Hà Giang: Liên kết phát triển du lịch tạo ra sản phẩm đặc thù

Liên kết phát triển sản phẩm du lịch của 3 huyện Bắc Quang – Vị Xuyên – thành phố Hà Giang của tỉnh Hà Giang cần xác định và tập trung phát triển sản phẩm gắn với tài nguyên, lợi thế của địa phương nhằm tạo ra được sản phẩm đặc thù.

Lãnh đạo 3 huyện Bắc Quang – Vị Xuyên – thành phố Hà Giang đã ký kết biên bản ghi nhớ về hợp tác phát triển du lịch với Trung tâm xúc tiến du lịch tỉnh và các doanh nghiệp lữ hành.

Sáng 26/7, Hà Giang tổ chức hội thảo “Liên kết phát triển sản phẩm du lịch vùng Bắc Quang – Vị Xuyên – thành phố Hà Giang năm 2018 tại huyện Vị Xuyên. Đây là Hội thảo liên kết phát triển du lịch lần đầu tiên của 3 huyện, thành phố được tổ chức.

Trong những năm qua 2 huyện Bắc Quang, Vị Xuyên và thành phố Hà Giang song song với phát triển kinh tế, xã hội thì vấn đề thu hút đầu tư du lịch cũng được quan tâm. Các địa phương ban đầu thu hút được sự quan tâm của du khách trong và ngoài nước bởi sự phong phú và hấp dẫn cả nguồn tài nguyên du lịch như: Du lịch sinh thái nghỉ dưỡng, du lịch tâm linh lịch sử. Các hoạt động văn hóa dân gian đặc sắc, ẩm thực phong phú, đa dạng như: Càm sành, chè shan tuyết, thảo quả…

Tuy nhiên, công tác phát triển du lịch tại 3 địa phương vẫn đang còn những khó khăn, thách thức như: Hệ thống giao thông kết nối tới khu, điểm du lịch chưa đáp ứng được yêu cầu. Công tác xúc tiến quảng bá còn hạn chế. Việc liên kết giữa nhà nước, doanh nghiệp và người dân còn khó khăn... Việc tổ chức hội thảo liên kết phát triển sản phẩm du lịch là thực sự cần thiết. Bởi đây sẽ là diễn đàn để các cơ quan quản lý nhà nước, các doanh nghiệp lữ hành, các nhà truyền thông cùng bàn về các giải pháp cụ thể, thiết thực để triển khai thực hiện.

Núi Cấm - kỳ quan trong lòng thành phố Hà Giang

Tại hội thảo, lãnh đạo Tổng cục du lịch cho rằng để liên kết phát triển sản phẩm du lịch của 3 huyện Bắc Quang – Vị Xuyên – thành phố Hà Giang trước hết cần xác định và tập trung phát triển sản phẩm gắn với tài nguyên, lợi thế của địa phương nhằm tạo ra được sản phẩm đặc thù. Tăng cường công tác kết nối giữa các địa phương; công tác quản lý nhà nước, đào tạo nguồn nhân lực cho doanh nghiệp, cho cộng đồng. Tổng Cục trưởng tổng cục du lịch cũng cho rằng để phát triển du lịch bền vững cần phải xác định rõ vai trò, trách nhiệm của các bên liên quan. Trong đó không chỉ là trách nhiệm của chính quyền mà còn trách của doanh nghiệp và của cả cộng đồng.

Tại hội thảo, các đại biểu đã trao đổi, thảo luận về những giải pháp nhằm phát huy được tiềm năng, lợi thế đưa sản phẩm du lịch vùng Bắc Quang – Vị Xuyên – thành phố Hà Gang thật sự trở thành điểm đến của du khách trong và ngoài nước. Trong đó, tập trung vào những giải pháp như: Về phía tỉnh và các huyện, thành phố cần có định hướng, tập trung phát triển các làng văn hóa du lịch cộng đồng theo hướng có trọng tâm, trọng điểm. Phát triển du lịch tâm linh; hành trình về thăm chiến trường xưa với những chiến tích như: Đài hương 468, đỉnh cao 1509..... Tăng cường công tác đào tào nguồn nhân lực cho du lịch. Khai thác tiềm năng về suối khoáng Thanh Hà – Vị Xuyên. Phát triển du lịch nông nghiệp, trải nghiệm và sản phẩm nông sản hữu cơ...

Năm 2017, UBND tỉnh Hà Giang quyết định công nhận các tuyến du lịch kết nối với các khu, điểm tâm linh gồm: Tuyến du lịch tâm linh lịch sử “Thăm lại chiến trường xưa” thuộc huyện Vị Xuyên và tuyến du lịch tâm linh kết nối các huyện Bắc Quang – Vị Xuyên – Thành phố Hà Giang.

Chùa Bình Lâm tại xã Phú Linh, huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang

Cụ thể, Đối với tuyến du lịch tâm linh lịch sử “Thăm lại chiến trường xưa”, tuyến sẽ đi qua các điểm chính thuộc huyện Vị Xuyên gồm Nghĩa trang liệt sĩ Vị Xuyên, bia ghi danh các anh hùng liệt sĩ xã Lao Chải, cửa khẩu quốc tế Thanh Thủy, bia tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ xã Thanh Thủy, hang Dơi, hang Làng Lò, Đài hương 468, làng văn hoa du lịch cộng đồng thôn Thanh Sơn (Thanh Thủy).

Tuyến du lich tâm linh kết nối các huyện Bắc Quang – Vị Xuyên – Thành phố Hà Giang sẽ đi qua các điểm chính: Đền Chúa Bà, khu di tích lịch sử Trọng Con, chùa Thiên Ân, đền Trần Hưng Đạo, chùa Quan Thế Âm (huyện Bắc Quang) – Chùa Nậm Dầu, đền Cầu Má, chùa Sùng Khánh, chùa Bình Lâm (huyện Vị Xuyên) – Đền Mẫu, đền Thác Con, chù Quan Âm (Thành phố Hà Giang).

Với việc công nhận thêm các tuyến du lịch này, công tác hoạt động, bảo vệ tài nguyên du lịch, môi trường sinh thái dọc tuyến sẽ được các cơ quan quản lý cũng như cộng đồng xã hội quan tâm nhiều hơn, đồng thời thu hút sự tham gia của doanh nghiệp vào các hoạt động du lịch, xây dựng các dịch vụ du lịch tại các điểm du lịch và dọc tuyến du lịch theo quy hoạch du lịch tổng thể của tỉnh.

Lãnh đạo tỉnh Hà Giang cho biết, 3 huyện, thành phố Bắc Quang – Vị Xuyên – thành phố Hà Giang có nhiều tiềm năng về du lịch tuy nhiên để du lịch thực sự phát triển các địa phương phải chủ động kết nối với nhau bằng những chương trình cụ thể, tập trung vào từng lĩnh vực một, với phương châm làm đến đâu chắc đến đấy nhằm đáp ứng nhu cầu và yêu cầu của du khách.

Lê Hoàn

Nguồn Văn Hiến: http://vanhien.vn/news/ha-giang-lien-ket-phat-trien-du-lich-bac-quang-%E2%80%93-vi-xuyen-%E2%80%93-tp-ha-giang-62895