Gửi gắm niềm tin vào BĐBP

Hôm đầu tiên đến Bộ Chỉ huy BĐBP Đắk Lắk liên hệ công tác, khi biết mong muốn của tôi là được đến các đồn Biên phòng để ghi chép, ký họa trực tiếp hình ảnh người chiến sĩ đang làm nhiệm vụ, Trung tá Nguyễn Doãn Hòa, Phó Chủ nhiệm Chính trị BĐBP Đắk Lắk gật gù, tâm đắc: 'Đến với BĐBP là đến với sắc xanh của đại ngàn, ngoài vẻ đẹp kỳ vĩ của núi rừng còn lắng đọng tình đoàn kết, sâu nặng nghĩa tình quân dân'.

Cán bộ Đồn Biên phòng Ia Rvê trao đổi với bà con xã Ia Rvê về phương án làm kinh tế hộ gia đình. Ảnh: Phùng Văn Minh

“Ngày xưa, nơi này là “đại bản doanh” của voi rừng đấy anh!” - Giọng nói hồ hởi của Thượng úy YPong Niê Kdăm, Tiểu đoàn Huấn luyện - Cơ động, BĐBP Đắk Lắk, người được Bộ Chỉ huy tin tưởng giao nhiệm vụ dẫn đường đưa tôi tới thăm Buôn Đôn - nơi có dòng Serepok chảy qua, mang theo dòng nước mát ngọt lành, là quê hương của những chú voi con ngộ nghĩnh trong bài hát của nhạc sĩ Phạm Tuyên “Chú voi con ở Bản Đôn”. Không ngờ những câu hát ấy lại chạm đúng miền ký ức của chàng sĩ quan trẻ, để rồi trên đoạn đường còn lại, tôi được nghe nhiều câu chuyện huyền thoại về voi rừng, voi nhà.

YPong Niê Kdăm bảo, em được sinh ra và lớn lên tại Bản Đôn, xã Krông Na, huyện Buôn Đôn, từ nhỏ từng theo cha vào rừng tìm củi và lấy mật ong nên biết rất nhiều về các loại cây, loài thú. Voi không chỉ là biểu tượng của vùng đất Tây Nguyên, mà còn là nét đẹp trong văn hóa tín ngưỡng cũng như sinh hoạt hằng ngày. Nói cách khác, voi là một thành viên không thể thiếu trong cộng đồng buôn làng các dân tộc.

Mải câu chuyện, chiếc xe từ từ giảm tốc độ, rẽ vào Đồn Biên phòng Ia Rvê. Đúng lúc Thượng tá Nguyễn Xuân Chiến, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Ia Rvê cũng vừa về đến đơn vị. Lưng áo vẫn ướt đẫm mồ hôi, sau cái bắt tay thật chặt, anh cho biết, đang làm việc cùng các đồng chí ở UBND xã Ia Rvê, huyện Ea Súp, bàn về việc triển khai làm sân trường cho các cháu học sinh tiểu học. Công việc bận rộn là vậy, nhưng niềm vui ánh trên gương mặt sạm nắng gió của người cán bộ Biên phòng.

Trong câu chuyện, tôi hiểu thêm, năm 2006, xã Ia Rvê được thành lập theo mô hình kinh tế gắn với quốc phòng. Những công dân đầu tiên đến với mảnh đất này chính là thanh niên xung kích từ các miền quê của cả nước lên đây lập nghiệp. Đặc biệt, những đoàn viên, thanh niên ưu tú của xứ dừa Bến Tre đã từ biệt miền quê sông nước thơ mộng tình nguyện lên cao nguyên để xây dựng quê hương mới.

Trần Lệ Thủy, người con gái Bến Tre năm nào, nay là Bí thư Đảng ủy xã Ia Rvê luôn giữ nguyên vẹn cho mình những ngày đầu gian khó trong ký ức. Ngày ấy, những chàng trai, cô gái đến với miền đất trắng bằng sức trẻ, niềm tin và sự quyết tâm. Vào mùa khô, chứng kiến những hàng cây xanh tươi, phát triển bình thường tự nhiên ngả vàng rồi chết, nguyên nhân do thiếu nước tưới, không ai có thể khoanh tay đứng nhìn. Bộ đội bàn với Đoàn thanh niên xã cùng nhau khoan giếng, có giếng rồi vẫn chẳng có nổi giọt nước.

Không hề nản chí, các anh tiếp tục nghĩ cách đào ao, kè đá và đắp đất xung quanh chờ mùa mưa. Có ao ắt sẽ thả cá, bắt tay trồng các loại cây leo như bầu, mướp, su su... Đúng như dự tính, chẳng bao lâu sau, ao đã có tiếng cá quẫy đớp mồi, cây leo kín giàn, quả sai lúc lỉu, anh em nhìn nhau rưng rưng vì mừng, vì tự hào. Từ vùng đất được coi là cằn cỗi nhất của tỉnh Đắk Lắk, màu xanh dần được phủ kín...

Những thành quả bước đầu ấy như tiếp thêm sức mạnh và niềm tin cho những con người nơi đây. Tình yêu lứa đôi cũng lớn dần từ đó, những thế hệ công dân đầu tiên được sinh ra và lớn lên trên mảnh đất tràn đầy yêu thương. Các em, các cháu đến tuổi tới trường được chính những người thầy giáo đầu tiên dạy chữ lại là BĐBP. Trong làng, ngoài bản, hễ có ai đau yếu đều được quân y BĐBP khám, chữa bệnh. Nhà nào có công to, việc lớn, những người đến sớm hơn không ai khác cũng là BĐBP. Cuộc sống của các anh gắn bó với người dân nơi đây là vậy, không quản ngày hay đêm, không ngại khó khăn vất vả.

Đưa cho tôi cốc nước dừa thơm dịu, đồng chí Bí thư Đảng ủy xã “khoe” rằng: “Hiện, trong xã có hệ thống trường lớp từ mẫu giáo đến hết trung học cơ sở, cơ sở vật chất khang trang, bảo đảm tốt việc dạy và học của thầy và trò”. Dường như vẫn còn điều gì trăn trở trong ánh mắt của người phụ nữ ấy, chị chia sẻ thêm: “Nếu địa phương có được nguồn nước phục vụ tưới tiêu quanh năm, thì chắc chắn kinh tế xã nhà sẽ phát triển mạnh hơn nhiều”. Hướng về phía các anh BĐBP, giọng nói ngọt ngào của đồng chí nữ Bí thư Đảng ủy xã giống như người thân trong nhà: “Bộ đội làm trước, chúng em cất bước theo sau”. Câu nói vui, nhưng rất chân tình, như một sự gửi gắm niềm tin vào BĐBP.

Nắng chiều nhạt dần, biên cương như một dải màu xanh bao la. Mùa này, nước sông cạn, bước chân chiến sĩ di chuyển thoăn thoắt, vững chãi trên các hòn đá cuội to kềnh càng, nhẵn bóng. Đang hành quân về đơn vị, gặp vài thiếu nữ trẻ ngược chiều, gùi trên lưng những nông sản vừa hái. Gặp bộ đội, họ đứng lại cúi đầu chào thầy, tôi thoáng chút ngạc nhiên, rồi chợt nhớ tới lớp học nghĩa tình mà chính các anh là những người thầy đứng trên bục giảng. Hóa ra trên vai cán bộ, chiến sĩ BĐBP không chỉ có ba lô và cây súng, mà họ còn "cõng" cả những con chữ đến tận vùng sâu, vùng xa cho bà con.

Đầy ắp trong tôi là hình ảnh đẹp về người lính Biên phòng, cảm xúc cứ òa ra trên giấy, một mùa ký họa thành công trên cao nguyên thanh bình.

Phùng Văn Minh

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/gui-gam-niem-tin-vao-bdbp/