Hà Giang phát huy nội lực xóa đói giảm nghèo bền vững

Nhiều năm trở lại đây, với hàng loạt chính sách đầu tư, hỗ trợ từ hạ tầng giao thông đến việc xây dựng các mô hình kinh tế hiệu quả, công tác xóa đói giảm nghèo của Hà Giang đã đạt được nhiều kết quả đáng mừng: số hộ nghèo giảm theo từng năm (năm 2023 giảm 13.276 hộ so với năm 2022); người dân đã từng bước thay đổi tư duy, nhận thức, phát huy nội lực, có ý chí vươn lên thoát nghèo...

Những lá đơn xin thoát nghèo

Thời gian gần đây, câu chuyện nhường lại những khoản hỗ trợ của Nhà nước cho các gia đình thật sự khó khăn hơn trên địa bàn các huyện vùng cao như Đồng Văn, Mèo Vạc... không còn lạ, là minh chứng cho ý chí, tinh thần tự lực vươn lên thoát nghèo của bà con nơi địa đầu Tổ quốc.

Tại thôn Vị Ke, xã Nậm Ban, huyện Mèo Vạc có gia đình ông Sùng Mí Nô và vợ là bà Lầu Thị Xia đã mạnh dạn viết đơn xin thoát nghèo vào cuối năm 2022, với mong muốn để con cháu noi gương, vươn lên phát triển kinh tế; ông Nô chia sẻ: “Còn tư tưởng ỷ lại thì mãi nghèo từ đời này sang đời khác, mình phải quyết tâm, chịu khó mới thay đổi nếp nghĩ, cách làm để vươn lên”.

Nói về những dự định sau khi mạnh dạn viết đơn xin ra khỏi hộ nghèo, ông Nô cho biết: hiện nay, Đảng và Nhà nước đã quan tâm đến đồng bào, nhất là thường xuyên đưa nguồn vốn hỗ trợ không lãi suất để bà con được tiếp cận. Do vậy, chúng tôi sẽ mạnh dạn vay vốn để mua bò vỗ béo, bò sinh sản, gia cầm, giống cây trồng mới về gieo trồng, chăn nuôi phát triển kinh tế; động viên các cháu cố gắng học tập hoặc chủ động tham gia các lớp đào tạo nghề hay đăng ký đi làm việc tại các công ty, doanh nghiệp để tạo thêm thu nhập chính đáng.

Người dân xã Tả Lủng (huyện Đồng Văn) chuyển đổi trồng ngô sang trồng cây Sâm khoai mang lại thu nhập ổn định. Ảnh: Kim Tiến

Trong căn nhà gỗ 3 gian tại thôn Khuổi Luông, xã Niêm Sơn, huyện Mèo Vạc, anh Sùng Mí Sính đang cặm cụi từng nét chữ nguệch ngoạc viết đơn xin tự ra khỏi hộ nghèo; anh Sính chia sẻ: trước đây gia đình tôi quá khó khăn, lại có 3 con nhỏ nên nhận được sự hỗ trợ của Nhà nước nhiều năm qua. Giờ con cái đã lớn hơn, vợ chồng tôi còn trẻ, khỏe; làm nương, chăn nuôi bò, lợn cũng đủ để sinh sống và chăm sóc các con nên vợ chồng tôi làm đơn xin thoát nghèo, để lại những chế độ, chính sách ấy cho hộ khác vất vả hơn.

Không chỉ trên địa bàn huyện Mèo Vạc, cuối năm 2023, 31 hộ dân thôn Tráng Phúng A, xã biên giới Phố Cáo, huyện Đồng Văn cùng viết đơn xin thoát nghèo. Đây là một trong những tín hiệu mừng vì người dân đã có ý chí vươn lên thoát nghèo, không trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước. Tráng Phúng A có 99 hộ dân, hầu hết là đồng bào dân tộc Mông, trước đây cuộc sống khó khăn, người dân thiếu hụt các dịch vụ xã hội cơ bản, song với sự đầu tư của Nhà nước từ các chương trình mục tiêu quốc gia và quyết tâm lao động sản xuất, phát triển kinh tế của người dân, toàn thôn chỉ còn 11 hộ nghèo và cán đích thôn nông thôn mới.

Có thể thấy, việc các hộ dân viết đơn xin thoát nghèo không chỉ lan tỏa thông điệp tích cực về tinh thần tự lực, tự cường, chủ động vươn lên thoát nghèo, mà khẳng định công tác giảm nghèo đã đạt được nhiều kết quả thực chất và bền vững.

Khơi dậy khát vọng vươn lên cho các hộ nghèo

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Hà Giang lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 xác định: giảm nghèo nhanh, bền vững, nâng cao đời sống nhân dân là một trong năm nhiệm vụ trọng tâm. Ngay từ đầu nhiệm kỳ, Hà Giang đã huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc quyết liệt triển khai các Chương trình mục tiêu quốc gia. Trong đó, tập trung hoàn thiện cơ chế, chính sách; tập huấn nâng cao năng lực, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ làm công tác giảm nghèo các cấp và đối tượng liên quan; khởi công mới hàng trăm công trình thiết yếu và triển khai nhiều mô hình giảm nghèo bền vững, tạo sinh kế, việc làm cho hộ nghèo, cận nghèo.

Năm 2023, Hà Giang đã giải ngân trên 450 tỷ đồng nguồn vốn đầu tư phát triển, đạt 92,63% kế hoạch. Với những nỗ lực trên, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm 7,34%, vượt kế hoạch. Vùng “lõi” nghèo có bước phát triển mới, đời sống của đồng bào vùng dân tộc thiểu số được nâng lên, góp phần quan trọng thực hiện các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.

Không chỉ phát triển tốt các mô hình giảm nghèo theo hình thức phát triển kinh tế tập thể, mô hình giảm nghèo và hỗ trợ phát triển sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp cũng đang được các ngành, địa phương rà soát, lựa chọn, xây dựng các dự án để tạo điều kiện cho người nghèo, hộ nghèo tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản. Nổi bật, đào tạo và giải quyết việc làm cho người lao động được coi là một trong những “chìa khóa” giảm nghèo được tỉnh đặc biệt quan tâm.

Giai đoạn 2022 - 2025, tỉnh Hà Giang đặt mục tiêu phấn đấu tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân 4%/năm trở lên. Trong đó, tỷ lệ hộ nghèo các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn giảm 6%/năm trở lên. Thực hiện mục tiêu này, tỉnh tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các cấp, ngành và toàn xã hội, nhất là người dân nhằm tạo chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động trong giảm nghèo bền vững. Đồng thời, khơi dậy ý chí tự lực, tự cường, phát huy nội lực vươn lên thoát nghèo, xây dựng cuộc sống ấm no, không trông chờ, ỷ lại vào sự giúp đỡ của Nhà nước. Tỉnh tiếp tục rà soát, hoàn thiện cơ chế, chính sách giảm nghèo bền vững, hỗ trợ có điều kiện; tăng cường tín dụng chính sách xã hội cho người nghèo gắn với mục tiêu phát triển bền vững…

Xuân Việt - Ngọc Nam

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/tren-duong-phat-trien-1/h%C3%A0-giang-ph%C3%A1t-huy-n%E1%BB%99i-l%E1%BB%B1c-x%C3%B3a-d%C3%B3i-gi%E1%BA%A3m-ngh%C3%A8o-b%E1%BB%81n-v%E1%BB%AFng-i371498/