GS. TS Nguyễn Thị Lan: Chính trị gia, nhà quản lý và nhà nghiên cứu

Tại lễ trao Giải thưởng Kovalevskaia năm 2018 vừa diễn ra tại Hà Nội, chủ nhân của giải thưởng ở hạng mục cá nhân đã gọi tên GS.TS Nguyễn Thị Lan- Giảng viên cao cấp, GĐ Học viện Nông nghiệp Việt Nam. Khi nghe về bề dày thành tích của người phụ nữ xinh đẹp này, nhiều người chỉ biết thán phục bởi sức làm việc phi thường; tinh thần táo bạo dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm và niềm đam mê nghiên cứu khoa học không biết mệt mỏi của chị.

Những điều quý giá có được sau thành công

Là một người yêu động vật, gắn bó với cỏ cây từ thủa nhỏ, cô bé Nguyễn Thị Lan luôn mong ước lớn lên sẽ làm một ngành nghề gì đó gắn bó với nông nghiệp. Học hết cấp 3, Nguyễn Thị Lan nộp hồ sơ thi tuyển vào ĐH Nông nghiệp I và không bất ngờ khi cầm tờ thông báo trúng tuyển trên tay bởi những nỗ lực trong học tập và ôn luyện của mình. Các thầy cô cùng bạn bè năm ấy mãi ấn tượng với cô sinh viên nhỏ nhắn. Theo thời gian, bằng nỗ lực không ngừng, bằng đam mê, khát vọng, thành tích và cống hiến, cô sinh viên khóa 35 - khoa Chăn nuôi - thú y ngày đó đã trở thành GĐ, Bí thư Đảng ủy - Học viện Nông nghiệp Việt Nam, đại biểu quốc hội khóa XIV - đoàn đại biểu quốc hội TP Hà Nội ngày nay với phong thái rất tự tin.

Kể về chặng đường dài gắn mình với đèn sách, phòng thí nghiệm, các đề tài nghiên cứu và đông đảo sinh viên, GS.TS Nguyễn Thị Lan hồi tưởng: "Dấu mốc đáng nhớ nhất của cuộc đời tôi là quyết định đi làm nghiên cứu sinh tại Nhật Bản. Khi đó tôi đã có gia đình, có chồng và con nhỏ nên thực sự khó khăn trong bước đường chọn lựa. Nhưng rồi, được sự ủng hộ của người thân và bạn đời cùng niềm đam mê quá đỗi mãnh liệt với khoa học, với nghiên cứu, tôi đã quyết định lên đường"…

Trở về nước sau thời gian 5 năm học tập, những kiến thức đầy ắp trong đầu học được đã thôi thúc chị Lan lập tức bắt tay vào nghiên cứu. Năm 2009, dịch lợn tai xanh xuất hiện ở Việt Nam khiến bao hộ chăn nuôi điêu đứng; các nhà quản lý lo lắng… Với tư cách là một người làm khoa học được đào tạo tại nước ngoài, chị Lan đã trăn trở, nghiền ngẫm rất nhiều và bắt tay vào công trình nghiên cứu đầu tiên do mình làm chủ nhiệm: “Kít chẩn đoán nhanh hội chứng rối loạn hô hấp và sinh sản (PRRS) hay bệnh tai xanh ở lợn”. Đây là đề tài độc lập cấp Nhà nước và được nghiệm thu ngày 29-12-2011. Sản phẩm của đề tài làm chủ quy trình công nghệ chế tạo được Kít chẩn đoàn nhanh và chính xác bệnh tai xanh ở lợn với độ nhạy và độ đặc hiệu cao (96,6% và 99,1%), có thể phát hiện được bệnh tai xanh ở lợn trong thời gian từ 5 đến 10 phút. Kít tạo ra không có sự chồng chéo với một số vi rút như lở mồm long móng, dịch tả lợn, Circovirus. Kít đã được sử dụng thử nghiệm tại một số tỉnh như Bắc Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Hải Dương và đem lại hiệu quả tốt. Công nghệ chế tạo Kít có thể chuyển giao cho các DN sản xuất thử nghiệm, thương mại hóa sản phẩm.

Với kiến thức đã học được và niềm khát khao được cống hiến cùng trách nhiệm với cộng đồng, chị Lan tiếp tục thực hiện nhiều công trình nghiên cứu khác. Tính đến nay, chị chủ trì 2 đề tài cấp Nhà nước, 2 đề tài cấp Bộ ; thư ký và tham gia chủ chốt 11 đề tài cấp Nhà nước, 7 đề tài cấp Bộ; đã công bố 105 bài báo khoa học trong và ngoài nước.

GS.TS Nguyễn Thị Lan tại khuôn viên Học viện Nông nghiệp Việt Nam. Ảnh: Đ.Q

GS.TS Nguyễn Thị Lan tại khuôn viên Học viện Nông nghiệp Việt Nam. Ảnh: Đ.Q

Nuôi dưỡng đam mê, miệt mài đóng góp

Từng phụ trách giảng dạy môn học Bệnh lý thú y I và II cho ngành thú y; do yêu cầu phát triển và đổi mới chương trình đào tạo, GS. TS. Nguyễn Thị Lan đã chủ động xây dựng và giảng dạy nhiều học phần mới như bệnh lý thú y nâng cao, bệnh lý học phân tử, khối u và ung thư ở động vật phù hợp với nhu cầu xã hội. Trong giảng dạy, chị luôn đổi mới nội dung chương trình và phương pháp giảng dạy, chuyển từ mô hình truyền tải kiến thức sang tăng cường tính chủ động, tích cực tự học của sinh viên; đồng thời khai thác tối đa công nghệ thông tin và phương tiện hiện đại để phục vụ cho giảng dạy. Mỗi bài giảng đều sống động, hấp dẫn người học không chỉ có lý thuyết suông mà luôn có hơi thở của thực tiễn sản xuất và xã hội, được truyền tải qua phương pháp sư phạm thích hợp.

Ngoài ra, trong 5 năm gần đây, GS. TS. Nguyễn Thị Lan đã xây dựng, định hướng, tổ chức và trực tiếp cùng các nhà khoa học của Học viện Nông nghiệp Việt Nam đến các tỉnh, địa phương để giúp bà con nông dân xây dựng các đề án như Đề án “Quy hoạch quản lý phát triển hệ thống cây xanh trên địa bàn TP Hà Nội”; “Phát triển nguồn lực khoa học và công nghệ của Học viện”; “Tái cơ cấu nông nghiệp tại một số huyện ngoại thành Hà Nội; “Tái cơ cấu sản xuất nông - lâm nghiệp theo hướng nâng cao giá trị, tạo việc làm và phát triển bền vững tỉnh Quảng Trị”; “Tái cơ cấu nông nghiệp, nâng cao giá trị gia tăng nông sản gắn với xây dựng nông thôn mới ở Tây Nguyên” hay Chương trình “Hoạt động khoa học công nghệ vì Hoàng Sa, Trường Sa”.

Một dấu mốc nữa với chị Lan là khi trở thành đại biểu Quốc hội khóa XIV - đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội. Ở cương vị này, GS. TS. Nguyễn Thị Lan tham gia tích cực vào các hoạt động góp ý, thảo luận xây dựng và hoàn thiện các luât: Luật Giáo dục, Luật Trồng trọt, Luật Khoa học công nghệ, chuyển giao công nghệ… Kỹ năng chuyên sâu về nông thôn mới và tái cơ cấu nông nghiệp mà kinh nghiệm bản thân có được từ trải nghiệm thực tế đã được áp dụng vào thực tiễn sản xuất của chị đã mang lại nhiều lợi ích kinh tế cho xã hội.

Dù thực hiện cùng lúc nhiều vai trò khác nhau nhưng khi trở về bên mái ấm gia đình, cảm giác bình yên, nhẹ nhõm và yên tâm luôn khiến chị Lan cảm nhận được trọn vẹn nhất niềm hạnh phúc. Chị luôn biết ơn và cảm ơn những người thân đã yêu thương, ủng hộ, động viên, hy sinh vì mình; chị cảm ơn những đồng nghiệp, cộng sự cùng nhiều thế hệ đi trước và các em sinh viên đã đồng hành cùng chị và Giải thưởng cao quý Kovalevskaia năm 2018 này có sự đóng góp to lớn của những người xung quanh đó...

GS.TS Nguyễn Thị Lan được biết đến là Giáo sư trẻ nhất ngành Thú y Việt Nam; Giáo sư danh dự của ĐH Yamaguch (Nhật Bản); Giáo sư thỉnh giảng ĐH Miyazaki (Nhật Bản); Chủ tịch Hiệp hội Thú y châu Á, được tôn vinh là “Nhà khoa học của nhà nông” năm 2018.

Điệp Quyên

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/gs-ts-nguyen-thi-lan-chinh-tri-gia-nha-quan-ly-va-nha-nghien-cuu-139106.html