Gửi yêu thương ra đảo xa

Tôi nhận tập thư của các học sinh lớp 2M Trường Tiểu học Nghĩa Tân, quận Cầu Giấy, Hà Nội trước ngày lên đường cùng Đoàn công tác ra thăm Trường Sa dịp tháng 4-2023. Cô giáo chủ nhiệm Nguyễn Giáng Hương chỉ nhắn nhủ: 'Nhờ anh giúp các con gửi những lá thư này đến với các chú bộ đội hải quân đang công tác tại quần đảo Trường Sa, các con sẽ vui lắm'…

► Video: Cán bộ Nhà giàn DK1-12 Tư Chính với những bức thư của các học sinh lớp 2M

Yêu thương biển đảo qua trang giấy nhỏ

Cô Giáng Hương cho biết, trong chương trình Tiếng Việt lớp 2 có bài luyện tập: Viết thư cảm ơn các chú bộ đội hải quân. Để tạo sự hứng thú cho học trò, cô Hương đã tìm những tư liệu về quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa, hình ảnh sinh hoạt, huấn luyện sẵn sàng chiến đấu, tuần tra bảo vệ chủ quyền biển đảo của bộ đội hải quân… rồi dựng thành phóng sự ngắn trình chiếu cho các con xem, giúp các con cảm nhận rõ về cuộc sống của quân và dân trên các đảo. Buổi học về biển đảo yêu thương đã tạo cho các con rất nhiều hứng thú và cảm xúc. Những địa danh nơi đầu sóng ngọn gió như Trường Sa, Nhà giàn DK1, Sinh Tồn, Cô Lin, Song Tử Tây… đã thực sự chạm đến trái tim và nhận thức của mỗi học trò theo cách tự nhiên và dễ hiểu nhất.

Chăm chút từng nét vẽ, từng câu chữ...

Chăm chút từng nét vẽ, từng câu chữ...

... các học trò lớp 2M gửi lời cảm ơn các chú bộ đội hải quân.

Được sự hướng dẫn và động viên của cô Giáng Hương, các học trò lớp 2M đã dành những tình cảm hồn nhiên và trong trẻo nhất của mình để viết thư và vẽ tranh thật đẹp, cảm ơn các chú bộ đội hải quân. Từ hình ảnh trên clip và những câu chuyện do cô Hương kể, các bạn nhỏ ở độ tuổi tuổi lên 8 đã vẽ nên những bức tranh sinh động về biển đảo yêu thương, về bộ đội hải quân anh hùng, về cột mốc chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc; nắn nót viết những dòng thư mộc mạc gửi các chú bộ đội đang canh giữ biển trời ở khơi xa…

Thư của học sinh lớp 2M cảm ơn bộ đội hải quân.

Mỗi cánh thư nhỏ chứa đựng những tình cảm hồn nhiên và trong trẻo nhất của các em.

“Hôm nay được xem phim tư liệu về các chú, cháu thấy tuy các chú sống rất vất vả, thiếu nước ngọt, thời tiết khắc nghiệt nhưng các chú vẫn rất nghiêm túc làm việc”- Bảo Hân.

“Hôm nay cháu và cả lớp được xem phóng sự về cuộc sống của các chú ngoài đảo. Cháu rất cảm kích khi các chú đã vượt qua bao giông bão, nắng gió để bảo vệ biển đảo quê hương cho chúng cháu luôn được hòa bình…” - Hồng Vân.

“Hôm qua cháu tìm đọc cuốn sách về các chú. Cháu vô cùng cảm kích về công việc của các chú tuy khó khăn nhưng các chú rất vui vẻ…” - Thanh Tú.

“Cháu cảm ơn các chú bộ đội ạ, vì các chú luôn vững vàng tay súng canh gác biển trời, canh gác đảo Trường Sa cho chúng cháu vui học hành” - Trần Diệu Anh.

Những lời thư ngắn gọn viết trên trang vở ô li, nét mực tím thẳng hàng kèm theo đó là những bức tranh về cột mốc chủ quyền Trường Sa với khẩu hiệu: “Trường Sa, Hoàng Sa là của chúng ta”, “Yêu lắm đấy Trường Sa thân yêu” mang theo tất cả tình cảm trong trẻo nhưng sâu lắng, đong đầy sự chia sẻ, biết ơn của các em đã vượt cả ngàn cây số đến với Trường Sa như thế…

Mỗi lời nhắn gửi, thêm một sự tiếp sức

Những lá thư không tem, không dấu bưu chính, những lá thư chỉ đề họ tên và địa chỉ người gửi, còn ở địa chỉ người nhận được ghi “Gửi các chú bộ đội hải quân”, món quà nhỏ đong đầy tình cảm của các học trò Thủ đô được cán bộ, chiến sĩ hải quân đang công tác tại Trường Sa rất trân trọng. Thế nên, Đại úy Cao Văn Tất, trợ lý chính trị Vùng 4 Hải quân, dù khá bận bịu với việc phục vụ Đoàn công tác từ đất liền ra thăm các đảo, nhưng khi được tôi chia sẻ về tập thư và mong muốn của cô trò lớp 2M, anh nhận ngay “nhiệm vụ”. Những lá thư được anh chia đều gửi tới các điểm đảo và nhà giàn nơi Đoàn công tác ghé thăm như: Song Tử Tây, Sinh Tồn, Đá Đông A, Cô Lin, Trường Sa và Nhà giàn DK1 -12 Tư Chính.

Và mỗi lần lên đảo, trong cặp tài liệu phục vụ Đoàn công tác, bao giờ cũng có những lá thư đầy yêu thương của lớp 2M được Đại úy Cao Văn Tất trân trọng chuyển đến tận tay bộ đội. Không những thế, anh còn ghi lại hình ảnh cán bộ, chiến sĩ các điểm đảo trân trọng đọc thư, xem tranh của các em nhỏ từ Thủ đô gửi ra đảo.

Ở điểm cuối của hải trình, khi lên đến Nhà giàn DK1-12 Tư Chính, xong công việc chuẩn bị cho Đoàn công tác, Đại úy Cao Văn Tất mở cặp tìm những bức thư cuối cùng dự định chuyển cho các chiến sĩ Nhà giàn thì không thấy. Dù thời tiết khá nóng, mồ hôi chảy ròng ướt áo, Đại úy Tất vẫn xuống xuồng trở về tàu tìm thư, rồi quay lại trao tận tay cán bộ, chiến sĩ đang công tác tại Nhà giàn DK1-12 Tư Chính.

Đại úy Cao Văn Tất (giữa) và cán bộ Nhà giàn DK1-12 Tư Chính đọc thư của các bạn nhỏ lớp 2M.

“Dù thư của các bạn nhỏ không dài, nhưng chứa đựng tình cảm yêu thương, trân trọng những người lính hải quân nên tôi phải cố gắng chuyển đến tận tay anh em. Đó như món quà của những người con từ đất liền gửi ra đảo thăm cha. Vì vậy, khi nhận những cánh thư mỏng ấy, cán bộ, chiến sĩ các điểm đảo đều rất cảm động, khen chữ học sinh lớp 2 Hà Nội viết rất đẹp, tranh vẽ sinh động, lời thư ngắn gọn mà xúc động…”, Đại úy Cao Văn Tất tâm sự.

Trên nóc nhà giàn DK12 - Tư Chính, TS Nguyễn Bá Cường - Giám đốc NXB Đại học Sư phạm Hà Nội đã tình cờ ghi lại hình ảnh cảm động khi các cán bộ, chiến sĩ hải quân mở xem từng bức thư của các con lớp 2M. Đại úy Cao Đăng Tất dù mới leo mấy tầng nhà giàn mồ hôi nhễ nhại vẫn hào hứng mở thư, đọc to những lời thăm hỏi của các con gửi bộ đội hải quân.

Bên cột mốc chủ quyền Tổ quốc, những lời tâm sự, chia sẻ trong trẻo, hồn nhiên được viết nắn nót trên trang giấy học trò không chỉ khiến các cán bộ, chiến sĩ đang làm nhiệm vụ trên đảo, mà bản thân chúng tôi cũng không giấu được xúc động. Chúng tôi bắt gặp những nụ cười trên môi và cả ánh mắt khi các chiến sĩ chuyền tay nhau đọc thư của các bạn nhỏ… Đây chính là món quà tinh thần vô cùng ý nghĩa đối với những người lính đảo, giúp cho cán bộ, chiến sĩ hiểu hơn về tình cảm của các em học sinh, tình cảm của đất liền đối với đảo xa, tiếp thêm sức mạnh cho các anh vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, vững vàng tay súng gìn giữ biển trời thiêng liêng của Tổ quốc...

Các chiến sĩ trẻ trên quần đảo Trường Sa hào hứng đọc thư của các em nhỏ Thủ đô.

Trở về đất liền, tôi đã gửi những hình ảnh, clip bộ đội Trường Sa nhận thư tới cô và trò lớp 2M. Cô Giáng Hương và các em nhỏ rất cảm động khi biết món quà của mình đã được chuyển đến tận tay bộ đội hải quân Trường Sa. Cả lớp đã dành tiết sinh hoạt cuối tuần để xem những hình ảnh từ biển đảo, nghe những lời cảm ơn, lời khen của bộ đội Trường Sa gửi tới các trò nhỏ ở Thủ đô. Cô Hương và các học trò cũng không quên gửi lời cảm ơn Đại úy Cao Văn Tất - “người giao liên” đã giúp cô trò thỏa ước mong gửi yêu thương ra đảo xa.

“Nơi anh đến là biển xa. Nơi anh tới ngoài đảo xa. Từ mảnh đất quê ta giữa đại dương mang tình yêu quê nhà…”...

Lá thư trao đi, niềm chân tình nhận lại – những cánh thư nối nhịp yêu thương chính là sợi dây nối đảo xa và đất liền bền chặt tự nhiên nhất. Để tình yêu Trường Sa, tình yêu Tổ quốc, trách nhiệm bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng được gieo mầm và mãi xanh tươi bắt đầu từ những “mầm non” tương lai của đất nước…

Hà Vân

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/phong-su-ky-su/1065525/gui-yeu-thuong-ra-dao-xa