GS - TS y khoa và một tình yêu văn chương đáng quý

Cách đây chừng mươi năm, tình cờ tôi đọc được trong tập thơ của Câu lạc bộ thơ Hải Thượng (của những nhà hoạt động y tế Hà Nội) 4 câu thơ ký tên GS - TS y khoa Ngô Ngọc Liễn: Dứt một sợi tóc bạc - Thả xuống hồ thu xanh - Chẳng sợ tóc chìm nhanh - Chỉ e hồ thêm lạnh...

Người phụ nữ vẻ vang

Cũng như "phong, hoa, tuyết, nguyệt", sợi tóc con người từ lâu đã trở thành đề tài cho nhiều thi hứng. Hàng ngàn bài, từ ca dao đến thơ thành văn, người ta đã viết về sợi tóc; nhưng có lẽ chưa ai đặt sợi tóc vào tình huống giữa "tóc bạc" và "thu xanh", để rồi e ngại lo âu, liệu những năm tháng cuối đời, ta sẽ làm gì cho cuộc đời ấm lên chứ đừng lạnh đi, dẫu chỉ là một cử chỉ nhỏ nhẹ, tình cờ như "Dứt một sợi tóc bạc/Thả xuống hồ thu xanh".

Tác giả Ngô Ngọc Liễn. Ảnh: VŨ NHO

Bài thơ ấy được trích trong một tập thơ riêng đầu tay khi tác giả đã vượt qua cái tuổi "lục tuần đại khánh".

Và bây giờ là tiểu thuyết đầu tay "Mẫu Ỷ Lan" ngót 400 trang, ra đời khi tác giả cũng đã qua cái tuổi "xưa nay hiếm" chừng gần một giáp!

Có thể nói, cùng với nhiều cuốn sách nghiên cứu, biên khảo về y học, đến sự ra đời khá muộn màng của những tác phẩm văn chương, chúng ta càng thấy ở Ngô Ngọc Liễn một niềm say mê lâu bền và đằm thắm. “Cẩn” và “trọng” đúng là hai nét nổi bật ở cốt cách của tác giả này, với hy vọng còn được góp một chút gì đó cho sự ấm nóng của cuộc đời.

Và tôi đã đọc ông ngay khi có sách. Không phải bốn câu thơ mà là 400 trang khổ sách 13x19cm.

Nhân vật chính của cuốn sách là Ỷ Lan nguyên phi - vợ vua Lý Thánh Tông. Bà được hiện ra trong tác phẩm từ khi còn là một thiếu nữ trồng dâu nuôi tằm ở xứ Kinh Bắc cho đến khi trở thành nguyên phi, thái hậu, rồi thái hậu nhiếp chính (thay vua). Sinh 1044, mất 1117, bảy mươi ba năm cuộc đời bà gắn bó trọn vẹn với chồng là vị vua vĩ đại Lý Thánh Tông và cũng gần như đến trọn đời với con trai bà là vua Lý Nhân Tông (1066-1128).

Đền Ghênh ở thôn Ngọc Quỳnh, xã Như Quỳnh (Văn Lâm, Hưng Yên), thờ Mẫu Nguyên phi Ỷ Lan. Ảnh: D.T

Đấy cũng chính là khoảng thời gian mà đất nước Đại Việt ta trải qua không ít những gian truân, đồng thời cũng giành được những thành tựu huy hoàng trong đánh giặc Tống, bình giặc Chiêm, dựng lên một triều đại hưng thịnh về cả kinh tế, văn hóa có giá trị nền móng cho lâu dài. Là một Thái hậu nhiếp chính (thay vua) trong những thời đoạn quan trọng nhất của đất nước (khi Lý Thánh Tông cầm quân đi dẹp giặc Chiêm Thành quấy rối bờ cõi phía Nam; rồi khi Lý Thánh Tông đã mất, con trai là Lý Nhân Tông còn thơ ấu, thì cũng là lúc hàng chục vạn quân Tống xâm lược kéo sang...), bà đã hoàn thành sứ mệnh một cách vẻ vang!

Vừa hiện thực vừa huyền ảo

Một thời đoạn ngót một thế kỷ lịch sử đất nước như vậy đã được hiện lên qua những trang tiểu thuyết "Mẫu Ỷ Lan" như thế nào?

Theo trình tự thời gian, trật tự sự kiện rất nghiêm cẩn trong chính sử, nhưng tác giả đã không ngừng đan xen một cách lý thú giữa chính sử, dã sử, cổ tích, huyền thoại, truyền thuyết, tạo nên sự hấp dẫn vừa hiện thực vừa huyền ảo.

Nhân vật chính là Ỷ Lan, nhưng qua sự hưng thịnh của một triều đại hiển hách và cũng đầy cam go trong việc đánh giặc giữ nước, gây dựng những nền tảng cho văn hóa và an sinh xã hội... tác giả còn cho chúng ta thấy những nhân vật kỳ vĩ khác. Đấy là Lý Thường Kiệt, Lý Đạo Thành, Lê Văn Thịnh, các thiền sư, quốc sư thi sĩ, và những gương mặt dân chúng đầy nghĩa khí, nhân hậu...

Nhưng cho dù ở một triều đại, hay một xã hội hưng thịnh đến như thế nào, nó cũng luôn có những mặt trái, trong cái hùng thường có cái bi. Có lẽ vậy mà khi định nghĩa những áng anh hùng ca qua nhiều thời, nhiều tiêu chí, người ta chưa bao giờ dám quên những giá trị bi, tráng của nó.

Ở đây, thời Lý Thánh Tông và Ỷ Lan Thái hậu nhiếp chính, ngay trong chính sử, chúng ta cũng đã thấy những số phận bi kịch, oan trái như Thái sư Lý Đạo Thành, Trạng nguyên khai khoa - Thái sư Lê Văn Thịnh, Hoàng hậu Thượng Dương...

Có bi kịch xảy ra khi Ỷ Lan cầm quyền. Có bi kịch xảy ra khi bà đã về già và rời bỏ quyền bính cho vua con... Nhưng dù ở hoàn cảnh nào, với lòng kính trọng đức độ và tài năng giữ nước, dựng nước, văn hóa, ngoại giao, ổn định xã hội dân sinh của bà, tác giả đã biết dựng nên những tình huống để hậu thế, trong sự lên án nào đó, vẫn có sự độ lượng cảm thông cần thiết khi tìm về quá khứ.

Với tấm lòng ấy, tác giả đã viết nên những trang khá xúc động và thuyết phục. Đấy là những nỗi khắc khoải khôn nguôi của Ỷ Lan sau cái chết tàn khốc của Hoàng hậu Thượng Dương và 72 nô tỳ. Đấy là việc sửa sai một cách đầy ân tình của bà và Thái úy Lý Thượng Kiệt trước nỗi oan của Thái sư Lý Đạo Thành (từ trang 153 đến trang 159).

Cuộc trao đổi về việc nước, lễ nghi, học thuật, nhân trị, pháp trị giữa Thái hậu nhiếp chính với chàng trai trẻ Trạng nguyên khai khoa Lê Văn Thịnh là một chương khá lý thú. Sự trang trọng của lễ nghĩa (vua, tôi) vẫn đầy đủ, nhưng nó không hề ngăn cản những ý tưởng cao quý, cách nhìn mới mẻ của tuổi trẻ trí tuệ thuộc thế hệ sau Ỷ Lan (trang 239 đến 265). Người ta không lấy làm lạ khi Thái hậu Ỷ Lan còn nhiếp chính, Lê Văn Thịnh đã được vời đến dạy học cho Thế tử Càn Đức (vua Lý Nhân Tông). Ông đã được cử đi sứ đòi đất đai lãnh thổ và rồi được phong đến Thái sư. Nỗi oan khuất động trời của Lê Văn Thịnh đã xảy ra khi Thái hậu đã thôi nhiếp chính. Đấy phải chăng là dấu hiệu bắt đầu dẫn đến giai đoạn thoái hóa của một vương triều?...

Việc các nhà khảo cổ học tìm ra bức tượng đá khổng lồ của nghệ sĩ điêu khắc dân gian tạc lên từ thời Lý, mô tả một con rồng lớn, phần đầu đặt trên mặt bàn, sau khi quấn thân mình thành nhiều đoạn khuất lấp dưới gầm bàn, con rồng đã cắn ngập răng vào một khúc khỏe nhất của chính cơ thể mình khi tưởng rằng khúc ấy là của một con vật khác! Việc tạo án vu oan cho một tài năng, trí tuệ lớn như Lê Văn Thịnh, phải chăng đấy là dấu hiệu dẫn đến sự tự sát của một quyền lực sau đó vài chục năm?...

Đây là một "Tiểu thuyết lịch sử"? Đúng vậy. Nhưng tại sao cùng với chính sử, con người lại cần đến tiểu thuyết lịch sử nữa? Để được "học" sử bằng một công cụ hấp dẫn là tiểu thuyết chăng? Đúng. Nhưng cái chính nữa phải chăng là con người rất cần sự đánh giá liên tục, không ngừng của các thế hệ nối tiếp không chỉ bằng lý trí mà bằng cả cảm xúc; không chỉ bằng các sự kiện lịch sử, mà còn bằng cả tâm hồn, thân phận của những con người trong quá khứ. Chỉ có như thế sự "ôn cũ, biết mới" (ôn cố tri tân) mới đến được một cách phong phú, toàn diện cho sự mở mang trong cả nghĩ và cảm.

Trần Ninh Hồ

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/tin-tuc/gs-ts-y-khoa-va-mot-tinh-yeuvan-chuong-dang-quy-847755.html