GS Thuyết: 'Thay đổi cách ra đề sẽ ảnh hưởng lớn đến thí sinh'

“Thay đổi môn thi, ra đề tích hợp, trắc nghiệm khách quan... là những thay đổi đó là tương đối lớn và ảnh hưởng nhiều đến thí sinh”, GS. Nguyễn Minh Thuyết bày tỏ quan điểm.

Đề án thi THPT Quốc gia năm 2017 của bộ GD-ĐT đang được dư luận đặc biệt quan tâm. Việc tổ chức thi được giao cho địa phương chủ trì, đề thi có sự thay đổi lớn. Dù theo Bộ trưởng bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ trấn an rằng kỳ thi không phải đổi mới mà chỉ có một số thay đổi cho phù hợp và đánh giá đúng năng lực của thí sinh.

Tuy nhiên, việc thay đổi đề thi với dự kiến 5 bài thi, đề thi được ra dưới dạng trắc nghiệm, tích hợp các môn đang khiến học sinh, phụ huynh và cả giáo viên khá lo lắng.

GS.Nguyễn Minh Thuyết: "Bộ cần sớm công bố lộ trình đổi mới thi cử". Ảnh: Internet.

Xung quanh vấn đề này, PV báo Người Đưa Tin đã có cuộc trao đổi với GS. Nguyễn Minh Thuyết, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội.

GS. Nguyễn Minh Thuyết chia sẻ: “Theo tôi được biết, Bộ GD-ĐT có chủ trương tổ chức thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH năm tới sẽ giữ hình thức thi như hiện nay. Nhưng việc tổ chức các cụm thi được giao cho các sở GD-ĐT chứ không phân loại hai cụm thi như hiện nay nữa. Đó cũng là một cách làm đúng nhưng có một điều là chủ trương này dựa trên thực tế của năm nay là tổ chức thi tốt, an toàn không có vấn đề lớn. Nhưng về mặt tuyển sinh ĐH-CĐ lại nảy sinh nhiều vấn đề.

Vấn đề thứ nhất là khó có thể nói kết quả thi ở các cụm thi do các sở GD-ĐT địa phương chủ trì khác nhau coi thi, chấm thi là công bằng, là khách quan. Chúng ta lấy kết quả chung như vậy để đưa vào làm căn cứ tuyển sinh ĐH nó sẽ không đảm bảo khách quan, công bằng.

Ở một cụm thi mà họ coi thi nghiêm, chấm thi chặt thì điểm thí sinh chắc chắn thấp hơn ở cụm thi coi thi, chấm thi lỏng hơn. Nếu mà dùng điểm không cùng mặt bằng như vậy để tuyển sinh vào các trường thì rõ ràng không công bằng.

Việc giao cho địa phương chủ trì tổ chức thi là thử thách để cho xã hội thấy có thể giao cho các địa phương được không?

Thứ hai là đổi mới đề thi. Đề thi đánh giá năng lực có thể sẽ hạn chế được việc đánh giá không chính xác, việc chấm thi không “đều tay” giữa các cụm, có thể hạn chế việc học lệch, học tủ nhưng khi đã đổi mới nội dung ra đề, đó là vấn đề sẽ ảnh hưởng đến học sinh.

Chính vì thế nếu có thay đổi như vậy cần công bố sớm để cho học sinh có thời gian chuẩn bị. Tôi nghĩ cái khó nhất là thay đổi cách ra đề thi. Cái này sẽ ảnh hưởng lớn đến học sinh.

Thay đổi môn thi, ra đề tích hợp, trắc nghiệm khách quan, tất cả thay đổi đó là tương đối lớn và ảnh hưởng đến thí sinh khá nhiều. Các phương án, đề mẫu cũng phải công bố sớm. Còn khoảng 9 tháng để học sinh chuẩn bị, đó không phải là khoảng thời gian dài. Dù đề thi trắc nghiệm khách quan được tổ chức nhiều năm, nhất là đã được ĐHQG HN tổ chức thành công nhưng cũng phải nhìn nhận khách quan. Đề thi trắc nghiệm có nhiều ưu điểm nhưng cũng có nhược điểm.

Một trong những nhược điểm đó là không đánh giá được khả năng tư duy, diễn đạt của thí sinh.

Vì vậy, một đề thi tốt, phân loại đánh giá được học sinh thường phải phối hợp trắc nghiệm với tự luận mới có thể phát huy được lợi thế của hai loại đề này. Rõ ràng, chỗ này cũng phải tính toán kỹ.

Theo cá nhân tôi, trước sau gì, chúng ta cũng phải tách kỳ thi THPT với thi tuyển sinh ĐH-CĐ ra. Bởi hai kỳ thi mục đích hoàn toàn khác nhau.

Đặc biệt, Bộ cần công bố lộ trình đổi mới thi cử để học sinh, phụ huynh, giáo viên, xã hội biết trước mà chuẩn bị dần”.

Đỗ Thơm

Nguồn Người Đưa Tin: http://www.nguoiduatin.vn/gs-thuyet-thay-doi-cach-ra-de-se-anh-huong-lon-den-thi-sinh-a257882.html