Hà Đông nâng cao chất lượng giáo dục góp phần sự phát triển chung của Thủ đô

Trải qua những chặng đường gian nan, vất vả nhưng với sự nỗ lực của toàn ngành và sự quan tâm của chính quyền các cấp trong nhiều năm qua, ngành Giáo dục quận Hà Đông (Hà Nội) đã đạt được nhiều thành tựu to lớn về chất lượng giáo dục.

Toàn ngành Giáo dục quận Hà Đông hiện có 2 Tiến sĩ, 161 nhà giáo và CBQL có trình độ từ Thạc sĩ. Ảnh: Đình Tuệ.

Toàn ngành Giáo dục quận Hà Đông hiện có 2 Tiến sĩ, 161 nhà giáo và CBQL có trình độ từ Thạc sĩ. Ảnh: Đình Tuệ.

Theo báo cáo "65 năm hình thành và phát triển" của ngành Giáo dục Hà Đông, vào năm 1904, Phủ Đơ nay là quận Hà Đông được thành lập và chưa có hệ thống trường học. Đến năm 1917, Hà Đông có 02 trường Tiểu học Nam và Tiểu học Nữ với khoảng 100 - 120 học sinh, chủ yếu là con em công chức, con em các nhà buôn ở Hà Đông tham gia học tập. Trong thời gian này, điều kiện để dạy và học cũng rất khó khăn.

Ở các giai đoạn tiếp theo khi đất nước phải trải qua 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, nhiệm vụ dạy và học vẫn được thầy trò duy trì bất chấp vô vàn khó khăn, gian khổ. Nền giáo dục Hà Đông đã được hình thành từ các lớp vỡ lòng học chung trong các lớp nhà trẻ của thôn hoặc trong nhà dân. Giáo viên là các thầy giáo, cô giáo có tấm lòng nhiệt huyết với sự đam mê truyền cái chữ cho con trẻ. Những người thầy đầu tiên ấy không có lương bổng, có chăng chỉ là mấy cân thóc và vài cân gạo do cha mẹ phụ huynh tự nguyện đóng góp.

Sau ngày giải phóng Thủ đô năm 1954, hòa với niềm vui chung của cả nước, người dân Hà Đông bước vào công cuộc lao động, học tập xây dựng quê hương, ổn định cuộc sống, các em học sinh náo nức đến trường những năm học đầu tiên sau ngày giải phóng, giáo dục Hà Đông phát triển và dần đi vào ổn định, nền nếp.

Năm 1972 khi Mỹ leo thang đánh phá Miền Bắc ác liệt, nhiều thầy cô giáo và học sinh trong nội thành Hà Nội sơ tán về Hà Đông. Mặc cho mưa bom bão đạn các thầy cô vẫn đến lớp, các em học sinh đội mũ rơm, đeo lá ngụy trang đến trường. Lớp học có thể chỉ là những cái lán nhỏ, nhưng những thanh âm của các bài giảng tiếng học bài của trẻ thơ vẫn vang lên giữa lòng dân.

Trong giai đoạn sau năm 2000, thị xã Hà Đông được mở rộng địa giới hành chính khi sáp nhập 6 xã thuộc huyện Thanh Oai và Hoài Đức. Năm 2008 là năm vô cùng quan trọng, đánh dấu một chặng đường mới đó là sự hợp nhất về địa giới hành chính TP Hà Nội và tỉnh Hà Tây theo Nghị quyết số 15/2008/QH12 của Quốc hội. Hà Đông trở thành một quận thuộc TP Hà Nội và là quận có diện tích lớn thứ hai của Thủ đô với 4.791,74 ha diện tích tự nhiên, 198.687 nhân khẩu và có 17 đơn vị hành chính trực thuộc.

Một tiết môn Khoa học của thầy trò trường Tiểu học An Hưng, Hà Đông. Ảnh: Đình Tuệ.

Năm 2011, việc triển khai thực hiện Đề án số 01-ĐA/QU của Quận ủy Hà Đông về "Nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo quận Hà Đông" đã thể hiện sự quan tâm của Quận ủy, HĐND, UBND đối với ngành Giáo dục quận trong nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo.

Qui mô trường lớp được đầu tư mở rộng và đa dạng hóa các loại hình đào tạo, cơ sở vật chất trường học được tăng cường theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, tạo điều kiện thuận lợi cho việc nâng cao chất lượng dạy và học. Đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên toàn ngành thường xuyên được bổ sung, kiện toàn để đảm bảo nguồn nhân lực cho các nhà trường thực hiện nhiệm vụ, đáp ứng nhu cầu học tập của cha mẹ học sinh và con em trên địa bàn.

Cụ thể, trong năm học 2000-2001 trên địa bàn quận chỉ có hệ thống công lập chưa có trường tư thục; Năm học này, tổng số có 33 trường (15 trường mầm non, 10 trường tiểu học, 8 trường THCS) với 554 lớp và 19.531 học sinh, tỷ lệ trường chuẩn Quốc gia đạt 9,1% (3/33 trường), đội ngũ cán bộ giáo viên có 2273 người (1717 biên chế và 556 hợp đồng cấp học mầm non).

Đến nay, năm học 2019-2020 có 128 trường (91 trường công lập trong đó có 01 trường hoạt động mô hình trường chất lượng cao, 37 trường tư thục) với 2.437 nhóm lớp và 96.005 học sinh, ngoài ra còn có trên 270 cơ sở giáo dục mầm non tư thục; Tỷ lệ trường công lập chuẩn quốc gia đạt 74,7% (68/91 trường); đội ngũ cán bộ, giáo viên có trên 5200 người trong đó 100% cán bộ quản lý giáo dục có trình độ chuyên môn từ đại học và có trình độ lý luận chính trị từ Trung cấp trở lên, 100% nhà giáo đạt chuẩn về trình độ chuyên môn, trong đó tỷ lệ trên chuẩn cao (cấp mầm non đạt 83,4%, tiểu học đạt 96,5% và cấp THCS đạt 87%); toàn ngành hiện có 2 Tiến sĩ, 161 nhà giáo và CBQL có trình độ từ Thạc sỹ; kết quả tham gia Hội thi giáo viên dạy giỏi cấp Thành phố luôn đạt giải cao và xếp ở tốp đầu của TP.

Chất lượng giáo dục, chăm nuôi trẻ mầm non tại trường Mầm non Ngô Thì Nhậm (Hà Đông) được đông đảo phụ huynh đánh giá cao. Ảnh: Đình Tuệ.

Chất lượng giáo dục đào tạo toàn quận được nâng lên tầm cao mới. Công tác phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi, phổ cập giáo dục THCS tiếp tục được duy trì và giữ vững. Chất lượng giáo dục đại trà và mũi nhọn luôn được chú trọng nâng cao, được thể hiện qua các kỳ giao lưu học sinh giỏi cấp thành phố, cấp quốc gia, quận Hà Đông luôn đạt nhiều giải cao và có học sinh đạt điểm quán quân cấp Thành phố, cấp Quốc gia; học sinh tốt nghiệp THCS thi vào lớp 10 THPT đạt được kết quả cao...

Với sự quan tâm của các cấp lãnh đạo, sự phối hợp của các ban ngành đoàn thể, sự ủng hộ của nhân dân, đặc biệt là sự cố gắng nỗ lực không ngừng nghỉ của các thế hệ nhà giáo trong suốt chặng đường 65 năm qua, ngành Giáo dục Hà Đông từ khi thành lập đến nay luôn là đơn vị dẫn đầu của tỉnh Hà Đông, tỉnh Hà Tây, tỉnh Hà Sơn Bình. Năm 1995 được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen lá cờ đầu ngành Giáo dục. Năm 2013 ngành GD&ĐT quận Hà Đông vinh dự được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhì và năm 2018 được khen tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất. Trong các năm qua, ngành GD&ĐT Hà Đông liên tục đạt cờ thi đua Xuất sắc cấp TP cùng với nhiều bằng khen, giấy khen và các phần thưởng cao quý khác.

Đình Tuệ

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/ha-dong-nang-cao-chat-luong-giao-duc-gop-phan-su-phat-trien-chung-cua-thu-do-175598.html