làm việc mỗi ngày. Hiện nay GS. Nguyễn Lân Dũng đã viết đến chữ H, trong đó, với chữ H, ông đã phải viết hơn 100 trang.

Đặc biệt, GS. Nguyễn Lân Dũng còn bật mí thêm, song song với viết cuốn từ điển song ngữ công nghệ sinh học Anh - Việt, ông cũng viết cuốn Hỏi đáp về nông nghiệp cho thanh niên nông thôn.

Ông cho biết, thông tin về tiến bộ trong kỹ thuật nông nghiệp rất nhiều, nhất là trong thời đại internet bùng nổ, nhưng nông dân không phải ai cũng có thể truy cập mạng. Vì thế ông viết sách để giúp đông đảo bà con nông dân biến tri thức thành sức mạnh trong sản xuất.

Còn sức còn làm việc

GS. Nguyễn Lân Dũng kể, nhiều người thấy ông bị bệnh nặng, tuổi cao, lại còn “ham” việc thì lo lắng. Nhưng ông bảo, ông còn sức thì sẽ còn làm việc, còn cống hiến. Với ông, ở tuổi nào đều có thể làm việc, quan trọng là phải có khát vọng cống hiến.

Sống khoa học, lạc quan giúp GS. Nguyễn Lân Dũng chiến thắng bệnh tật.

Chính vì thế, khi bị bệnh ông luôn gắng sức để làm sao có thể “khỏe”. Thế nên lúc ở bệnh viện ông tuân thủ phác đồ điều trị của bác sỹ. Rời bệnh viện, cùng với việc thăm khám điều trị theo lịch, ông sống khoa học. Ban ngày làm việc hăng say, nhưng buổi tối ông sẽ nghỉ để cơ thể tái tạo lại sức lực.

Tối nào ông cũng xem 2 bộ phim trên truyền hình, sáng dậy ông tập thể dục đều đặn. Ông mê môn “vẩy tay”. Với ông, vẩy tay (vừa đi vừa vẩy) nhẹ hàng, không cầu kỳ, tập nhưng lại thư giãn, mang hiệu quả tốt cho sức khỏe. Sống khoa học, lạc quan nên ông vừa có sức chiến đấu với căn bệnh hiểm nghèo vừa có sức để làm việc.

GS. Nguyễn Lân Dũng quả quyết còn sức còn làm việc. Tuổi già chính là thời điểm mà tri thức vào độ chín muồi. Vì thế, ông không muốn lãng phí những gì ông đã tích lũy được trong cuộc đời làm khoa học. Ông mong muốn dùng chuyên môn của mình, kiến thức của mình, những điều đã tích lũy được để giúp ích cho người dân, cho xã hội. Ông khẳng khái, bệnh tật còn không làm ông gục gã thì sao tuổi già có thể khiến ông “buông bỏ” công việc.

Lan Hoa

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: https://kienthuc.net.vn/tri-thuc-viet-toan-cau/gs-nguyen-lan-dung-ung-thu-khong-can-buoc-hoat-dong-tri-tue-1518993.html