GS Phan Huy Lê - 'cây đại thụ' của nền lịch sử Việt Nam từ trần

PGS.TS Nguyễn Lân Cường vừa cho biết, GS Phan Huy Lê - nguyên Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam vừa từ trần lúc 13h6' ngày 23/6/2018. Hưởng thọ 84 tuổi.

Theo PGS Nguyễn Lân Cường, trước đó, GS Phan Huy Lê điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai vì bệnh tim và phổi. Khoảng 1 tuần nay, các bác sĩ đã tiên liệu bệnh của ông có chuyển biến xấu vì bị hai bệnh tim và phổi cùng lúc. “Sự ra đi của ông để lại nhiều mất mát cho ngành sử học, trong đó có công trình bộ sách Lịch sử quốc gia mà ông đang thực hiện cùng với chúng tôi. Có lẽ do ông làm việc nhiều quá”, PGS Nguyễn Lân Cường bày tỏ sự tiếc nuối trước sự ra đi của GS Phan Huy Lê.

GS Phan Huy Lê sinh năm 1934 tại làng Thu Hoạch, xã Thạch Châu, huyện Thạch Hà (nay là huyện Lộc Hà), tỉnh Hà Tĩnh. Ông là hậu duệ đời thứ 14 của dòng họ Phan Huy vốn nổi danh về khoa bảng với những tên tuổi lớn như Phan Huy Cẩn, Phan Huy Ích, Phan Huy Thực, Phan Huy Vịnh, Phan Huy Chú…

Cụ thân sinh ra ông là Phan Huy Tùng, từng làm quan trong triều đình Huế. Mẹ ông là người dòng họ Cao Xuân giàu truyền thống khoa bảng với các danh nhân như Cao Xuân Dục, Cao Xuân Tiếu, Cao Xuân Huy.

GS Phan Huy Lê - cây đại thụ của lịch sử Việt Nam vừa ra đi ở tuổi 84

Từ năm 1988 đến nay, ông liên tục là Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam. Ngoài ra, ông còn là ủy viên của nhiều Hội đồng Quốc gia như Hội đồng Quốc gia chỉ đạo biên soạn Từ điển Bách khoa, Hội đồng Chính sách Khoa học và Công nghệ Quốc gia, Hội đồng Lý luận Trung ương, Hội đồng Khoa học và Đào tạo Đại học Quốc gia Hà Nội, Hội đồng Học hàm Nhà nước, Hội đồng Di sản Văn hóa Quốc gia...

Ông là tác giả của hàng trăm công trình nghiên cứu có giá trị về lịch sử, trong đó có những công trình nổi bật như “Chế độ ruộng đất và kinh tế nông nghiệp thời Lê Sơ”, “Lịch sử chế độ phong kiến Việt Nam”, “Khởi nghĩa Lam Sơn”, “Phong trào nông dân Tây Sơn”, “Lịch sử và văn hóa Việt Nam”, “Các giá trị truyền thống và con người Việt Nam hiện nay”, “Tìm về cội nguồn”, “Lịch sử Thăng Long – Hà Nội”…

Năm 2000, ông đã được trao giải thưởng Nhà nước về khoa học – công nghệ với tác phẩm “Tìm về cội nguồn”.

Năm 2016, công trình “Lịch sử và văn hóa Việt Nam - Tiếp cận bộ phận” của ông vừa được trao giải thưởng Hồ Chí Minh danh giá. Đây là công trình duy nhất trong lĩnh vực lịch sử được trao tặng giải thưởng trong đợt này.

Công trình là tập hợp nhiều bài báo, nhiều công trình nghiên cứu trong và ngoài nước của GS Phan Huy Lê trong thời gian 10 năm, kể từ 1998. Điểm đặc biệt nhất ở công trình này là cách tiếp cận đa tuyến và toàn diện, mở rộng cả về không gian và thời gian trong lịch sử Việt Nam.

Ông cũng là người Việt Nam đầu tiên được Nhật Bản trao tặng Giải thưởng quốc tế văn hóa châu Á Fukuoka (năm 1996).

GS Phan Huy Lê là một trong những Giáo sư đầu ngành về lịch sử Việt Nam, cùng với GS Trần Quốc Vượng, Đinh Xuân Lâm, Hà Văn Tấn. Như vậy, 4 cây đại thụ lịch sử Việt Nam giờ chỉ còn lại GS Hà Văn Tấn, hiện đang ở tuổi 81.

T.H

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/xa-hoi/gs-phan-huy-le-cay-dai-thu-nganh-lich-su-viet-nam-tu-tran-2018062315080051.htm