Hà Giang: Đào tạo nghề cho đồng bào DTTS Đồng Văn nhằm xóa đói, giảm nghèo

Là một trong 6 huyện nghèo của tỉnh Hà Giang với phần đông là đồng bào dân tộc thiểu số, đời sống thu nhập thấp, trình độ dân trí hạn chế nên công tác dạy nghề cho lao động nông thôn của huyện Đồng Văn (Hà Giang) gặp không ít khó khăn.

Mục tiêu hiện thực hóa công tác giảm nghèo của huyện Đồng Văn đã, đang được thực hiện hiệu quả

Mục tiêu giảm hộ nghèo xuống dưới 20%

Đồng Văn là một trong 6 huyện nghèo của tỉnh Hà Giang nằm trong diện được hưởng chính sách 30a của Chính phủ. Với trên 80% lao động tham gia sản xuất nông nghiệp, lực lượng lao động nông thôn (LĐNT) của huyện chủ yếu là đồng bào các dân tộc thiểu số, đời sống thu nhập thấp, trình độ dân trí hạn chế… nên công tác dạy nghề cho LĐNT của huyện gặp nhiều trở ngại.

Để giúp số lao động này có việc làm phù hợp, cải thiện đời sống luôn là vấn đề đặt ra cho cấp ủy, chính quyền địa phương, điều này càng có ý nghĩa hơn khi toàn Đảng bộ huyện đang nỗ lực tập trung nguồn lực thực hiện chương trình giảm nghèo nhanh, bền vững theo Nghị quyết đại hội Đảng bộ huyện, nhiệm kỳ 2015 - 2020.

Với chủ trương đào tạo nghề cho LĐNT, giải quyết việc làm phải gắn với giảm nghèo bền vững và phù hợp với nhu cầu thực tiễn của địa phương; mục tiêu của huyện đến hết năm 2020 là phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo còn dưới 20%; bình quân mỗi năm giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 5% - 7%; đào tạo nghề cho LĐNT đạt 6.000 người; bình quân mỗi năm giải quyết việc làm cho trên 1.000 lao động...

Để thực hiện được những mục tiêu đó, thời gian qua, huyện phối hợp với các cơ sở đào tạo, dạy nghề trong và ngoài tỉnh; chỉ đạo các cơ quan chức năng của huyện phối hợp với UBND các xã, thị trấn chủ động mở các lớp Trung cấp nghề, đào tạo nghề ngắn hạn lưu động tại các xã, thôn; triển khai lồng ghép các chương trình, dự án, chú trọng công tác tuyên truyền vận động các tổ chức, nhân dân tham gia học nghề.

Thực tế, trên địa bàn huyện các thế mạnh ngành nghề được đào tạo chính là: Kỹ thuật gieo trồng cây lương thực; kỹ thuật chăn nuôi và phòng trừ dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm; kỹ thuật sửa chữa xe máy, may mặc, xây dựng, điện dân dụng…

Qua các lớp học nghề này, nhiều người đã mạnh dạn vay vốn ngân hàng mở các hiệu sửa chữa xe máy, xây dựng các trang trại chăn nuôi bò, lợn quy mô hộ gia đình, mở HTX dịch vụ nông nghiệp… góp phần đẩy mạnh phát triển kinh tế và trở thành nền tảng trong quá trình giảm nghèo tại địa phương.

Đời sống bà con dân bản cải thiện

Tính từ năm 2016 đến hết tháng 7/2018, huyện Đồng Văn đã đào tạo nghề được 2.887/4.000 người, đạt 72,2% so chỉ tiêu Nghị quyết đại hội Đảng bộ huyện đề ra; tạo việc làm mới cho 5.034 LĐ, đạt 50,34% kế hoạch, qua đó nâng tỷ lệ LĐ qua đào tạo nghề lên 34%; tỷ lệ người học nghề có việc làm sau khi tốt nghiệp đạt 80%; tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân hàng năm là trên 6%.

Đặc biệt, từ cuối năm 2017 và đầu năm 2018, thực hiện thỏa thuận quản lý lao động qua biên giới giữa tỉnh Hà Giang (Việt Nam) và tỉnh Vân Nam (Trung Quốc), huyện Đồng Văn đã chủ động đề xuất, mở các cuộc hội đàm với Chính quyền huyện Phú Ninh, tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) để triển khai thực hiện các nội dung thỏa thuận quản lý, hợp tác lao động, qua đó đã có 76 lao động đi Trung Quốc làm việc trong đợt 1 và trong đợt 2 năm 2018 đã có 149 lao động đăng ký đi Trung Quốc làm việc.

Với hoạt động đó, vấn đề việc làm đang từng bước được giải quyết; tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống đáng kể, an sinh xã hội trên địa bàn được đảm bảo, quan trọng nhất là nhận thức của người dân được nâng lên.

Chị Thào Thị Súa, thôn Sủa Pả, xã Phố Cáo - người đã tham gia học lớp cắt may chia sẻ: Ở nông thôn, thời gian nhàn rỗi nhiều do sản xuất nông nghiệp ở xã chỉ có một vụ chính, nếu chỉ làm nông nghiệp thì việc làm giàu rất khó, nên việc học nghề, có thêm nghề mới để tăng thu nhập cho gia đình là điều chị và nhiều người dân khác ở xã mong muốn.

"Tôi chọn nghề may mặc vì nó phù hợp với tôi, sản phẩm làm ra rất dễ bán, có thể bán ngay ở chợ phiên của xã hoặc bán cho các thương lái, trung bình mỗi tháng gia đình tôi có thu nhập từ bán quần, áo may mặc trên 3 triệu đồng, với số tiền này gia đình cũng có ít tích kiệm, đủ trang trải nuôi con ăn học", chị Thào Thị Súa chia sẻ thêm.

Trong 19 tiêu chí xây dựng NTM, tiêu chí về chuyển đổi cơ cấu lao động nông thôn từ nông nghiệp sang phi nông nghiệp đang là tiêu chí khó nhất đối với huyện Đồng Văn, do nhiều xã vùng sâu, xa mật độ dân cư thưa thớt trong khi thời gian đào tạo phải theo hướng tập trung; việc đăng ký học nghề của nhiều lao động và một số xã chưa phù hợp với điều kiện, nhu cầu của người học, chưa gắn kết với kế hoạch phát triển KT - XH của địa phương.

Bởi vậy, thời gian tới, huyện Đồng Văn sẽ đẩy mạnh liên kết với các tổ chức, đơn vị dạy nghề trong và ngoài tỉnh tìm hiểu nhu cầu học nghề gắn với tạo việc làm mới, xuất khẩu lao động; đa dạng hóa các hình thức đào tạo, đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy nghề…

Mặc dù công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn còn gặp khó khăn, nhưng với sự quyết tâm, nỗ lực của các cấp, ngành, mục tiêu hiện thực hóa công tác giảm nghèo của huyện Đồng Văn đã, đang được thực hiện hiệu quả, nhiều lao động nông thôn có việc làm ổn định theo đúng năng lực, sở trường từ đó góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu Nghị quyết đại hội Đảng bộ huyện đề ra.

N. Huyền

Nguồn Infonet: http://infonet.vn/ha-giang-dao-tao-nghe-cho-dong-bao-dtts-dong-van-nham-xoa-doi-giam-ngheo-post272880.info