Hà Giang quy hoạch, hỗ trợ người dân trồng rừng

Hà Giang có hơn 276 nghìn ha đất rừng sản xuất. Trong những năm qua, nhờ chính sách đầu tư phát triển rừng của Trung ương và những định hướng trong công tác bảo vệ, phát triển tài nguyên rừng của tỉnh Hà Giang như: chính sách giao rừng và đất rừng đến hộ và nhóm hộ gia đình, hỗ trợ lương thực cho các hộ trồng rừng, hỗ trợ chất đốt cho đồng bào bốn huyện cao nguyên đá (Mèo Vạc, Ðồng Văn, Yên Minh và Quản Bạ), đã góp phần phủ xanh đất trống đồi núi trọc.

Những diện tích rừng nghèo được người dân xã Giáp Trung (huyện Bắc Mê, tỉnh Hà Giang) chuyển sang trồng cây sa mộc, góp phần nâng độ che phủ rừng. Ảnh: HOÀNG YẾN

Tình trạng đốt rừng làm nương rẫy được chấm dứt, các cánh rừng được bảo vệ tốt hơn. Từ đó, hình thành các cơ sở sản xuất và chế biến lâm sản tại nhiều vùng trong tỉnh.

Phát huy kết quả đạt được, tỉnh Hà Giang tập trung đẩy mạnh phát triển kinh tế lâm nghiệp. Tỉnh tiến hành công tác quy hoạch đất rừng. Ðến tháng 7-2018, tỉnh Hà Giang đã thực hiện xong việc điều chỉnh quy hoạch đất lâm nghiệp và ba loại rừng giai đoạn 2016 - 2025, định hướng đến năm 2030. Theo đó, tổng diện tích đất lâm nghiệp của Hà Giang hơn 567 nghìn ha, tăng hơn 1.264 ha so với trước điều chỉnh quy hoạch. Trong đó, diện tích rừng đặc dụng là 59.544,4 ha; rừng phòng hộ là 231.800,5 ha; rừng sản xuất 276.642,9 ha.

Tỉnh ban hành chính sách hỗ trợ trồng rừng. Theo đó, mỗi héc-ta rừng trồng sẽ được hỗ trợ ban đầu từ 3 đến 5 triệu đồng. Nhờ được hỗ trợ, người dân mở rộng diện tích trồng cây lâm nghiệp, chú trọng hơn trong thâm canh, sử dụng giống tốt, áp dụng tiến bộ khoa học trong sản xuất, qua đó góp phần phát triển kinh tế - xã hội. Nhiều hộ thoát nghèo, vươn lên làm giàu từ rừng.

Năm 2019, Tiền Giang đặt mục tiêu tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) tăng 7,0 đến 7,5%. GRDP bình quân đầu người đạt 51,8 đến 52,0 triệu đồng; thu hút 24 dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 7.000 tỷ đồng.

Tỉnh triển khai nhiều giải pháp, trong đó chú trọng đến nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ triển khai các dự án. Tháng 4-2019, HÐND tỉnh Tiền Giang đã thông qua Nghị quyết quy định chính sách hỗ trợ để thu hút nguồn nhân lực về công tác tại tỉnh. Nghị quyết quy định cụ thể chính sách hỗ trợ thu hút các đối tượng là người có học hàm, học vị như giáo sư - tiến sĩ, phó giáo sư - tiến sĩ, tiến sĩ, thạc sĩ, bác sĩ chuyên khoa cấp II, bác sĩ chuyên khoa cấp I, người đã tốt nghiệp đại học chuyên ngành y khoa.

Theo đó, mức hỗ trợ đối với giáo sư - tiến sĩ là 400 triệu đồng, phó giáo sư - tiến sĩ là 350 triệu đồng, tiến sĩ hoặc bác sĩ chuyên khoa cấp II là 300 triệu đồng, Thạc sĩ hoặc bác sĩ chuyên khoa cấp I là 250 triệu đồng, người tốt nghiệp đại học chuyên ngành y khoa là 200 triệu đồng. Trường hợp người được thu hút nếu tốt nghiệp các cơ sở đào tạo ở nước ngoài được hỗ trợ thêm 100 triệu đồng… cùng với các chính sách ưu đãi kèm theo.

Tỉnh triển khai đồng bộ các chính sách ưu đãi đầu tư để phát triển các dự án hạ tầng khu - cụm công nghiệp, nhà ở công nhân, các dự án xã hội hóa, các dự án thuộc lĩnh vực nông nghiệp và nông thôn.

PV và TTXVN

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/kinhte/tin-tuc/item/39923702-ha-giang-quy-hoach-ho-tro-nguoi-dan-trong-rung.html