GS Trương Nguyện Thành: Sáng tạo hay là chết?

Nhắc đến sáng tạo chúng ta thường đề cập đến sản phẩm cụ thể, vậy với một trường ĐH thì sản phẩm là gì?…

GS Trương Nguyện Thành tại buổi nói chuyện - Ảnh: HOA NỮ

Chiều 9.10, GS Trương Nguyện Thành đã có những chia sẻ thú vị về vấn đề sáng tạo trong phát triển giáo dục đại học trong buổi nói chuyện “Sáng tạo hay là chết?” tại Trường ĐH Hoa Sen TP.HCM.

Trường đại học bán gì?

Mở đầu buổi nói chuyện, GS Trương Nguyện Thành dẫn dắt, khi nói đến sáng tạo thì đa số sẽ nói đến sản phẩm. Ở Việt Nam có một vấn đề lạ là khi có một người sáng tạo ra sản phẩm này sẽ có nhiều người khác làm theo giống y như vậy và bắt đầu hạ giá rồi giết nhau chết hết. Cho nên đòi hỏi người nghĩ ra sản phẩm phải đánh giá được là sản phẩm của mình khác biệt trên thị trường như thế nào.

“Vậy đối với trường ĐH thì sản phẩm là cái gì?”, GS Trương Nguyện Thành đặt câu hỏi. Rồi ông chỉ ra: “Đấy chính là đầu ra của sinh viên. Vậy anh đi bán cái gì?”

Theo GS Thành rất nhiều trường ĐH nhận định sai lầm về sản phẩm của mình, vì thường sẽ nghĩ là chương trình đào tạo. Và tại sao mỗi trường ĐH phải nhận định được sản phẩm của mình, bởi vì anh làm cái gì phải để ý sản phẩm của anh là tốt nhất. Bên cạnh đó, phải hình dung được sản phẩm của mình là gì? Khi diễn tả được sản phẩm của mình thì mới có những quy trình phù hợp để phát triển sản phẩm đó, còn nếu không thì trường nào cũng sẽ như nhau, và sản phẩm sẽ không có gì khác biệt. Nếu như vậy thì tại sao phụ huynh phải trả bao nhiêu tiền để cho con em học, vì thế phải nói được giá trị của sản phẩm mình tạo ra. Và phải tạo được sự khác biệt thì mới bán được sản phẩm.

Không những thế, mỗi trường ĐH còn phải xác định được người dùng sản phẩm đó là ai? Là thị trường lao động nhưng là phân khúc nào? Khi anh nhận định được sản phẩm là vấn đề thứ nhất của sáng tạo.

Thứ 2 là mô hình kinh doanh. Và theo GS Thành có rất nhiều sáng tạo trong mô hình kinh doanh mà nhà trường không để ý đến. Chẳng hạn như tại sao chúng ta không liên kết với một công ty nào đó, người ta trả tiền cho mình và mình đào tạo cho họ nguồn nhân lực như theo đặt cọc và sinh viên không cần phải trả tiền, miễn sao sinh viên ra trường sẽ đáp ứng được những yêu cầu của công ty đó.

“Từ đây quay lại câu chuyện sản phẩm của mình là sinh viên đầu ra? Vậy thì mình đi bán cái gì? Sản phẩm các trường đào tạo ra thì các công ty sử dụng nhưng mình lại đi tuyển sinh và sinh viên đóng tiền học phí. Vậy các trường đại học bán gì? Là bán cho sinh viên tương lai của họ. Là mình nhận đào tạo 4, 5 năm sau là sẽ bán cho sinh viên tương lai của họ. Chính vì thế buộc tổ chức đào tạo phải có đạo đức. Vì sinh viên đưa tiền vào và 5 năm sau họ không biết sản phẩm của họ như thế nào mà phải đóng tiền trước. Chính vì thế ở đây cần nhấn mạnh đến vấn đề đạo đức của tổ chức đào tạo”, GS Thành chia sẻ.

Giảng viên làm gì trong kỷ nguyên trí tuệ nhân tạo?

Vấn đề thứ 3 mà GS Thành nhắc đến là sáng tạo trong ứng dụng công nghệ. Theo GS hiện nay trong kỷ nguyên công nghệ đang thay đổi quá nhanh chóng, chúng ta sẽ không ngờ rằng trong tương lai trí tuệ nhân tạo sẽ làm thay đổi rất lớn trong giáo dục. Chỉ cần mua một cái hộp để trên đầu giường và dạy cho chúng ta tất cả mọi thứ, vì chúng sẽ giỏi hơn con người rất nhiều vì nhớ tất cả được mọi thứ. Vậy những giảng viên sẽ làm gì?

“Giáo dục sẽ có thay đổi rất lớn, không còn đơn giản sinh viên lên giảng đường và nghe giảng viên nói. Nếu như bây giờ mà giảng viên cứ ngồi đấy và cứ đem những bài giảng từ cả 20 năm nay xào đi xào lại thì như thế là các anh chị đang tự đào thải chính bản thân mình”, GS Thành nhấn mạnh.

Khi đề cập đến chuyện thay đổi, GS khuyên mỗi giảng viên nên thay đổi từ từ. “Giảng viên cần có những lớp đào tạo để làm quen, gặp gỡ và học hỏi từ những người đã từng có kinh nghiệm giảng dạy sáng tạo dựa trên công nghệ. Bởi giảng viên cần có cơ hội để nâng cao, thay đổi khả năng giảng dạy vì thế hệ trẻ bây giờ rất nhạy công nghệ. Bên cạnh đó, nên ứng dụng thêm mô hình cho sinh viên tự học, đưa cho sinh viên những bài tập để sinh viên lên thế giới mạng nghiên cứu tìm câu trả lời. Và cần có những lớp học mẫu, vì nếu để cho tất cả giảng viên đồng loạt làm thì họ sẽ không biết phải làm thế nào. Nên có những lớp mẫu để tạo cơ hội cho những giảng viên đã có kinh nghiệm làm và từ đó sẽ lan rộng mô hình ra”, GS khuyên.

Vấn đề thứ 4 theo GS Thành là sáng tạo trong vận hành. “Thường các doanh nghiệp khởi nghiệp hay các trường đại học quen những thói quen là bắt đầu từ những nhóm nhỏ rồi phát triển lên. Từ lúc đầu chỉ có 10 người, nhân lên 50 người, 100 người,… Nhưng khi lớn mạnh lên lại đem những quy trình vận hành lúc chỉ có 10 người áp dụng cho mô hình cả 200 người thì không ổn chút nào”.

Giáo sư dẫn dụ trong mô hình của Trường ĐH Hoa Sen, lúc đầu khi GS mới về trường, ông ngạc nhiên vì có khoa đào tạo chuyên nghiệp mà GS không thể biết được khoa đào tạo chuyên nghiệp là gì và đào những bộ môn gì? Khi hỏi ra thì biết được là trong đó có bộ môn thiết kế đồ họa, GS lại tiếp tục đặt câu hỏi sao bộ môn này lại nằm trong khoa đào tạo chuyên nghiệp.

Giải thích cho câu chuyện này, GS kết luận là tại vì trường này được hình thành từ trường cao đẳng và phát triển lên. Nhưng khi lên đại học lại chưa thay đổi tổ chức, nên hoạt động không hiệu quả vì không phù hợp. Chính vì thế GS Thành nhấn mạnh: “Sáng tạo trong vận hành mà chạy hiệu quả thì con người có nhiều thời gian để làm những việc khác tốt hơn, hiệu quả hơn”

Sáng tạo cuối cùng mà theo GS là phải sáng tạo trong tổ chức. Vì một doanh nghiệp khởi nghiệp lớn lên từ từ, mà hệ thống hành chính không thay đổi thì tổ chức đó sẽ trì trệ. Và trong hệ thống hành chính, trong cơ cấu tổ chức này có cả lãnh đạo, chính vì thế lãnh đạo cũng cần thay đổi và sáng tạo trong phong cách lãnh đạo.

Hoa Nữ

Nguồn Thanh Niên: http://thanhnien.vn/giao-duc/sang-tao-hay-la-chet-1011761.html