Hà Giang: Đẩy nhanh ứng dụng khoa học và công nghệ vào sản xuất

Xuất phát từ vai trò quan trọng của khoa học và công nghệ (KH&CN) đối với phát triển kinh tế - xã hội, tỉnh Hà Giang đã đẩy mạnh ứng dụng KH&CN vào phát triển sản xuất, khai thác hiệu quả các sản phẩm có lợi thế của địa phương.

Một trong những nhiệm vụ KH&CN nổi bật của tỉnh Hà Giang năm 2019 là dự án "Nghiên cứu triển khai công nghệ khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên nước ở các vùng núi đá vôi Việt Nam, áp dụng thử nghiệm ở một số khu vực thuộc Công viên Địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn, tỉnh Hà Giang" (Dự án Kawatech) thuộc Chương trình hợp tác quốc tế theo Nghị định thư của Bộ KH&CN.

 Chuyên gia Việt Nam và Đức lắp đặt thiết bị cho Dự án Kawatech

Chuyên gia Việt Nam và Đức lắp đặt thiết bị cho Dự án Kawatech

Khó khăn lớn nhất của tỉnh Hà Giang là thiếu nước sinh hoạt, nước sản xuất tại các huyện vùng cao biên giới, nhiều năm qua, các nhà quản lý, nhà khoa học đã trăn trở tháo gỡ, đưa ra nhiều giải pháp, bước đầu cải thiện phần nào về cấp nước sinh hoạt. Song những giải pháp này chỉ mang tính tình thế, qua thời gian bộc lộ không ít bất cập, thiếu vững bền.

Hệ thống bơm PAT của Cộng hòa Liên bang Đức với công nghệ không dùng điện thuộc Dự án Kawatech qua 5 năm triển khai thực hiện, đến nay đã được nghiệm thu, bàn giao cho địa phương đưa vào sử dụng. Với 1.600m3 nước/ngày đêm bơm lên độ cao gần 600m cấp đủ nước cho toàn bộ hơn 2.000 hộ dân thị trấn huyện lỵ Đồng Văn và một số khu vực phụ cận.

Sự thành công của Dự án Kawatech đã tạo ra bước đột phá về công nghệ khai thác nước bền vững trên vùng cao nguyên đá Đồng Văn, mở ra hướng đi mới cho tỉnh trong việc lựa chọn giải pháp cấp nước sinh hoạt và sản xuất cho các vùng khó khăn, thiếu nước.

Có thể nói, đây là dự án KH&CN điển hình và thực tiễn nhất, được chính quyền, nhân dân tỉnh Hà Giang đánh giá cao. Đồng thời, là minh chứng cho thấy, các nhiệm vụ KH&CN đã bám sát mục tiêu của Nghị quyết Đảng bộ tỉnh đề ra, đóng góp tích cực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Nhiều dự án khác như: Ứng dụng công nghệ hạ thủy phần mật ong bạc hà; nghiên cứu phát triển sản phẩm dược liệu từ giảo cổ lam, ấu tẩu; xây dựng trung tâm bảo tồn, nhân giống Bò Vàng... cũng đang phát huy hiệu quả cao.

Theo UBND tỉnh Hà Giang, hoạt động KH&CN của tỉnh những năm qua đã từng bước đạt được kết quả khích lệ: Nhận thức về vai trò KH&CN của các cấp ngành, doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân được nâng lên. Ngân sách đầu tư cho KH&CN tăng, đã huy động được sự tham gia của doanh nghiệp, hợp tác xã; thu hút nhiều đề tài, dự án từ các chương trình của Trung ương. Nhiều sản phẩm hàng hóa nông, lâm sản có thế mạnh của các địa phương trong tỉnh được xây dựng thương hiệu và phát triển thành hàng hóa chủ lực, nâng cao thu nhập cho nhân dân.

Trong thời gian tới, Hà Giang xác định ưu tiên đẩy mạnh áp dụng các tiến bộ KH&CN vào sản xuất và đời sống. Tuy nhiên, tỉnh cũng mong muốn cơ quan khoa học của Trung ương phối hợp, triển khai giúp đỡ địa phương thực hiện các nhiệm vụ KH&CN đã ký kết; tạo điều kiện giúp đỡ và có cơ chế hỗ trợ Hà Giang trong công tác đào tạo, nghiên cứu và chuyển giao tiến bộ KH&CN vào sản xuất và đời sống…

Tỉnh Hà Giang đề nghị Bộ KH&CN tiếp tục quan tâm hỗ trợ các nhiệm vụ KH&CN để ứng dụng nhanh hơn nữa những thành tựu KH&CN, cũng như nhân rộng kết quả của các dự án đã phát huy hiệu quả vào phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Quỳnh Nga

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/ha-giang-day-nhanh-ung-dung-khoa-hoc-va-cong-nghe-vao-san-xuat-132241.html