GS. Nguyễn Thanh Liêm: Cần áp dụng các phương pháp điều trị mới để giảm tỉ lệ tử vong cho bệnh nhân Covid-19

GS. Nguyễn Thanh Liêm, nguyên Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương, nêu quan điểm, độ bao phủ vaccine ở Việt Nam còn thấp, nền kinh tế, y tế còn yếu, nếu áp dụng sống chung với Covid-19 như kiểu Âu, Mỹ là... tự sát. Bi kịch ở TP. Hồ Chí Minh không nên lặp lại.

GS. TS. Nguyễn Thanh Liêm cho rằng, muốn giảm tỉ lệ tử vong ở bệnh nhân Covid-19, cần liên tục cập nhật tiến bộ khoa học để áp dụng các phương pháp điều trị mới.

GS. TS. Nguyễn Thanh Liêm cho rằng, muốn giảm tỉ lệ tử vong ở bệnh nhân Covid-19, cần liên tục cập nhật tiến bộ khoa học để áp dụng các phương pháp điều trị mới.

Cần ứng dụng phương pháp điều trị mới

Theo ông, làm thế nào để giảm tỉ lệ tử vong cho bệnh nhân Covid-19?

Điều trị bệnh nhân Covid-19 là một thách thức không chỉ đối với Việt Nam mà với cả thế giới. Tỉ lệ tử vong chung, nhất là ở TP. Hồ Chí Minh cao, có thể hiểu được trong điều kiện kinh tế, y tế của ta.

Muốn giảm tỉ lệ tử vong, chúng ta cần liên tục cập nhật tiến bộ khoa học để áp dụng các phương pháp điều trị mới mà thế giới đã áp dụng thành công. Có hai phương pháp điều trị cần nghiên cứu để triển khai thật sớm ở nước ta.

Thứ nhất, truyền huyết tương có chứa kháng thể chống virus SARS-CoV-2 của những người mắc bệnh đã hồi phục cho các bệnh nhân có nguy cơ chuyển nặng. Đây là phương pháp không mới, đã được áp dụng cho nhiều vụ dịch trên thế giới.

Trong dịch Covid-19, nhiều nơi trên thế giới đã áp dụng phương pháp này và góp phần giảm tỉ lệ tử vong. Do tình hình dịch cấp bách nên các thiết kế và kết quả của một số nghiên cứu trước đây mang tính thuyết phục chưa cao. Tuy nhiên, nghiên cứu gần đây của Libster và cộng sự đăng trên tạp chí Y học có uy tín New England Journal of Medicine, rất đáng chú ý.

Đây là một nghiên cứu được thiết kế chuẩn mực với 160 người tham gia nên kết quả rất đáng tin cậy. Nghiên cứu cho thấy, truyền plasma của người bệnh đã hồi phục làm giảm tỉ lệ bệnh nhân bị suy hô hấp và làm giảm tỉ lệ tử vong so với nhóm chứng truyền huyết thanh mặn.

Hai điểm cần nhấn mạnh trong nghiên cứu này là họ đã truyền huyết tương cho bệnh nhân rất sớm trong vòng 72 giờ từ khi có triệu chứng và chỉ truyền huyết tương có hiệu giá kháng thể chống lại virus cao. Mặc dù đối tượng truyền là những người từ 65 tuổi trở lên, có bệnh nền, nhưng không có bệnh nhân nào có tác dụng phụ nghiêm trọng.

Thu huyết tương từ người cho tặng về nguyên tắc giống như thu nhận máu từ những người hiến máu. Phương pháp dễ thực hiện, chi phí thấp. Bộ Y tế nên chỉ đạo bệnh viện Huyết học TP. Hồ Chí Minh và Viện Huyết học truyền máu Trung ương thành lập sớm ngân hàng huyết tương có kháng thể chống virus để sử dụng cho người bệnh có nguy cơ cao.

Thứ hai, truyền tế bào gốc trung mô từ dây rốn sớm cho các bệnh nhân có biểu hiện suy hô hấp để ngăn chặn cơn bão Cytokine - nguyên nhân tử vong hàng đầu ở bệnh nhân suy hô hấp. Phương pháp này đã được sử dụng cho suy hô hấp do nhiều nguyên nhân khác nhau.

Trong bệnh Covid-19, một số nghiên cứu cho thấy, truyền tế bào gốc có thể làm tăng tỉ lệ sống gấp 2,5 lần so với nhóm không truyền. Hiện nay, Việt Nam đã làm chủ công nghệ sản xuất tế bào gốc trung mô với số lượng lớn, nếu được nghiên cứu triển khai sẽ là một phương pháp hứa hẹn góp phần giảm thấp tỉ lệ tử vong.

GS. TS. Nguyễn Thanh Liêm cho rằng, không thể áp dụng máy móc mô hình của nước này vào nước khác trong vấn đề sống chung với Covid-19.

Bên cạnh việc ứng dụng các phương pháp điều trị mới, chúng ta cũng cần nhanh chóng khắc phục các yếu tố liên quan đến tỉ lệ tử vong đã biết rõ. Các yếu tố này bao gồm việc phát hiện và xử lí chậm các trường hợp nhiễm virus nhẹ điều trị tại nhà khi chuyển nặng, tình trạng nhân lực mỏng, thiếu các bác sĩ chuyên khoa cấp cứu, hồi sức, chưa đủ trang thiết bị...

Một yếu tố liên quan đến tử vong gần đây vừa được các nhà khoa học khuyến cáo là tình trạng đường máu cao không được kiểm soát cũng cần được chú ý trong quá trình điều trị bệnh nhân Covid-19, nhất là ở các bệnh nhân tiểu đường nhiễm bệnh.

“Áp dụng sống chung với Covid-19 như các nước Âu, Mỹ là… tự sát”

Vaccine là giải pháp căn cơ nhất, cần phải được coi là ưu tiên số 1 trong chính sách chống dịch Covid-19. Tuy nhiên, thực tế số lượng người được tiêm vaccine Covid-19 ở nước ta còn quá ít. Nhưng nhiều người vẫn nói đến chuyện sống chung với dịch bệnh, có phải là quá sớm hay không, thưa ông?

Có lẽ, chúng ta nên phân biệt giữa thích ứng và sống chung với Covid-19. Thích ứng nghĩa là chúng ta chấp nhận Covid-19 tồn tại và phải có các giải pháp thích nghi, nhưng không hy vọng sẽ không còn bệnh nhân mắc.

Cần tránh khái niệm sống chung với Covid-19 nghĩa là trở lại cuộc sống hoàn toàn như trước khi có Covid-19 giống như Mỹ và một số nước châu Âu. Không thể áp dụng máy móc mô hình của nước này vào nước khác.

Mỹ và một số nước châu Âu có thể sống chung với Covid-19 vì họ đã đạt được miễn dịch cộng đồng ở mức độ nhất định nhờ bao phủ vaccine diện rộng và số lượng lớn người đã mắc bệnh này trong các đợt dịch trước đây.

Australia là một nước có nền kinh tế và y tế rất phát triển nhưng có lẽ do độ bao phủ vaccine chưa cao nên họ vẫn liên tục thay đổi các biện pháp cách ly xã hội hay mở cửa một phần phụ thuộc vào số ca mắc mới trong khoảng thời gian nhất định.

Độ bao phủ vaccine ở Việt Nam còn thấp, nền kinh tế, y tế còn yếu, nếu áp dụng sống chung với Covid-19 như kiểu Âu, Mỹ là tự sát. Bi kịch ở TP. Hồ Chí Minh không nên lặp lại.

Ưu tiên vaccine cho Hà Nội là đòi hỏi chính đáng và cần thiết

Ông nhận định như thế nào về tình hình dịch bệnh tại Hà Nội và cần phải làm gì để ngăn chặn?

Nguy cơ bùng phát dịch ở Hà Nội vẫn luôn tồn tại vì dịch đã len lỏi vào cộng đồng. Các chùm ca bệnh có thể xuất hiện bất cứ lúc nào. Để ngăn chặn dịch, Hà Nội vẫn cần thực hiện giãn cách xã hội. Tuy nhiên, nên thực hiện giải pháp này một cách linh hoạt hơn. Phong tỏa, cách ly những vùng nguy cơ cao; các vùng nguy cơ thấp vẫn nên mở cửa để duy trì hoạt động xã hội.

Ngoài lương thực, thực phẩm thì khám chữa các bệnh không phải Covid-19 cũng đang là một nhu cầu thiết yếu, bức xúc hiện nay. Người bệnh cần khám bảo hiểm ở đâu, mua thuốc ở đâu, họ có thể được đến các hiệu thuốc để mua các thuốc thông thường khi không có đơn thuốc hay không?

Hà Nội là thành phố đông dân thứ 2 sau TP. Hồ Chí Minh, là cơ sở của các cơ quan Trung ương và địa bàn của nhiều khu công nghiệp. Nếu dịch bùng phát ở Hà Nội sẽ gây ra các hậu quả hết sức nặng nề. Để chủ động phòng chống dịch, ngoài việc phong tỏa, giãn cách thực hiện 5K thì cần nhanh chóng tiêm vaccine cho người dân sống tại Hà Nội. Việc ưu tiên vaccine cho Hà Nội là một đòi hỏi chính đáng và cần thiết.

Ngoài ra, Hà Nội cần tích cực chuẩn bị cho các tình huống xấu nhất. Tất cả các bệnh viện quận, huyện, bộ, các bệnh viện của Hà Nội, các bệnh viện của Trung ương cần chuẩn bị sẵn sàng đón nhận bệnh nhân Covid-19. Các trang thiết bị cần được đầu tư thêm, đặc biệt là hệ thống tạo oxy trung tâm.

Cuộc chiến với Covid-19 còn lâu dài và cam go, rất cần người dân đồng thuận và tự giác chấp hành các chính sách của Chính phủ, các quy định của ngành y tế, cùng nhau khống chế, đẩy lùi dịch bệnh.

Xin cảm ơn ông!

Yến Nguyệt (thực hiện)

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/gs-nguyen-thanh-liem-can-ap-dung-cac-phuong-phap-dieu-tri-moi-de-giam-ti-le-tu-vong-cho-benh-nhan-covid-19-157512.html