Gửi tiết kiệm ngắn hạn lên ngôi

Tiền gửi tiết kiệm tại các nhà băng kỳ hạn dài (3 tháng, 6 tháng hoặc 1 năm) đang "thất sủng". Thay vào đó là sự “lên ngôi” của các kỳ hạn ngắn, dài nhất là 1 tháng, ngắn thì 1 tuần.

Hầu hết khách hàng đều chọn gửi kỳ hạn theo tuần hoặc 1 tháng Ảnh: Hoài Nam

Cầm trong tay 460 triệu đồng tiền bán chiếc xe ô tô Hyundai Getz, anh Hùng (Lê Ngọc Hân – Hà Nội) có ý định gửi tiết kiệm để bảo toàn nguồn vốn, trong lúc tỷ giá bấp bênh. Dù nhân viên ngân hàng Tienphongbank khuyên nên gửi kỳ hạn dài để được hưởng lãi suất 14%/năm, nhưng anh Hùng quyết định sẽ chỉ gửi 2 tuần, vì theo anh gửi kỳ hạn ngắn trong trường hợp cần vẫn có thể rút được, tránh được sự xuống giá của đồng tiền. “Giữ tiền Việt ngày càng mất giá nên gửi ngắn dài như nhau hết, cứ gửi ngắn rồi đến khi cần tiền rút ra cho dễ”- anh Hùng nói.

Khách hàng gửi kỳ hạn ngắn không chỉ diễn ra ở các NH vừa, nhỏ mà ngay cả ở những NH lớn kỳ hạn gửi ngắn vẫn được khách hàng “chuộng” nhất. Tư vấn cho khách, một nhân viên chi nhánh Vietcombank trên đường Ngô Quyền khuyên, gửi một tháng trở lên lãi suất khách hàng được hưởng 14%/năm, khi có nhu cầu gửi tiếp NH sẽ tự động tái tục khoản gửi, không cần khách phải tới NH.

Cùng quan điểm cho rằng, chỉ nên gửi ngắn hạn trong bối cảnh biến động lãi suất, ông Đoàn, cán bộ hưu trí đến gửi tiết kiệm tại NH Agribank, chọn kỳ hạn 3 tháng với lãi suất 1,67%/tháng. Theo ông, kỳ hạn 6 tháng hay một năm giờ cũng chỉ có lãi suất 1,67%/tháng, nên chọn gửi ngắn vì dòng vốn linh hoạt hơn.

Chị Linh, khách của DongAbank bày tỏ, chị vừa mới gửi gần 1 tỷ triệu đồng vào tuần rồi, nhưng cũng chỉ gửi ngắn, 1 tháng với mức lãi suất 1,167%/tháng (14%/năm).

Theo tính toán của chị, gửi 3 tuần và 1 tháng chênh nhau ít thời gian mà lãi suất “vênh” 8%/năm giữa các kỳ gửi thì chẳng tội gì không cố gửi thêm 1 tuần để được hưởng lãi cao hơn. Trước đây chị Linh thường phân phối tiền nhàn rỗi để gửi "trải thảm" ở các nhà băng, nhưng giờ đều lãi suất như nhau cả nên tập trung vào một đầu mối cho tiện. “Chênh lệch giữa các ngân hàng giờ không còn, chỗ nào dịch vụ tốt, gần nhà là tôi gửi, chứ không rút tiền nơi này gửi sang nhà băng khác vì không an toàn khi di chuyển tiền trên đường”.

Tiền gửi tiết kiệm các kỳ hạn ngắn “lên ngôi”, kỳ hạn dài “thất sủng” không phải bây giờ mới manh nha xuất hiện, mà đã được nhiều NH “để mắt” tới. Đa số người gửi tiền cũng cho rằng, nên gửi với kỳ hạn ngắn để có thể linh hoạt dòng vốn, và có thể chuyển nơi khác nếu dịch vụ tốt hơn.

Chị Hà – cán bộ tín dụng khách hàng cá nhân một NHTMCP thuộc top G12 (nhóm 12 NHTMCP lớn) tại Hải Phòng cho biest, chỉ có những khách hàng có số tiền nhàn rỗi, như người già “ăn chắc mặc bền”, ít có nhu cầu dùng tới tiền mới chọn gửi các kỳ hạn dài 3 hoặc 6 tháng, còn lại đều gửi từ 1 tuần tới 3 tuần, phổ biến nhất là mức gửi 1 tháng.

"Gửi dài thì hơn nhau cái là NH có chút quà thưởng nho nhỏ, hay phiếu quay số trúng thưởng cho khách, chứ không còn được thưởng lãi suất cao như trước. Các kỳ hạn gửi “siêu” ngắn theo ngày vẫn có lác đác khách hàng muốn gửi, nhưng các NH đều từ chối vì sau đợt "tuýt còi" một số NH đưa ra chiêu này để lách trần lãi suất, và "trảm" một số NH vi phạm chẳng NH dám "liều".- chị nói thêm.

Tuy nhiên, cán bộ tín dụng này cũng thừa nhận, chính vì hiện tại khách hàng “chuộng” gửi kỳ hạn ngắn theo tuần, hoặc nhiều nhất là 1 tháng nên nhiều lúc NH cũng gặp khó khăn khi hàng loạt khoản tiền gửi của khách hàng cùng đáo hạn vào một thời điểm.

Theo các chuyên gia, trong bối cảnh lãi suất đầu vào quy về một mối như hiện nay, yếu tố níu chân khách hàng chính là dịch vụ, chất lượng của nhà băng. Trao đổi với Infonet, ông Trương Thanh Đức – Phó tổng giám đốc MaritimeBank thừa nhận, việc siết trần lãi suất huy động gần như là cơ hội để khối NH thanh lọc, nâng cao chất lượng và sản phẩm dịch vụ. NH nào dịch vụ linh hoạt, chăm sóc khách hàng tốt thì chắc chắn sẽ “níu chân” được khách hàng và không phải lo lắng về vấn đề thanh khoản, dù NH đó là nhỏ hay lớn. Do đó, nâng cao chất lượng phục vụ chắc chắn là vấn đề lưu tâm hàng đầu của các ngân hàng hiện nay.

Bà Dương Thu Hương – Tổng thư ký Hiệp hội NH Việt Nam (VNBC) cũng khuyến cáo, “không phải những NH “ngự” mặt tiền lớn, có vẻ ngoài hút khách là đã có nhiều khách gửi. NH nhỏ nhưng chất lượng dịch vụ tốt, chăm sóc khách chu đáo và gần nhà sẽ là sự lựa chọn thông minh của người gửi tiền”- bà Hương nói.

Nguyễn Hoài

Nguồn Infonet: http://infonet.vn/Detail.aspx?ArticleID=3672