GS Phạm Hồng Giang: Vì lợi nhuận, ai cũng có thể làm thủy điện

Phân tích những bất cập về công tác quy hoạch thủy điện và những nguy cơ tiềm ẩn ở các hồ đập, GS Phạm Hồng Giang, nguyên Thứ trưởng Bộ NN-PTNT, Chủ tịch Hội đập lớn và phát triển nguồn nước Việt Nam, nguyên Phó chủ tịch Hội đập lớn thế giới (ICOLD) đã có những chia sẻ hết sức thẳng thắn với NNVN.

30% hồ đập có thể yên tâm, 40% cần xử lý gấp

Theo GS Phạm Hồng Giang, thực trạng hồ đập ở Việt Nam hiện nay có khoảng hơn 6.000 hồ đập vừa và nhỏ. Tai họa hồ đập luôn luôn có. Nguyên nhân gây mất an toàn do tự nhiên và do con người. Trong đó yếu tố con người là rất quan trọng từ khâu quy hoạch, vận hành, tổ chức ứng cứu… Các đập ở hồ chứa nước vừa và nhỏ hầu hết là đập đất, được xây dựng cách đây nhiều thập kỷ, trong thời kỳ đất nước có nhiều khó khăn, trình độ kỹ thuật và vốn đầu tư còn rất hạn chế. Năng lực khảo sát thiết kế thi công, quản lý còn nhiều bất cập, lại trải qua thời gian dài khai thác, hầu hết các công trình đều có hư hỏng, xuống cấp hiện đang tiềm ẩn nguy cơ, thiếu an toàn. Sự cố, đặc biệt là vỡ đập xảy ra sẽ gây thiệt hại lớn về người, tài sản của nhân dân vùng hạ du.

GS Phạm Hồng Giang

Qua một vài khảo sát gần đây , có thể sơ bộ đánh giá là 30% hồ đập có thể yên tâm, 30% cần quan tâm và 40% còn lại cần xử lý gấp để tránh những nguy cơ xẩy ra hiểm họa. Đối với những hồ đập thủy điện nhỏ mới được xây dựng thì hầu như năm nào cũng có những sự cố xẩy ra do thiếu kiến thức chuyên môn cần thiết và thiếu trách nhiệm.

Có thể nói rằng quy hoạch thủy điện những năm gần đây đang “treo” những quả bom nước khổng lồ trên đầu người dân, GS đánh giá như thế nào về thực trạng này?

Thủy điện ở Việt Nam phát triển hết sức ồ ạt nhưng quy hoạch lại không rõ ràng. Có một thực tế là việc xây dựng thủy điện vẫn còn cơ chế xin cho. Lợi nhuận từ thủy điện khá cao nên các doanh nghiệp, kể cả doanh nghiệp tư nhân chạy theo lợi nhuận, dù không có chuyên môn cũng đi làm thủy điện. Nói cách khác là một thực trạng ai cũng có thể làm thủy điện, mạnh ai nấy làm, tay không bắt giặc, có những người chả biết gì về thủy điện cũng vay tiền ngân hàng đi làm thủy điện để kiếm lời...

Thực trạng này dẫn đến việc doanh nghiệp thấy chỗ này có thể làm thủy điện thì lập hồ sơ trình các cấp thẩm quyền phê duyệt. Dù họ không có chuyên môn về thủy điện nhưng vẫn có thể dùng tiền để đầu tư thu lợi. Việc phê duyệt các dự án thủy điện lại quá dễ dãi. Nên nhớ rằng, công tác xây dựng hồ đập đòi hỏi kiến thức, kinh nghiệm chuyên ngành rất sâu và trách nhiệm rất cao vì công trình đập được xây dựng và sử dụng trong những điều kiện rất đặc biệt và đập mất an toàn không chỉ gây tổn hại ở đập mà tổn hại lớn cho cả vùng hạ du. Nhiều dự án chỉ thẩm định qua loa rồi vội vàng cấp phép. Nói tóm lại là công tác quản lý đang rất nhiều "lỗ hổng".

Ai cũng có thể làm thủy điện nhỏ. Không có vốn thì đi vay. Không có chuyên môn thì thuê lập đồ án… Các chủ đầu tư kiểu này lại thương tham rẻ nên chủ yếu là thuê các tư vấn kém, thuê nhà thầu kém năng lực... Theo kiểu, ai cũng có thể thiết kế, cũng có thể thi công. Thứ các nhà đầu tư quan tâm duy nhất là khâu thu lợi nên việc khảo sát, thiết kế qua loa, báo cáo tác động môi trường cốt chỉ để chiếu lệ. Thành ra việc không để ý gì đến đời sống của người dân địa phương là điều không thể tránh khỏi.

Trách nhiệm và “lỗ hổng” quản lý

Hệ lụy của việc “thiếu trách nhiệm” và “làm ào ào” này thực tế đã xẩy ra ở một số địa phương, theo GS, nguy cơ lớn nhất chúng ta đang phải đối mặt là gì?

Đầu tiên phải nói đến người dân. Rất khổ. Chủ đầu tư họ chỉ biết đến tiền thôi chứ những vấn đề ảnh hưởng đến đời sống dân sinh, đến môi trường, đến công tác đảm bảo an toàn gần như không được quan tâm.

Bằng chứng là năm nào cũng có các sự cố xẩy ra ở nhiều địa phương. Thủy điện vừa và nhỏ chỉ đơn thuần tận dụng nguồn thủy năng, ngoài ra không có lợi ích gì khác. Không có khả năng cắt lũ, chống lũ, điều hòa nguồn nước. Tuy nhiên cái “hại” do làm không đúng quy trình kỹ thuật lại gây ra những hậu quả rất lớn, đặc biệt là những hệ lụy, ảnh hưởng xấu đến môi sinh, cuộc sống của người dân địa phương. Tác động tiêu cực của thủy điện đến môi trường trước hết là sự thay đổi về dòng chảy. Lưu lượng dòng chảy ở hạ du không còn tự nhiên nữa mà mang tính “nhân tạo” tùy thuộc vào sự vận hành nhà máy thủy điện.

Nhà máy Thủy điện Hố Hô

Vì vậy sự quản lý điều hành thủy điện cần phải dựa trên nguyên tắc sử dụng nguồn nước với hiệu quả tổng hợp và bền vững. Thông thường, quy trình vận hành tích, xả nước là việc của chủ đầu tư, chủ đập. Tuy nhiên, chủ đầu tư thường chỉ chú tâm đến lợi ích phát điện, bỏ mặc những yêu cầu khác của đời sống và sản xuất tại địa phương.

Thật khó có thể tin được là cách đây mấy năm, khi xẩy ra sự cố tại thủy điện Hố Hô lại không hề có một người nào có mặt tại đập. Tương tự là Lào Cai, Hà Giang, Tuyên Quang… có những thủy điện vừa mới xây dựng nhưng liên tục xẩy ra sự cố tới 3-4 lần. Chúng tôi liên tục cảnh báo về các sự cố nhưng việc phát triển thủy điện dường như không còn để tâm vào ý kiến của các chuyên gia.

Trách nhiệm của những cơ quan quản lý nhà nước ở đâu trong tình trạng “ai cũng có thể làm thủy điện” này, thưa GS?

Trước hết phải khẳng định, việc khoán trắng cho chủ đầu tư chịu trách nhiệm toàn bộ là một lỗ hổng về quản lý. Do đặc thù của công trình đập mà các cơ quan quản lý ở trung ương vẫn phải theo sát, kiểm tra (nên huy động các chuyên gia thực sự có kinh nghiệm tham gia) mặc dù đã phân cấp cho các địa phương. Một số những qui định pháp lý cũng phải hoàn thiện đảm bảo an toàn và hiệu quả công trình, lợi ích cộng đồng dân cư, bảo vệ môi trường và lợi ích của nhà đầu tư.

Trách nhiệm chính trước hết là chủ đầu tư, các cơ quan phụ trách vấn đề quy hoạch, cấp phép và có thể cả chính quyền địa phương. Ví dụ, khi các công trình xẩy ra sự cố, cần phải rà soát lại nguyên nhân vì sao? Trách nhiệm của ai là rõ ngay. Đa số các sự cố nguyên nhân chính thường là do thiếu kiến thức và trách nhiệm trong quá trình thẩm định dự án, thi công xây dựng dự án. Thế thì trách nhiệm có thể thuộc về ai nữa nếu không phải là do những người làm công tác quản lý thiếu hiểu biết, thiếu kinh nghiệm thực tế đặt bút phê duyệt những dự án và những chủ đầu tư không có chuyên môn, chính quyền địa phương thiếu quan tâm?...

Tuy nhiên vấn đề này khá khó, bởi đơn giản như việc một số thủy điện trên cả nước đã vận hành việc tích, xả nước không đúng quy trình, người dân bị thiệt hại, rõ ràng như thế mà vẫn tranh cãi nữa là.

Xin trân trọng cảm ơn GS!

Cần chấn chỉnh và rà soát lại

“Cần chấn chỉnh ngay việc cấp phép thủy điện theo kiểu “ai cũng có có thể làm” và các quy hoạch phải được rà soát lại. Từ quy trình kỹ thuật, đồ án thiết kế các dự án phải được những cơ quan có chuyên môn thực sự thẩm định. Nói cách khác, quy trình xét duyệt cần phải được làm nghiêm chỉnh.

Trên thế giới để tận dụng nguồn thủy năng, các dự án thủy điện vừa và nhỏ ở đâu cũng làm. Nhưng người ta làm bài bản, nghiêm ngặt, quy trình chặt chẽ, có kỹ thuật và yếu tố an toàn được đặt lên hàng đầu. Chỉ có ở Việt Nam là thường xuyên xẩy ra sự cố thôi. Bởi vì quản lý nhà nước về thủy điện là ngành Công Thương nhưng thử hỏi ở các Sở Công thương có bao nhiêu kỹ sư đủ trình độ về xây dựng và quản lý thủy điện, trong khi phải thẩm định, kiểm tra, giám sát cả mấy chục, thậm chí cả trăm, nhà máy thủy điện vừa và nhỏ?”, Giáo sư Phạm Hồng Giang.

HOÀNG ANH

Nguồn Nông Nghiệp: https://nongnghiep.vn/gs-pham-hong-giang-vi-loi-nhuan-ai-cung-co-the-lam-thuy-dien-post223518.html