Gương mặt Ban giám khảo Liên hoan 'Tiếng hát Đại ngàn' - Nhạc sĩ Ngọc Tường: 'Hát không cảm xúc không thể khiến trái tim người nghe rung động'

'Ngoài đam mê, năng khiếu, chất giọng trời phú, thì biểu cảm của thí sinh khi thể hiện tác phẩm của mình vô cùng quan trọng. Bởi lẽ, biểu cảm là nghệ thuật, là tiếng nói của tâm hồn. Hát không cảm xúc không thể khiến trái tim người nghe rung động'. Đó chính là chia sẻ đầy tâm huyết của Nhạc sĩ Ngọc Tường, một thành viên Ban giám khảo Liên hoan 'Tiếng hát Đại ngàn'.

Nhạc sĩ Ngọc Tường. Ảnh: Phương Linh

Nhạc sĩ Ngọc Tường. Ảnh: Phương Linh

Cơn mưa bất chợt phủ trắng cả phố núi Pleiku (tỉnh Gia Lai) càng khiến cho cảnh vật trở nên thơ mộng với những nẻo đường mờ xa. Thật bất ngờ, chính cơ duyên ấy đã giúp tôi gặp được Nhạc Sĩ Nguyễn Tường trong một không gian đầy lãng mạn của quán cà phê nhỏ trên cao nguyên đất đỏ này.

Trước những câu hỏi của tôi về một số tiêu chí cần thiết đối với thí sinh tham dự Liên hoan “Tiếng hát Đại Ngàn”, Nhạc sĩ Ngọc Tường nhâm nhi ly cà phê, trầm lặng một hồi rồi bày tỏ quan điểm của mình một cách đầy tâm huyết: “Tôi chỉ xin gợi ý với thí sinh và những người yêu ca hát vài yếu tố nghệ thuật cần thiết của người có ít kinh nghiệm về lĩnh vực này, chứ không trao đổi với vai trò thành viên Ban giám khảo”:

Nhạc sĩ Ngọc Tường (người đội mũ trắng) là một thành viên Ban giám khảo Liên hoan” Tiếng hát Đại ngàn” do Báo PLVN tổ chức

Trước hết, thí sinh phải có niềm đam mê ca hát, đó như là sự lao động chăm chỉ, miệt mài, không đam mê sẽ không có được sự sáng tạo. Yếu tố thứ hai cũng quan trọng không kém, thí sinh phải có chất giọng trời phú, năng khiếu tự nhiên hoặc có được thông qua đào tạo, rèn luyện. Hát phải đúng giai điệu, tiết tấu nhịp nhàng. Vì chất giọng là phương tiện biểu cảm bài hát! Phải có chất giọng riêng mới làm chủ được lực độ, tốc độ, cao độ, cường độ… Đặc biệt, khi hát phải tròn vành, rõ chữ (rõ tiếng, rõ lời), có nghĩa là phát âm chuẩn. Nếu các bài hát phát triển dân ca vùng nào phải phát âm theo ngữ điệu của địa phương đó.

Song song với ba yếu tố trên, biểu cảm là là nghệ thuật, là tiếng nói của tâm hồn. Đây là vấn đề giáo trình âm nhạc ít nhắc đến. Khi thí sinh biểu cảm thì mới truyền lửa cho Ban giám khảo và người nghe. Nếu thí sinh không có xúc cảm thì người nghe không thể rung động được trái tim. Mặc dù, kỹ thuật, âm thanh chuẩn nhưng thí sinh run sợ trước đám đông, người cứng, mắt đơ, biểu đạt kém thì không tạo được cảm xúc cho khán giả. Vì vậy, thí sinh phải làm chủ được các kỹ thuật kể trên mới có thể truyền cảm với người nghe.

Ông còn nói thêm về phong cách biểu diễn: Với cuộc thi tầm cỡ quốc gia như Liên hoan “Tiếng hát Đại Ngàn”, trên sân khấu thí sinh phải học cách đi, đứng theo từng câu hát cho phù hợp. Khuôn mặt thí sinh phải giao lưu với khán giả và có xúc cảm. Tâm hồn và động tác đi, đứng phải phù hợp với cao trào lúc dồn dập như núi lửa phun trào, khi khoan thai như tiếng suối chảy róc rách.

Hình thức, phục trang phải phù hợp với bài hát, thí sinh phải trân trọng khán giả. Khi hát bài dân ca hoặc phát triển dân ca của dân tộc nào thì mặc trang phục của dân tộc đó. Trang phục không được nhăn nheo. Thí sinh lưu ý mang đạo cụ sân khấu cũng phải phù hợp với bài hát. Lúc luyện tập thí sinh phải đứng trước gương để biết những sai sót, chỉnh sửa cho đúng.

Phần nhạc đệm cho bài hát (phối khí) cũng rất quan trọng. Phối khí tốt có khả năng chắp cánh cho giọng hát bay lên, càng hát thí sinh càng hưng phấn. Người phối khí mở đầu lạc quan và kết thúc có hậu, tạo ấn tượng. Thí sinh chọn bản phối khí hay, hợp với chất giọng của mình thì bài thi đạt hiệu quả. Ngược lại, thí sinh chọn bản phối khí không phù hợp sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến giọng hát. Nhạc đệm phù hợp thì giọng hát thí sinh sáng hơn, đẹp hơn. Phối khí thấp một tông, thí sinh sẽ bị vỡ tiếng.

Tốc độ, phối khí nhanh hay chậm phụ thuộc vào phối khí. Nhạc đệm quá nhanh hoặc quá chậm thí sinh hát không theo kịp hoặc hát trước. Thí sinh giọng cao, trung, trầm nhưng nhạc đệm hợp thì giọng hát sẽ rất đẹp. Nếu thí sinh lọt vào vòng chung kết phải gửi đĩa nhạc đệm trước cho người phụ trách sân khấu hoặc phải tập luyện với dàn nhạc chung do Ban tổ chức bố trí để cho hợp tông của bài hát.

Ngược lại, bản phối khí ít phù hợp sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến giọng hát. Mỗi giọng hát có khoảng âm cao, thấp khác nhau, nhạc đệm cần rất phù hợp (giọng, cung, cung thể). Ví dụ: Giọng Son thứ, La thứ, Đô trưởng, Rê trưởng…. Các yếu tố kỹ thuật trên sân khấu như: Âm thanh, ánh sáng, khói, Led (nếu có) là những yếu tố quan trọng. Đặc biệt là âm thanh đối với từng giọng hát cần được thí sinh, người sử dụng hết sức quan tâm.

Người phụ trách sân khấu cũng không kém phần quan trọng. Người phụ trách sân khấu phải điều chỉnh ánh sáng, âm thanh phù hợp thì tôn thêm giọng hát của thí sinh. Ngược lại, người phụ trách sân khấu điều khiển ánh sáng, âm thanh không phù hợp sẽ làm giảm chất lượng của giọng hát.

Theo Nhạc sĩ Ngọc Tường, điều cuối cùng thí sinh phải chọn bài hát đúng dòng nhạc do Ban Tổ chức quy định. Thí sinh có giọng hát đa năng hay giọng hát chuyên sâu, mỗi thí sinh có một thang âm cần phải biết sở trường của mình để chọn bài hát cho phù hợp.

Hiện nay , có 3 dòng nhạc: Dân gian, thính phòng, âm hưởng âm nhạc dân gian. Sinh viên các trường đào tạo âm nhạc đều phải học 3 dòng nhạc này nhưng khi ra biểu diễn thì chọn dòng nhạc phù hợp với sở trường của mình. Vậy nên, hãy chọn bài hát “có đất” để phô diễn hết kỹ năng, tài năng của mình. Từ các bài dân ca đậm đà bản sắc dân tộc đến dân ca phát triển và âm hưởng âm nhạc dân gian, thí sinh phải chọn đúng bài hát hợp với sở trường của mình.

"Các kỹ năng tôi đề cập trên rất cần cho thí sinh tham gia Liên hoan “Tiếng hát Đại ngàn”. Nếu thí sinh không xác định đúng kỹ năng thì như lạc vào rừng sâu, không tìm được đường ra. Còn thí sinh xác định đúng kỹ năng như chọn được con đường thẳng để đi tới đích và Đài vinh quang" - Nhạc sĩ Ngọc Tường cẩn trọng lưu ý.

Trước khi chia tay tôi, Nhạc sĩ Ngọc Tường không quên nhắn nhủ: “Nghệ thuật không có bờ cõi. Xin chúc các bạn thí sinh yêu quý của chúng ta thành công sẽ luôn mang trong mình tình yêu âm nhạc!”.

Nhạc sĩ Ngọc Tường nguyên là Hiệu trưởng Trường Trung cấp Văn hóa Nghệ thuật Gia Lai; Nguyên Giám đốc Nhà hát Ca múa nhạc tổng hợp Đam San Gia Lai và có nhiều sáng tác các ca khúc mang đậm chất âm hưởng dân ca Tây Nguyên. Ông còn là thành viên Ban giám khảo nhiều cuộc thi âm nhạc.

Một số ca khúc do Nhạc sĩ Ngọc Tường sáng tác:

*Tình ca Măng Đen

*Pleiku thân yêu

*Pleiku chưa xa đã nhớ

*Xin gọi tên Ia Ly

*Tiếng hát đêm nhà rông

*Tiếng đàn Đinh Goong

*Mong anh về

*Tiếng hát trên buôn

PV

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/guong-mat-ban-giam-khao-lien-hoan-tieng-hat-dai-ngan-nhac-si-ngoc-tuong-hat-khong-cam-xuc-khong-the-khien-trai-tim-nguoi-nghe-rung-dong-post398989.html