Hà Giang thí điểm hợp nhất một số cơ quan, đơn vị

Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Hà Giang lần thứ 21 (khóa XVI) diễn ra ngày 21/9 đã biểu quyết thông qua Nghị quyết thí điểm thực hiện hợp nhất các cơ quan chuyên trách, tham mưu giúp việc của Tỉnh ủy với các cơ quan chuyên môn trực thuộc UBND tỉnh, hợp nhất Đảng bộ Khối Cơ quan tỉnh với Đảng bộ Khối Doanh nghiệp tỉnh.

Giảm 3 đầu mối cơ quan cấp tỉnh

Tại Hội nghị, các đại biểu đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về thực hiện thí điểm các đề án hợp nhất Đảng bộ Khối doanh nghiệp tỉnh với Đảng bộ Khối cơ quan tỉnh thành Đảng bộ Khối cơ quan – doanh nghiệp tỉnh; hợp nhất Sở Nội vụ với Ban Tổ chức Tỉnh ủy thành Ban Tổ chức – Nội vụ tỉnh; hợp nhất Thanh tra tỉnh với cơ quan Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy thành Cơ quan Ủy ban Kiểm tra – Thanh tra tỉnh.

Như vậy, với việc hợp nhất này, Hà Giang giảm 3 đầu mối cơ quan cấp tỉnh; giảm 18 đơn vị cấp phòng; giảm 8 biên chế; giảm 6 chức danh lãnh đạo cấp tỉnh.

Đại biểu biểu quyết thông qua Nghị quyết - Ảnh: Phi Anh

Cụ thể, khi chưa hợp nhất Sở Nội vụ với Ban Tổ chức Tỉnh ủy, Ban Tổ chức Tỉnh ủy có 1 trưởng ban và 2 phó ban; có 6 phòng, đơn vị với biên chế là 42 người. Sở Nội vụ có 1 giám đốc và 2 phó giám đốc; có 6 phòng đơn vị chức năng, 2 ban, 1 chi cục với tổng biên chế là 80 công chức, viên chức, người lao động.

Sau hợp nhất, tỉnh chuyển giao nguyên trạng 18 biên chế của Chi cục Văn thư lưu trữ; 16 biên chế của Ban Thi đua khen thưởng về Văn phòng UBND tỉnh; 11 biên chế của Ban Tôn giáo về Ban Dân tộc tỉnh; 12 biên chế của Phòng Khám quản lý sức khỏe cán bộ về Sở Y tế.

Ban Tổ chức - Nội vụ sau hợp nhất có 6 phòng chuyên môn, giảm 9 phòng. Biên chế còn 70 người gồm 6 lãnh đạo ban (1 trưởng và 5 phó) cùng 64 cán bộ, công chức, viên chức, hợp đồng.

Với việc hợp nhất Thanh tra tỉnh với cơ quan Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy thành cơ quan Ủy ban Kiểm tra - Thanh tra tỉnh, khi chưa hợp nhất, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy có 1 chủ nhiệm và 3 phó; có văn phòng và 4 phòng nghiệp vụ với tổng biên chế 31 người. Còn Thanh tra tỉnh có 1 chánh thanh tra và 3 phó chánh thanh tra; có văn phòng và 5 phòng nghiệp vụ với tổng biên chế 31 người.

Sau khi hợp nhất, cơ quan này có 6 phòng trực thuộc (giảm 5 phòng so với trước) với tổng biên chế 61 người với 6 lãnh đạo gồm chủ nhiệm và 5 phó chủ nhiệm (giảm 2 lãnh đạo). Số lượng lãnh đạo các phòng sau hợp nhất không vượt quá số lãnh đạo cấp phòng của hai cơ quan trước khi hợp nhất.

Với Đảng bộ Khối doanh nghiệp tỉnh và Đảng bộ Khối cơ quan tỉnh hợp nhất thành Đảng bộ Khối cơ quan – doanh nghiệp tỉnh, sau hợp nhất còn 4 ban, đơn vị (giảm 4 đơn vị, 8 trưởng, phó văn phòng, ban chuyên môn giúp việc…), biên chế còn lại 30 người, trong đó có 4 lãnh đạo gồm bí thư và 3 phó bí thư.

Theo Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Nguyễn Trung Tài, bộ máy và biên chế được sắp xếp tinh gọn nhưng vẫn đảm bảo hoạt động hiệu lực, hiệu quả, góp phần thực hiện tốt cải cách hành chính và chế độ công vụ, đồng thời, giảm bớt gánh nặng cho ngân sách Nhà nước.

Tuy nhiên, khó khăn nhất hiện nay là sắp xếp lại cán bộ sau hợp nhất. Để giải quyết, theo lộ trình, tỉnh đang tiến hành sắp xếp khung cấp phó theo quy định; hạn chế sự chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ trong thi hành các nhiệm vụ.

Đã giảm được 26 đầu mối cấp phòng và tương đương

Trước đó, thực hiện Nghị quyết 18-NQ/TW, Nghị quyết 19-NQ/TW Hội nghị Trung ương 6 khóa XII, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hà Giang đã xây dựng Đề án ‘’Thực hiện hợp nhất một số cơ quan cấp tỉnh và cấp huyện tương đồng về chức năng, nhiệm vụ theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XII của Đảng”.

Theo thẩm quyền, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã chỉ đạo triển khai 8 mô hình tổ chức bộ máy gồm: Nhất thể hóa Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy và Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh; Thí điểm tổ chức lại Trạm Khuyến nông cấp huyện thành Trung tâm Dịch vụ và chuyển giao khoa học, kỹ thuật về nông, lâm nghiệp huyện và ủy quyền cho UBND huyện quản lý Trạm Thú y, Trạm Bảo vệ thực vật; Nhất thể hóa các chức danh đối với những người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn và thôn, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh; Sáp nhập các Trung tâm dạy nghề của Hội Phụ nữ, Hội Nông dân tỉnh, thành phố Hà Giang vào Trường cao đẳng nghề tỉnh; Sáp nhập Trung tâm hướng nghiệp dạy nghề tỉnh với Trung tâm giáo dục thường xuyên thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo; Hợp nhất Trung tâm văn hóa, thể thao và du lịch với Đài Truyền thanh – Truyền hình cấp huyện; Hợp nhất Trung tâm giáo dục thường xuyên với Trung tâm dạy nghề cấp huyện; Sáp nhập Đội dịch vụ công cộng và môi trường với Trung tâm cấp thoát nước cấp huyện, thực hiện thí điểm ở huyện Vị Xuyên.

Với việc thực hiện các mô hình này, theo đồng chí Nguyễn Trung Tài, toàn tỉnh Hà Giang đã giảm được 26 đầu mối cấp phòng và tương đương trực thuộc huyện, thành phố và các đơn vị cấp tỉnh; giảm 33 chức danh cấp trưởng.

Mới đây, Hà Giang cũng là một trong 10 địa phương mới đây được Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí với việc thực hiện thí điểm hợp nhất Văn phòng đoàn đại biểu Quốc hội, Văn phòng HĐNĐ và Văn phòng UBND tỉnh kể từ ngày 1/1/2019 đến ngày 31/12/2019.

Tổ chức bộ máy cơ quan Đảng, chính quyền và các đoàn thể chính trị - xã hội cấp tỉnh ở Hà Giang gồm 72 đơn vị trong đó có 37 cơ quan chuyên môn, 9 đơn vị sự nghiệp công lập, 26 hội cấp tỉnh (13 hội đặc thù); cấp huyện có 952 phòng, ban chuyên môn đơn vị sự nghiệp; cấp xã có 195 xã, phường, thị trấn và 2.069 thôn, tổ dân phố./.

Nguồn Bộ Nội Vụ: https://moha.gov.vn/tin-tuc-su-kien/diem-tin/ha-giang-thi-diem-hop-nhat-mot-so-co-quan-don-vi-39731.html