Hà Giang: Sông Nho Quế mùa biếc xanh hấp dẫn du khách

Giữa đại ngàn đá xám, dòng sông Nho Quế như một dải lụa xanh mượt. thướt tha mang lại cho những ai đặt chân lên Hà Giang – mảnh đất địa đầu Tổ quốc một cảm giác nhẹ nhàng, bình yên, hấp dẫn, thấm đẫm chất thơ.

Từ báu vật nơi miền đá xám…

Sông Nho Quế (phần thượng lưu, ở Trung Quốc gọi là sông Phổ Mai) là một con sông bắt nguồn từ vùng núi Nghiễm Sơn (Vân Nam, Trung Quốc) cao 1.500m, chảy theo hướng Tây Bắc-Đông Nam, xẻ qua cao nguyên Đồng Văn, qua các huyện Đồng Văn, Mèo Vạc thuộc địa phận tỉnh Hà Giang để nhập vào sông Gâm tại Na Nát thuộc xã Lý Bôn, huyện Bảo Lâm, tỉnh Cao Bằng. Là chi lưu phía tả ngạn của sông Gâm, sông Nho Quế dài 192km, phần ở Việt Nam là 46 km bao gồm địa phận 2 tỉnh Hà Giang và Cao Bằng.

Nước sông Nho Quế có mành xanh đặt trưng

Sông Nho Quế chảy vào Việt Nam tại Lũng Cú, một đoạn của nó là ranh giới 2 nước, đến gần Đồng Văn thì nó chảy hẳn vào nội địa Việt Nam, qua hẽm núi Tu Sản và sau đó chạy dọc theo đèo Mã Pí Lèng. Đến Mèo Vạc thì sông Nho Quế tách ra chảy theo hướng đông và đông nam vào địa phận Cao Bằng, cuối cùng đổ nước vào sông Gâm.

Cũng không thể biết chắc chắn “ai đã đặt tên Nho Quế cho dòng sông”. Chỉ biết rằng người trước gọi thế, người sau cũng cứ thế mà gọi tên. So với các con sông lớn khác thì Nho Quế không quá dài, nhưng nó lại mang trong mình vẻ đẹp đặc biệt, đó là sự hoang sơ và kỳ vĩ. Dòng Nho Quế chảy qua khe núi Tu Sản và đèo Mã Pì Lèng thuộc huyện Mèo Vạc cách Lũng Cú khoảng 15km được xem là ngoạn mục nhất. Một điểm đặc sắc là phần lớn thời gian trong năm, nước sông Nho Quế có màu xanh ngọc biết đặc trưng, rất đẹp.

Không biết từ bao giờ, sông Nho Quế đã trở thành một biểu tượng, một niềm tự hào khôn xiết của người dân Hà Giang. A Lềnh, bạn tôi, một người con vùng Cao nguyên đá, thoát ly đi làm dưới Hà Nội gần chục năm nay vẫn thường tâm sự, cuộc sống người dân vùng cao Hà Giang trước nhìn thấy đá, sau quay lại cũng chỉ có đá. Có người cả đời không đi hết nổi những dãy núi đá trùng trùng điệp điệp của quê hương mình. Trong sự khô khan, lạnh lẽo đó thì màu xanh của dòng sông Nho Quế có lẽ là điểm nhấn, đối thay bức tranh cả một vùng núi đá. Nho Quế mang vẻ hoang sơ giống như người dân miền đá Hà Giang, luôn cần cù, chịu khó và chứa đựng nhiều chất thơ.

Một khúc sông Nho Quế vào mùa đông

Sông Nho Quế mùa nào cũng đẹp, đi thuyền trên sông vào thời tiết nào cũng đem lại cho lòng người sự thư thái, yên tĩnh đến lạ kỳ. Tháng 3 âm lịch, dòng Nho Quế trong xanh biếc được điểm tô bởi màu đỏ rực của hoa gạo. Những cây hoa gạo bung nở giữa hai bờ vực, giữa muôn trùng núi non, dệt thêm cho bức tranh thủy mặc này một màu sắc rực rỡ, bức tranh này nhờ đó mà trở nên sống động hẳn. Mùa hè, ánh nắng chói chang, cái nóng như thiêu đốt từ phố thị đến Cao nguyên đá. Sông Nho Quế vẫn trong xanh mát lạ thường (ngoại trừ những ngày mưa lũ), giảm nhiệt cho cả vùng. Mùa thu ở sông Nho Quế thật lãng mạn bởi hai bên triền núi những rừng lá đổi màu vàng rực. Mùa đông đôi khi có tuyết rơi, sòng sông thoáng ẩn hiện trong làn sương dày đặc. Mặt trời ló dạng trên đỉnh núi, bên dưới là dòng sông Nho Quế êm đềm tựa như cảnh sắc chốn bồng lai tiên cảnh.

Ngoài vẻ đẹp nên thơ, sông Nho Quế còn mang trong mình giá trị về kinh tế, văn hóa. Cao nguyên đá Đồng Văn được mệnh danh là miền đá khát, mùa khô ở đây kéo dài từ tháng 10 năm trước đến tháng 4 năm sau. Nguồn nước thiếu trầm trọng, ảnh hưởng lớn đến sinh hoạt và sản xuất của nhân dân. Sông Nho Quế vào mùa khô là dòng chảy hiếm hoi còn sót lại. Những lạch nước hiếm hoi còn lại trong khe núi không làm giảm cơn khát của vùng cao nguyên đá mênh mông. Có nước, có thể trồng ngô, bí, đậu, cải nương…đồng bào Mông, Lô Lô…nơi đây sống bám đá, giữ từng tấc đất biên cương của tổ quốc từ mấy trăm nay năm nay, và tạo nên đời sống văn hóa phong phú, đậm đà bản sắc.

Năm 2009, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã xếp khu vực đèo Mã Pí Lèng là Di tích Danh lam thắng cảnh Việt Nam, sông Nho Quế được vinh danh là một trong những Thung lũng Kiến tạo độc nhất vô nhị của Việt Nam.

Đến triển vọng phát triển kinh tế

Hơn chục năm trước. các Nhà máy Thủy điện trên dòng sông Nho Quế được xây dựng, hoàn thành và đưa vào sử dụng đã mang lại nhiều nguồn lợi cho chủ đầu tư, tạo công an việc làm cho người dân trong khu vực dự án, đóng góp đáng kể cho ngân sách địa phương. Đặc biệt, việc xây các dựng nhà máy đã tạo ra một vùng lòng hồ thủy điện rộng lớn, từ đây nguời dân đã tận dụng lợi thể để nuôi thủy sản và phát triển khu lịch.

Cùng với việc khai thác đánh bắt thủy sản, nhiều mô hình nuôi trồng thủy sản đã hình thành, bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế, tăng thu nhập và tạo việc làm cho người dân địa phương, giúp họ tăng thu nhập, giảm tỷ lệ đói nghèo.

Thuyền đưa du khách trải nghiệm lòng hồ thủy điện sông Nho Quế

Các hợp tác xã đã mạnh dạn đầu tư nuôi cá lồng với các loài thủy sản đặc hữu như cá Dầm xanh, Anh vũ, Lăng, Trắm, Chép…mang lại nguồn lợi lớn hơn nhiều so với trồng ngô, trồng đậu. Nuôi cá trên lòng hồ thủy điện có những ưu điểm như: nguồn nước luôn lưu thông tạo điều kiện cho cá sinh trưởng mạnh, cá có thể nuôi ở mật độ dày và việc chăm sóc cá khá dễ dàng... Nghề nuôi cá lồng trên lòng hồ ngày một phát triển, hàng năm, cung cấp hàng trăm tấn cá thương phẩm cho thị trường trong và ngoài tỉnh.

Nhằm tiếp sức cho các hợp tác xã nuôi cá lồng, tỉnh Hà Giang đã có kế hoạch Phát triển và nâng cao giá trị sản phẩm cá lồng nuôi trên lòng hồ thủy điện giai đoạn 2020 – 2025. Mục tiêu hỗ trợ cá nhân, hợp tác xã nuôi cá lồng trên lòng hồ thủy điện tham gia liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm; chuyển từ nuôi trồng thủy sản thông thường, manh mún, nhỏ lẻ sang thâm canh quy mô lớn, tập trung, áp dụng theo tiêu chuẩn VietGAP, đảm bảo môi trường gắn với phát triển du lịch lòng hồ thủy điện.

Song song với phát triển chăn nuôi trên lòng hồ thủy điện, người dân nơi đây còn phát huy hiệu quả thế mạnh về du lịch gắn với bảo vệ dòng sông Nho Quế. Để phục vụ nhu cầu trải nghiệm, khám phá của du khách và được sự giúp đỡ của chính quyền, nhiều người dân địa phương đã đầu tư mua sắm thuyền, thành lập các hợp tác xã về du lịch để phục vụ du khách.

Có mặt tại khu vực lòng hồ thủy điện Nho Quế vào một ngày nghỉ cuối tuần gần đây, chúng tôi được chứng kiến cảnh tấp nập của từng đoàn thuyền đưa khách đi tham quan khu vực lòng hồ thủy điện. Trước khi lên thuyền đi tham quan các địa điểm, du khách được các chủ thuyền nhắc nhở mặc áo phao đầy đủ, lực lượng chức năng đảm bảo an toàn trên lòng hồ có mặt thường xuyên để sẵn sàng hỗ trợ du khách. Giá dịch vụ được niêm yết công khai, ngăn chặn các hành vi “chặt chém” du khách.

Chị Nguyễn Thị Oanh ở quận Hải Châu (Đà Nẵng) không không giấu nổi bất ngờ, thú vị bởi cảnh đẹp kỳ vĩ nơi đây. Chị Oanh cho biết, đoàn chị gồm 15 người, tất cả đã được nghe, xem về cảnh đẹp của Cao nguyên đá, của đèo Mã Pí Lèng, của sông Nho Quế trên báo chí, truyền hình và từ lời kể lại của các đồng nghiệp từng lên Hà Giang. Nhưng khi tận mắt chứng kiến, tự trải nghiệm thì nó lại cảm xúc khó có thể diễn tả bằng lời. Chắc chắn chị và các bạn đồng nghiệp sẽ có dịp quay trở lại nơi tuyệt đẹp này.

Xác định phát triển du lịch là một trong những hướng đi mang tính “mũi nhọn”, nhằm khai thác lợi thế, nâng cao đời sống người dân, chính quyền huyện Mèo Vạc thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ thúc đẩy phát triển ngành “công nghiệp không khói”.

Tháng 10 vừa qua, nằm trong chuỗi các hoạt động của Lễ hội Tam Giác Mạch tỉnh Hà Giang năm 2020, UBND huyện Mèo Vạc tổ chức Lễ hội chèo thuyền Sup và Kayak chinh phục hẻm Tu Sản – Mã Pí Lèng. Tại giải đua lần này, ngoài sự tham gia của đội đua đến từ các cơ quan, đơn vị các xã trên địa bàn còn quy tụ các đội đua, các vận động viên đến từ các Câu lạc bộ Kayak chuyên nghiệp toàn quốc. Thông qua hoạt động này, nhằm giới thiệu tiềm năng, thế mạnh du lịch lòng hồ thủy điện đến đông đảo người dân và du khách thập phương, tạo điểm nhấn để thúc đẩy phát triển du lịch.

Để du lịch lòng hồ thủy điện Nho Quế phát triển, xứng tầm di tích quốc gia, tỉnh Hà Giang nói chung và huyện Mèo Vạc, Đồng Văn nói riêng cần mạnh xã hội hóa kinh tế du lịch, hoàn thiện xây dựng cơ sở hạ tầng. Tăng cường liên kết, hợp tác phát triển các tour, tuyến du lịch trong và ngoài tỉnh, đẩy mạnh các hoạch động quảng bá, giới thiệu, thu hút khách tham quan, các nhà đầu tư. Tăng cường đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ cho đội ngũ các hướng dẫn viên du lịch, đa dạng hóa các loại hình cũng như dịch vụ du lịch. Đặc biệt, cần phải có chiến lược kết hợp bảo tồn và phát huy các giá trị di tích, di sản gắn với phát triển du lịch bền vững.

Lê Hoàn

Nguồn Văn Hiến: http://vanhien.vn/news/ha-giang-song-nho-que-mua-biec-xanh-81482