Gương mặt mệt mỏi của Ronaldo và những trận đấu không tưởng tại Euro

Trong mùa đại dịch toàn cầu, khi con số lây nhiễm tăng từng ngày ở khắp nơi, việc có được một giải đấu như Euro 2020 đã là niềm vui lớn.

Khán giả được phép vào sân, tối thiểu là 25% theo yêu cầu của UEFA, và tối đa thì tùy thuộc vào quy định của chính quyền sở tại. Nhờ đó, bên cạnh niềm vui sân cỏ, chúng ta còn được chứng kiến sự náo nhiệt trên khán đài.

Để rồi từ đó, không khí bóng đá lan rộng trên toàn thế giới. Người hâm mộ lại có những đêm bóng đá, ngày bóng đá, ấn tượng bóng đá và câu chuyện bóng đá.

 Sự có mặt của khán giả khiến không khí Euro 2020 sôi động hơn. Ảnh: Reuters.

Sự có mặt của khán giả khiến không khí Euro 2020 sôi động hơn. Ảnh: Reuters.

Kỳ Euro đáng xem

Trong những ngày đầu, có tới 56% người được hỏi ý kiến cho rằng chất lượng Euro năm nay không bằng các giải trước (thăm dò của tờ Kicker, Đức). Nhưng rồi nhanh chóng có sự đảo chiều, các trận đấu ngày càng hấp dẫn, chất lượng giải ngày càng cao.

Ngay từ lượt trận thứ 2 trở đi, rồi lượt trận thứ ba, vòng 1/8, không cần chọn trận mà xem nữa, vì trận nào cũng hay, bỏ trận nào là mất trận ấy. Như ngày Tây Ban Nha gặp Croatia ở vòng 1/8, 120 phút kết thúc với 8 bàn thắng.

Tiếp đó là Pháp chạm trán Thụy Sĩ, sau 120 phút còn có cả luân phiên phạt đền đá đủ 5 quả. Cả Croatia và Thụy sĩ đều làm nên điều không thê hình dung nổi, từ bị dẫn 1-3 vùng lên gỡ lại 3 -3 chỉ trong vòng 10 phút cuối trận.

“Đêm” bóng đá này bắt đầu từ 22h hôm trước và kết thúc lúc 5h sáng hôm sau. Thế mà tắt màn hình vẫn không thể nào ngủ được, vì cảm xúc mạnh mẽ quá, ấn tượng sâu sắc qua.

Cứ nằm và cứ nghĩ, cứ nhớ lại và tưởng tượng… Bóng đá ơi là bóng đá.

Tôi là người rất coi trọng dữ liệu, con số, bảng thống kê. Nhưng Euro năm nay thì những điều vốn quý giá ấy có những lúc trở nên thừa thãi. Vì có nhiều lúc, bóng đá đánh thẳng vào trực giác và nỗi lòng khán giả, khiến ai cũng có thể hiểu được và cảm được.

Giải thích trở nên không cần thiết, thậm chí là thừa thãi, vì nó đôi khi cản trở con đường ngắn nhất từ sân cỏ tới trái tim khán giả. Trên màn ảnh TV không còn chỉ là những đường bóng, mà thích nhất là được thấy rõ những gương mặt người.

Những gương mặt Luka Modric, Cristiano Ronaldo… bỗng trở nên mệt mỏi, gầy gò, khắc khổ khi họ kiệt sức sau trận đấu mà vẫn lăn lộn với từng đường bóng. Rồi câu chuyện về Christian Eriksen, từ lúc cấp cứu trên sân đến lúc vào bệnh viện, dường như trở thành động lực để Đan Mạch bay cao.

Hay câu chuyện về Goran Pandev, ngôi sao của Bắc Macedonia được làm lễ tiễn biệt ngay giữa trận đấu, có cả đội bóng làm hàng rào danh dự bày tỏ lòng biết ơn, và đối thủ có cả quà tặng. Bóng đá Euro năm nay có sức hấp dẫn trên nhiều mong đợi.

Mbappe của tuyển Pháp trải qua giải đấu thất vọng. Ảnh: Reuters.

Pháp, Đức thất thế

Euro 2020 cũng thể hiện rõ ràng sự vận động của bóng đá châu Âu trong suốt hơn một thập kỷ vừa qua. Từ thời Tây Ban Nha bá chủ, đến Đức lên ngôi, rồi Pháp thế chỗ…, mỗi đội bóng đều đã thăng hoa, nhưng rồi đồ thị hình sin của sự phát triển vẫn tỏ ra đầy uy lực, có thịnh và có suy nối tiếp nhau.

Tây Ban Nha bây giờ cũng vất vả rồi. Đức cũng sa sút từ năm 2018.

Người ta hy vọng vào Pháp, được đánh giá cao nhất trong cương vị ứng cử viên vô địch, nhưng đã thua Thụy Sĩ vừa bất ngờ lại xứng đáng. Dòng chảy bóng đá châu Âu vẫn cứ miên man, miệt mài, đang chờ đón những con sóng mới.

Năm nay sẽ là ai đây: Italy, Bỉ, Anh, hay Tây Ban Nha sau 10 năm thất thế muốn quay trở lại. Chính sự đổi ngôi liên tục ấy tạo nên sức hấp dẫn không bao giờ hết của bóng đá.

Trong sự thay đổi ấy có sự biến chuyển không ngừng của các thế hệ cầu thủ. Thế hệ Ronaldo, Modric… đã đi qua bên kia sườn dốc.

Khả năng trụ lại đỉnh cao của họ thật phi thường, nhưng thực sự khó ai có thể cưỡng lại sự khắc chế của tạo hóa. Thế hệ sau đó một chút, như Thiago Alcantara, Toni Kroos… cũng bắt đầu mỏi mệt, vị trí của họ hoặc không còn, hoặc bị đặt trong nghi vấn.

Thế hệ trẻ giàu tiềm năng, nhưng tài năng dường như còn đang đợi tuổi. Mbappe là một ví dụ.

Anh sáng chói ở World Cup 2018, được hy vọng thay thế Messi- Ronaldo trong tương lai. Nhưng Euro năm nay trở thành một thảm họa.

Có những cầu thủ được nhắc tới, nhưng đấy mới là sự bùng lên trong khoảnh khắc của phong độ chứ chưa phải ánh hào quang vững bền của đẳng cấp. Sự trưởng thành, sức tỏa sáng của những ngôi sao bao giờ cũng tạo nên điểm nhấn của giải.

Bóng đá tiếp tục phát triển về chiến thuật. Euro 2020 bàn nhiều về tuyến phòng ngự. Nên đá với hàng hậu vệ 3 hay 4 người?

Người ta thống kê trong số 16 đội vào vòng 1/8, thì có tới 11 đội đá với mắt xích 3 hậu vệ. Dường như đây là một xu hướng?

Nhưng có đội thì lúc đá 3, khi lại đá 4 hậu vệ. Tùy từng trận, và thậm chí từng giai đoạn, tình huống trong cùng một trận.

Một cái gì cố định theo kiểu cứng nhắc thật khó đứng vững, vấn đề là đủ sức ứng phó trước mọi biến đổi. Chúng ta đang sống trong một thế giới đổi thay, thích nghi trở thành một phẩm giá đảm bảo chiến thắng.

Và đấy là lý do để chúng ta có Đan Mạch, Thụy Sĩ, CH Czech… Vì rất nhiều khía cạnh như vậy, Euro 2020 cho tới nay đã là một chiến thắng. Chiến thắng của bóng đá, và cùng với bóng đá, Euro góp phần chỉ ra con đường chúng ta có thể đi trong thời đại dịch.

Zing tại Euro - chiến thắng trước Đức làm cả nước Anh hạnh phúc Sau đại chiến ở vòng 16 đội Euro 2020, người hâm mộ tuyển Anh phấn khích với chiến thắng đầu tiên sau 55 năm trước Đức tại vòng chung kết các giải đấu lớn.

Nhà báo Vũ Công Lập

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/guong-mat-met-moi-cua-ronaldo-va-nhung-tran-dau-khong-tuong-tai-euro-post1233755.html