Hà Đông: Bệnh nhân mắc sốt xuất huyết giảm, nhưng chưa bền vững?

Trong mấy tuần gần đây, trên địa bàn Hà Đông số người mắc bệnh sốt xuất huyết (SXH) đã giảm so với trước nhưng lại bùng phát tại một số phường. Nguyên nhân là do nhiều gia đình chưa quan tâm đến việc diệt bọ gậy, muỗi trưởng thành.

Một số địa phương bùng phát bệnh nhân mắc SXH
Theo bà Lê Thị Thanh Bình – Trưởng phòng Y tế quận Hà Đông, trong tuần 38 (từ 20 đến 26/9), quận Hà Đông có 145 trường hợp mắc mới, giảm 82 trường hợp so với tuần 37. Tính lũy kế từ đầu năm, toàn quận có 2.169 ca mắc SXH với 355 ổ dịch, trong đó có 333 ổ đã được khống chế. Hiện tại còn 22 ổ đang hoạt động, với 154 bệnh nhân đang điều trị tại các bệnh viện.

 Phun hóa chất diệt muỗi tại hộ gia đình, hàng quán ở phường Văn Quán.

Phun hóa chất diệt muỗi tại hộ gia đình, hàng quán ở phường Văn Quán.

Điều đáng ghi nhận 6 tuần gần đây quận Hà Đông đã liên tục có số lượng bệnh nhân mắc SXH giảm so với tuần trước đó. Những phường lúc đầu bùng phát bệnh nhân SXH mạnh như Phú Lương hiện nay đã giảm mạnh.
Tuy nhiên, số bệnh nhân lại đang gia tăng ở một số phường như: La Khê, Kiến Hưng, Phúc La, Phú La, Mộ Lao, Văn Quán. Nhiều nhất là La Khê phát sinh 23 bệnh nhân/tuần; Kiến Hưng phát sinh 18 bệnh nhân/tuần.
Để đảm bảo hạn chế số bệnh nhân gia tăng, quận đều chỉ đạo các phường tiếp tục triển khai đồng bộ nhiều biện pháp phòng chống muỗi, bọ gậy quyết liệt. Ngành Y tế huy động tổng lực làm tổng vệ sinh môi trường và phun hóa chất diện rộng theo kiểu cuốn chiếu. Toàn bộ các ổ dịch mới phát hiện đều được khoanh vùng và xử lý dứt điểm trong vòng 24 giờ. Những phường phát sinh nhiều bệnh nhân không thực hiện tổng vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy mỗi tuần một lần mà tăng lên 2 lần trong tuần.
Đội xung kích diệt bọ gậy đã kiểm tra được 38.672 hộ gia đình, trong đó số hộ gia đình phát hiện có bọ gậy chiếm 3,1%. Trong tuần đã hoàn thành phun hóa chất diện rộng ở 2 phường La Khê, Kiến Hưng (mỗi phường làm 3 ngày), phun được 19.262 hộ, đạt tỷ lệ 93,8%. Toàn bộ các khu vực công cộng đều được phun hóa chất 2 lần, với 290 đơn vị cơ quan, 28 chợ, 126 trường học, 11 bệnh viện, 9 khu đô thị, 125 khu tâm linh gồm đình-đền-chùa-miếu. Một số trường ở những nơi có đông bệnh nhân SXH đã được phun hóa chất xử lý muỗi, bọ gậy lần 3.

Các cơ quan Y tế, chính quyền địa phương liên tục đến các gia đình tuyên truyền về cách diệt muỗi, bọ gậy.

Riêng đối với các khối trường học, quận đã tổ chức lớp tập huấn cho 350 hiệu trưởng, chủ cơ sở giáo dục, y tế hoạch đường về cách làm vệ sinh, diệt bọ gậy, hạn chế muỗi sinh sản trong nhà trường. Đồng thời có các hình thức biểu dương đối với đơn làm tốt và khiển trách phê bình các đơn vị, địa phương chưa làm tốt việc tuyên truyền, diệt bọ gậy.
Ngoài ra, quận còn huy động 600 sinh viên các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn hỗ trợ cho 17 phường tham gia công tác tổng vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy vào các ngày thứ bảy và chủ nhật hàng tuần.
Người dân thiếu chủ động trong phòng chống bệnh
Nhờ thực hiện đồng bộ biện pháp và quyết liệt trong công tác chỉ đạo phòng chống dịch sốt xuất huyết nên số lượng bệnh nhân mắc mới trên địa bàn Hà Đông đã giảm nhanh trong các tuần gần đây. Tuy nhiên, một số phường lại gia tăng số ca mắc bệnh mới.
Theo bà Lê Thị Thanh Bình, hiện nay các phường vẫn duy trì các đội xung kích đi tuyên truyền và diệt bọ gậy cho các hộ gia đìn. Các phường phân chia cứ 2 người ở trong đội xung kích phụ trách 30 gia đình, thường xuyên đi vận động, tuyên truyền và kiểm tra từng gia đình xem có nơi nào đựng nước có bọ gậy thì hướng dẫn làm vệ sinh, diệt bọ gậy. Để giám sát công tác dọn vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy, phòng chống muỗi trưởng thành, quận Hà Đông còn thành lập các tổ giám sát đi kiểm tra bất kỳ ngẫu nhiêu các gia đình, cơ quan, trường học xem hoạt động của đội xung kích có hiệu quả không, nơi nào còn buông lỏng sẽ có báo cáo về quận để có biện pháp xử lý, chỉ đạo kịp thời.

Lãnh đạo phường Phú Lương kiểm tra dụng cụ chứa nước ở các gia đình.

Hiện nay, Hà Đông đã dồn toàn lực huy động trên 5.000 người tham gia thường xuyên vào công tác dọn vệ sinh, diệt bọ gậy, phòng chống muỗi trưởng thành, hạn chế bệnh nhân mắc bệnh SXH.
Tuy số bệnh nhân trên địa bàn quận đã giảm trong 6 tuần liên tục, song điều đáng nói là ý thức của mỗi người dân trong việc chủ động phòng bệnh còn kém.
Theo bà Bình, kể từ tháng 7 đến nay, Hà Đông đã tích cực tuyên truyền đi đến mọi ngõ xóm, hộ gia đình để phổ biến về cách làm vệ sinh, diệt bọ gậy, hạn chế muỗi sinh trưởng, chính là hạn chế bệnh SXH. Mỗi một người, một lần đi tuyên truyền như vậy quận phải chi thù lao 100.000 đồng thao quy định của TP. Cứ trên 5.000 người làm mỗi tuần 1 lần thì quận đã phải chi mất trên 500 triệu đồng/tuần. Thế nhưng đến bây giờ nhiều hộ gia đình vẫn không mấy quan tâm đến việc dọn vệ sinh trong nhà ngoài ngõ mà trông chờ vào cơ quan chức năng đến dọn. Đây là việc thụ động, thiếu ý thức phòng chống bệnh cho gia đình mình.
Ở phường Phú Lương, trong lúc bệnh SXH bùng phát, có 1 gia đình cơ quan chức năng và chính quyền địa phương liên tục vào nhà tuyên truyền, chỉ dẫn dọn vệ sinh nhưng đến 3 lần đều không làm, gia đình này đã bị xử phạt 500.000 đồng.

Nhiều gia đình vẫn còn thụ động trông chờ cơ quan chức năng đến nhà kiểm tra, dọn vệ sinh, đổ nước ở các dụng cụ thư thế này thì còn gia tăng bệnh nhân SXH trong cộng đồng.

Theo Theo ông Phạm Văn Thọ, Giám đốc Trung tâm Y tế quận Hà Đông, ngoài những biện pháp kể trên, quận đã tổ chức hội nghị truyền thông về cách phòng chống bệnh sốt xuất huyết trong các trường học cho 350 lãnh đạo là hiệu trưởng, chủ cơ sở giáo dục thuộc các khối trường: THPT, THCS, tiểu học. Tuy nhiên, để giảm nhanh số người mắc bệnh SXH thì không có cách nào khác là người dân phải chủ động diệt muỗi, lăng quăng, bọ gậy. Chỉ có một cách duy nhất là mỗi người, mỗi gia đình, cơ quan đổ hết nước ở những dụng cụ không sử dụng đến, thả cá vào bể nước thì không còn nơi cho muỗi sinh sản và phát triển.
Theo các cơ quan chức năng, nếu chỉ để dụng cụ chứa nước 3 ngày không thay, không sử dụng đến là muỗi có thể sinh sản và phát triển thành bọ gậy rồi. Một tuần sau ấu trùng phát triển thành muỗi trưởng thành. Điều đặc biệt, muỗi trưởng thành mang mầm bệnh SXH sinh sản ra một lúc rất nhiều trứng. Chính những trứng muỗi này đã mang mầm bệnh SXH từ con mẹ và khi nở ra chúng trích vào người là truyền bệnh. Muỗi mang mầm bệnh SXH sinh sản liên tục theo cấp số nhân. Như vậy, việc phun thuốc diệt muỗi chỉ được thời hạn nhất định. Do đó, ý thức của người dân quyết định việc diệt muỗi và phòng chống bệnh cho chính bản thân, mọi người trong gia đình mình. Đây là giải pháp an toàn, tiết kiệm chi phí và bền vững nhất.

Bài và ảnh Bích Hời

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/ha-dong-benh-nhan-mac-sot-xuat-huyet-giam-nhung-chua-ben-vung-299363.html