Hà Giang phát triển kinh tế, đảm bảo quyền cho phụ nữ dân tộc thiểu số

Việc thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia đang là 1 trong những mục tiêu trọng tâm của chính phủ, trong đó có Chương trình về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030. Tại Hà Giang, những phụ nữ thuộc các nhóm dân tộc thiểu số cũng đang thử sức mình, vươn lên khởi nghiệp, từng bước cải thiện đời sống cũng như khẳng định tiếng nói của mình.

Một ngày cuối tuần tại Hợp tác xã thổ cẩm Lanh Trắng, thuộc xã Sà Phìn, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang. Các nhân viên của hợp tác xã vừa tất bật làm việc, vừa đón tiếp các du khách trong và ngoài nước.

Là một thành viên đời đầu của hợp tác xã, chị Sùng Thị Ly cho biết trước đây, chị chỉ biết quanh quẩn ở nhà, nuôi lợn, chăn bò. Chồng chị bị dụ dỗ đi qua biên giới lao động trái phép nhưng sau một thời gian lại trở về với hai bàn tay trắng. Kinh tế khó khăn khiến gia đình luôn căng thẳng. Thế nhưng, từ khi tham gia làm kinh tế, cuộc sống chị đã thay đổi.

Con số 4 triệu đồng nghe có vẻ nhỏ bé, nhưng là số tiền mà chị Ly trước đó có nằm mơ cũng không dám nghĩ đến. Có thêm thu nhập, đời sống gia đình chị từng bước được cải thiện.

Không chỉ riêng chị Ly, việc khởi nghiệp từ cây lanh cũng đã mang lại sự thay đổi cho cuộc sống của hơn 100 phụ nữ khác tại huyện Đồng Văn. Ngoài việc tạo ra thu nhập, những người phụ nữ trong hợp tác xã đã có được sự tự tin, tự chủ trong cuộc sống, có tiếng nói trong gia đình, trong cộng đồng, nhờ đó nạn bạo hành gia đình dần dần được xóa bỏ.

Khởi nghiệp vào năm 2017, Hợp tác xã thổ cẩm Lanh trắng của huyện Đồng Văn đã mạnh dạn xin Ủy ban nhân dân huyện cấp cho gần 200ha đất để trồng cây lanh, với vốn vay hỗ trợ từ ngân hàng chính sách. Chính quyền huyện Đồng Văn cũng luôn sát cánh cùng hợp tác xã, giúp họ vượt qua những khó khăn.

Ngoài hợp tác xã sản xuất lanh trắng, nhiều mô hình hợp tác xã sản xuất khác cũng được huyện Đồng Văn quan tâm hỗ trợ. Cũng chính nhờ sự đoàn kết giữa chính quyền và người dân, mà số hộ nghèo tại đây đã giảm gần 10% trong năm 2023. Nhiều cơ hội phát triển cho sản phẩm truyền thống của địa phương cũng được khai phá, góp phần tạo thêm nhiều công ăn việc làm cho phụ nữ dân tộc thiểu số.

Mời quý vị và các bạn theo dõi chương trình!

Hoàng Việt - Công Kiên

Nguồn Quốc Hội TV: https://www.quochoitv.vn/ha-giang-phat-trien-kinh-te-dam-bao-quyen-cho-phu-nu-dan-215081.htm