Hà Giang mộc mạc, bình dị qua khoảnh khắc ánh sáng của Nguyễn Hữu Tuấn

Nhà nhiếp ảnh Nguyễn Hữu Tuấn đã có dịp tới Hà Giang và cao nguyên đá Đồng Văn cách đây 20-30 năm. Ở thời điểm đó, Hà Giang hầu như vẫn là 'nàng công chúa ngủ trong rừng' với lượng du khách ít ỏi. Cũng nhờ đó, những bức ảnh đẹp về một Hà Giang 'nguyên bản' với 'Cung đường hạnh phúc' huyền thoại, với mùa xuân vùng cao đã được ông ghi trọn trong những khoảnh khắc của ánh sáng.

Những gương mặt trẻ thơ xuất hiện nhiều trong bộ ảnh “Thư Đồng Văn”

Vốn là một nhà quay phim kỳ cựu của Hãng Phim truyện Việt Nam nhưng Nguyễn Hữu Tuấn đã bước qua kỹ thuật để chụp thật bằng cảm xúc về Hà Giang. Bởi theo ông, người Mông vốn không ồn ào, vậy cớ gì ông lại cứ phải cố tình tạo nên gay cấn. Trong chuyến công tác lên Hà Giang năm ấy, cùng với chiếc máy ảnh, Nguyễn Hữu Tuấn đã có dịp đặt chân tới những địa danh nổi tiếng của mảnh đất Hà Giang. Và điều tạo ấn tượng với ông là khung cảnh hữu tình cùng những con người chân phác, mộc mạc. Đặc biệt, với “Cung đường hạnh phúc” đã đi vào huyền thoại của mảnh đất Hà Giang, đương nhiên, tay máy này đã có mặt.

Ảnh đen trắng của Nguyễn Hữu Tuấn ghi lại cảnh thực, không dàn xếp, sắp đặt

Tới cung đường nổi tiếng ấy, nhà nhiếp ảnh này đã rất xúc động khi được nghe những câu chuyện về con đường mang tên… “hạnh phúc”. Con đường dài khoảng 200km chạy từ Hà Giang qua cao nguyên đá Đồng Văn và đỉnh Mã Phí Lèng rồi đến Mèo Vạc đã được hoàn thành bằng mồ hôi, nước mắt, thậm chí là cả máu xương của thanh niên các dân tộc miền núi phía Bắc như Hà Giang, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Cao Bằng, Bắc Cạn, Lạng Sơn…

Nghỉ ngơi sau giờ lao động của đồng bào dân tộc Mông

Lúc bấy giờ, dụng cụ làm việc còn rất thô sơ, chỉ có chiếc búa, xà beng nhưng những người thanh niên trẻ tuổi đã cậy và khuôn từng viên đá. Thậm chí, họ còn treo mình lên nóc nhà Mã Pí Lèng của vùng cao nguyên đá hơn 11 tháng để làm đường qua dốc. Có người đục lỗ khoan vào đá suốt 8 giờ đồng hồ được 4,7m hay treo mình trên những vách đá cao, vừa đục vừa khoan đá để mở từng centimet đường, hoàn thành 10km đường qua dốc Mèo Vạt.

“Nhưng khi đã đặt chân tới Hà Giang, du khách nên tới với “Cung đường hạnh phúc” để chứng kiến kỳ tích của lớp thanh niên trước đây và cùng tận hưởng thành quả lao động của họ với một cung đường trải dài trước mắt với lòng biết ơn và trân trọng”.

Nhà nhiếp ảnh Nguyễn Hữu Tuấn

Là một nhà cầm máy, Nguyễn Hữu Tuấn muốn làm một điều gì đó để ghi lại dấu ấn cá nhân khi đến với “Cung đường hạnh phúc”. Và ông đã chọn việc ghi thực, không thêm cũng không bớt về con người nơi vùng cao gắn với cung đường huyền thoại. Bức ảnh thật bình yên trong một buổi chiều đi chợ về, người và ngựa bước đi trên tuyến đường mang niềm tự hào của các thanh niên miền núi.

Bên cạnh bức ảnh lưu dấu chân tới “Cung đường hạnh phúc”, nhà nhiếp ảnh Nguyễn Hữu Tuấn còn có nhiều bức ảnh đẹp khác về Hà Giang mang vẻ trữ tình, nên thơ và tuyệt nhiên không có sự tác động nào của người chụp. Bởi theo tay máy này, ông không muốn soi mói vào đời sống của người Mông nhằm thỏa mãn sự hiếu kỳ của người thành phố khi đến với vùng đất xa xôi này. Ông coi thái độ đó là tổn thương đến bản sắc văn hóa dân tộc, rất bất lịch sự.

Những bức ảnh trở nên quý giá cùng với sự phát triển của Hà Giang ngày nay

Cũng nhờ lối chụp tự nhiên, không sắp đặt, dàn xếp nên sau 20-30 năm, những người đươc thưởng thức vẻ đẹp của Hà Giang xưa kia tại triển lãm ảnh “Thư Đồng Văn” vẫn không khỏi xuýt xoa. Sự chân thật làm nên những bức ảnh đáng nhớ và khiến cho bất cứ ai cũng muốn được đặt chân tới mảnh đất nổi tiếng với núi non.

Bức ảnh chụp “Cung đường hạnh phúc” của nhà nhiếp ảnh Nguyễn Hữu Tuấn cách đây 20-30 năm

Sau bộ ảnh “Thư Đồng Văn”, nhà nhiếp ảnh Nguyễn Hữu Tuấn còn có vài lần quay trở lại Hà Giang. Mỗi lần đều có những kỷ niệm riêng nhưng có lẽ lần đầu tiên với nhiều dấu ấn cùng sự ra đời của bộ phim “Thư Đồng Văn” luôn khiến ông nhớ mãi. Ông chia sẻ, Hà Giang sẽ luôn hấp dẫn bất cứ ai muốn tìm hiểu và khám phá. Chính sự mộc mạc, nên thơ và bình dị làm nên sức hút của mảnh đất nơi địa đầu Tổ quốc.

Thanh Xuân

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/giai-tri/ha-giang-moc-mac-binh-di-qua-khoanh-khac-anh-sang-cua-nguyen-huu-tuan/782911.antd