Gương sáng bản làng

Đến những bản làng vùng cao của Quảng Ninh giờ đây có thể thấy sự 'thay da, đổi thịt' thật sự, từ sự đổi mới, nâng cấp về hạ tầng điện, đường, trường, trạm y tế... cho đến những mô hình kinh tế đạt hiệu quả cao, cuộc sống của người dân ngày càng khấm khá. Góp phần quan trọng vào sự đổi thay này là những người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS). Bởi họ luôn là những người 'đi trước, làm trước', trở thành tấm gương điển hình trong các phong trào thi đua, tạo sức lan tỏa lớn đến bà con vùng đồng bào DTTS.

Anh Lý Đức Bảo, người có uy tín trong đồng bào dân tộc Dao ở thôn Hợp Thành, xã Phong Dụ, huyện Tiên Yên hướng dẫn bà con cách chăm sóc, nuôi thương phẩm giống gà Tiên Yên.

“Triệu phú bản làng”

Không còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự giúp đỡ của Nhà nước, nhiều đồng bào DTTS nay đã dám nghĩ, dám làm, dám đổi mới, nỗ lực vươn lên để không chỉ thoát nghèo mà đã trở thành triệu phú, tỷ phú. Anh Lý Đức Bảo (SN 1984), người có uy tín trong đồng bào dân tộc Dao ở thôn Hợp Thành, xã Phong Dụ, huyện Tiên Yên, là ví dụ điển hình.

Năm 2015, anh Bảo nghiên cứu, tìm tòi và bắt tay vào xây dựng mô hình nuôi gà Tiên Yên thương phẩm. Vụ nuôi đầu tiên thất bại do chưa có kinh nghiệm, song không vì vậy mà nản chí, anh quyết tâm làm lại từ đầu. Vừa làm, vừa học hỏi kinh nghiệm, sau nhiều năm đầu tư phát triển, anh Bảo đã nâng tổng số đàn gà lên 1.500 con, trung bình 1 năm cho sản lượng trên 9 tấn, lợi nhuận đạt khoảng 400 triệu đồng. Bên cạnh việc nuôi gà, anh Bảo còn tận dụng tối đa diện tích rừng được giao khoán, chăm sóc, nhằm tăng thêm thu nhập, cải thiện cuộc sống.

Nhờ sự hướng dẫn của anh Lý Đức Bảo, nhiều hộ dân trong thôn đã mạnh dạn, đầu tư nuôi gà thương phẩm mang lại hiệu quả kinh tế cao. (Trong ảnh: Mô hình nuôi gà của gia đình anh Lý Văn Dũng, thôn Hợp Thành, xã Phong Dụ, huyện Tiên Yên)

Từ kinh nghiệm của bản thân, anh Bảo đã tuyên truyền, vận động, giúp đỡ người dân trong thôn cùng tham gia phát triển nuôi gà. Đến nay, trong thôn đã có 14 hộ dân tham gia mô hình nuôi gà thương phẩm với trên 20.000 con, mang lại doanh thu khoảng 200 triệu đồng/hộ/năm. Sự tận tình, trách nhiệm, hướng dẫn của anh đã tạo sự tin tưởng, thay đổi nhận thức của bà con đồng bào dân tộc trong phát triển kinh tế, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đem lại giá trị kinh tế cao. Từ đó, góp phần cải thiện đời sống nhân dân, nhiều hộ vươn lên thoát nghèo. Đến nay, tỷ lệ hộ nghèo trong thôn đã giảm từ 17 hộ nghèo, 6 hộ cận nghèo (năm 2017) xuống còn 3 hộ nghèo và cận nghèo (năm 2020).

Được biết, không chỉ hỗ trợ bà con phát triển kinh tế vươn lên thoát nghèo, trong năm qua, anh Bảo còn tích cực tuyên truyền, vận động nhiều hộ dân hiến gần 3.000 m2 đất vườn và ruộng, cùng các loại cây, hoa màu, để làm tuyến đường liên thôn dài hơn 2km, giúp cho việc đi lại dễ dàng, thuận tiện.

Anh Lý Văn Dũng (thôn Hợp Thành, xã Phong Dụ, huyện Tiên Yên), chia sẻ: Nhờ sự hỗ trợ, hướng dẫn nhiệt tình của anh Bảo, tôi và nhiều hộ dân trong thôn đã tin tưởng và mạnh dạn vay vốn để phát triển mô hình nuôi gà. Trung bình một năm, gia đình tôi nuôi gần 1.000 con gà, thu nhập khoảng 200 triệu đồng, cao hơn lúc trước phải đi làm thuê rất nhiều. Anh Bảo cũng thường xuyên đến nhà mọi người để tuyên truyền thêm về các phong trào toàn dân đoàn kết, thi đua xây dựng NTM... bà con rất đồng tình tham gia góp sức với địa phương.

Ông Síu Phổ Sáng (bản Mào Liểng, xã Quảng Lâm, huyện Đầm Hà) chuyển đổi diện tích trồng lúa kém hiệu quả của gia đình để phát triển mô hình trồng cam và bưởi.

Khác với anh Lý Đức Bảo, ông Síu Phổ Sáng (SN 1956), bản Mào Liểng, xã Quảng Lâm, huyện Đầm Hà, đã chuyển đổi diện tích trồng lúa kém hiệu quả của gia đình từ nhiều năm để phát triển mô hình trồng cam, bưởi. Nhờ sự tuyên truyền, hướng dẫn của cán bộ địa phương, gia đình ông đã mạnh dạn bỏ vốn đầu tư hàng trăm triệu đồng trồng gần 3ha bưởi và cam. Ông còn chịu khó tìm tòi, nghiên cứu kỹ thuật trồng, chăm sóc hiệu quả, nên chỉ sau 2 năm, diện tích trồng cam, bưởi của gia đình ông đã cho thu hoạch. Vụ cam, bưởi năm nay, gia đình ông có thu nhập hơn 100 triệu đồng.

Ông Sáng bộc bạch: Được mọi người trong thôn tin tưởng, tôi thấy mình phải có trách nhiệm tuyên truyền và vận động bà con cùng tham gia phát triển kinh tế. Muốn vận động, thuyết phục được mọi người, tôi xác định phải “miệng nói, tay làm”, bởi bà con trong thôn chỉ tin và làm theo khi thấy những việc làm thiết thực, có hiệu quả. Sau khi thành công với mô hình phát triển kinh tế của gia đình, tôi đã vận động được hơn 10 hộ khác trong thôn cùng tham gia trồng cam, bưởi, mang lại hiệu quả cao.

Con đường liên thôn dài hơn 2km ở thôn Hợp Thành, xã Phong Dụ, huyện Tiên Yên, được hoàn thành nhờ sự góp sức của bà con nhân dân trong thôn.

Những năm qua, nhiều người có uy tín trong đồng bào DTTS đã trở thành những gương sáng trong phát triển kinh tế, tích cực áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, sử dụng cây, con giống mới cho năng suất, chất lượng cao... tăng giá trị thu nhập trên cùng diện tích sản xuất. Ở huyện miền núi Ba Chẽ, bà Chíu Thị Hai, người có uy tín thôn Nà Làng, xã Đồn Đạc, đã mạnh dạn đi đầu trong xây dựng mô hình phát triển kinh tế, đặc biệt là mô hình trồng thanh long ruột đỏ, ba kích tím, tre mai... đem lại hiệu quả kinh tế cao; ông Mạ Dì Nồng, người có uy tín ở thôn Bản Chuồng, xã Lục Hồn, huyện Bình Liêu đã triển khai hiệu quả các mô hình chăn nuôi phát triển kinh tế gia đình...

Các đồng chí lãnh đạo tỉnh trò chuyện với đại biểu tại Đại hội đại biểu các DTTS tỉnh Quảng Ninh lần thứ III (tháng 10/2019). Ảnh: Nguyên Ngọc

Góp sức xây dựng quê hương

Không chỉ tích cực tham gia phát triển kinh tế, nhiều người DTTS đã đóng góp quan trọng cho sự phát triển bền vững của tỉnh, địa phương trên các lĩnh vực đời sống, kinh tế, văn hóa, xã hội. Họ luôn là lực lượng nòng cốt, là cầu nối quan trọng giữa cấp ủy, chính quyền với đồng bào các dân tộc.
Bằng uy tín, sự từng trải và nắm chắc thực tiễn địa phương, phong tục tập quán của đồng bào DTTS, người có uy tín đã chủ động trong công tác tuyên truyền, giáo dục từ con cháu trong gia đình, dòng họ, đến người dân ở thôn, bản, khu phố, thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Đặc biệt là tham gia tuyên truyền, vận động đạt hiệu quả cao trong đảm bảo an ninh trật tự; bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới quốc gia, xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác phát triển.

Đó là những tấm gương như anh Dường Cắm Hếnh, người có uy tín ở thôn Khe Tiền, xã Đồng Văn, huyện Bình Liêu. Với trách nhiệm là Bí thư chi bộ, Trưởng bản, anh Hếnh luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, nhiệt tình trong công việc, không ngại khó, ngại khổ, phối hợp với các cấp, ngành triển khai nhiệm vụ giữ gìn an ninh trật tự, đấu tranh phòng chống tội phạm… Những việc làm của anh đã góp phần quan trọng vào việc giữ gìn an toàn xã hội, an ninh trật tự vùng biên giới Đồng Văn, huyện Bình Liêu. Hay như ông Hoàng Mít, người có uy tín ở khu 1, thị trấn Ba Chẽ, huyện Ba Chẽ, cũng làm tốt công tác tuyên truyền pháp luật, hòa giải, giải quyết mâu thuẫn ở cơ sở.

Tại các cuộc họp thôn, anh Lỷ Văn Nhì, Bí thư chi bộ, Trưởng thôn Nà Thổng, xã Quảng An, huyện Đầm Hà đã đề xuất nhiều giải pháp hiệu quả để xây dựng và phát triển thôn.

Bản thân người có uy tín và gia đình của họ luôn gương mẫu thực hiện, tích cực vận động nhân dân giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, vận động nhân dân không tham gia các tà, tạp đạo, thực hiện nếp sống văn hóa, văn minh, xây dựng khu dân cư văn hóa, khu dân cư tiên tiến, bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống quý báu của các dân tộc. Ông Phùn Hợp Sềnh, người có uy tín trong đồng bào Dao ở bản Nà Lý, xã Quảng Đức, huyện Hải Hà, chia sẻ: Văn hóa là hồn cốt của dân tộc, giữ được văn hóa chính là giữ lại niềm tin, bản sắc riêng cho đồng bào mình. Được sự tín nhiệm của bà con, tôi sẽ tiếp tục cùng với chính quyền địa phương khôi phục, bảo vệ và nhân rộng những giá trị văn hóa tinh thần này trong cộng đồng người DTTS.

Được biết, chỉ tính riêng trong 2 năm qua, người có uy tín trong đồng bào DTTS đã tham gia hơn 250 ý kiến đóng góp, kiến nghị với cấp ủy, chính quyền địa phương khắc phục những tồn tại, thiếu sót trong quá trình thực hiện chính sách trong vùng DTTS và miền núi, nhất là chính sách bồi thường giải phóng mặt bằng, thu hồi đất; chính sách giao đất, giao rừng, hỗ trợ cây trồng, vật nuôi... Qua đó, góp phần hạn chế bức xúc, tiêu cực, tiếp tục củng cố lòng tin của nhân dân với cấp ủy, chính quyền. Đặc biệt, nhiều người có uy tín là cán bộ hưu trí, già làng, trưởng bản, tuy tuổi cao, nhưng vẫn nhiệt tình tham gia công tác ở cơ sở, đảm nhiệm các chức vụ như Bí thư chi bộ, Trưởng thôn, bản, khu phố, Trưởng ban công tác mặt trận và các đoàn thể...

Nhiều cá nhân có uy tín tiêu biểu trong đồng bào DTTS năm 2020 được trao tặng bằng khen của UBND tỉnh.

Những đóng góp của người có uy tín trong đồng bào DTTS đã góp phần tích cực vào việc thực hiện và hoàn thành tốt các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh, xây dựng hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở. Với truyền thống đoàn kết, yêu nước, cần cù, sáng tạo, cùng bản lĩnh và những kinh nghiệm vốn có của người có uy tín, tin tưởng rằng, trong thời gian tới, đội ngũ những người có uy tín trên địa bàn tỉnh tiếp tục phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu, thực hiện và vận động nhân dân các dân tộc trong tỉnh tích cực hưởng ứng các phong trào thi đua yêu nước, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV đã đề ra, xây dựng tỉnh Quảng Ninh ngày càng giàu đẹp, văn minh.

Trúc Linh

Nguồn Quảng Ninh: http://baoquangninh.com.vn/chinh-tri/202012/guong-sang-ban-lang-2514920/