Hà Giang từ 'Bất ngờ' đến 'Bất bình'

Cả nước bất ngờ khi điểm thi của một tỉnh miền núi cao bất thường, số thí sinh đạt điểm cao chiếm gần 50% số thi sinh đạt điểm cao trên cả nước. Càng bất ngờ hơn vì điểm đó không phải là điểm thật của thí sinh mà là do một cán bộ của Sở Giáo dục đã làm.

Và dư luận “bất bình” vì kiểu nâng điểm “không trong sáng này” đã làm mất công bằng đối với các em học sinh.

Hà Giang nhắn tin thôi cũng nâng được điểm?!

Sức nóng của kỳ thi THPT Quốc gia năm 2018 chưa dịu lại khi một số giáo sư “cũng phải khóc” vì cho rằng không thể giải nổi đề thi môn toán trong thời gian 90 phút.

Nhưng khi công bố kết quả điểm thi thì cũng đã xuất hiện một số em ở Phú Thọ, TP Hồ Chí Minh đạt điểm 10 môn toán tại kỳ thi này, mặc dù điểm thi THPT Quốc gia năm nay cũng thấp hơn so với năm 2017.

Theo TS. Sái Công Hồng, Cục phó Quản lý chất lượng (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho biết, kiến thức trong kỳ thi THPT Quốc gia năm nay đều nằm trong sách giáo khoa của lớp 11 và lớp 12 trong đó có 60% là kiến thức cơ bản và 40% là kiến thức nâng cao. Kiến thức nằm trong đề thi thuộc chương trình lớp 11 chiếm 20%, còn lại 80% là kiến thức thuộc chương trình lớp 12.

Điều này chứng tỏ đề thi tốt nghiệp THPT Quốc gia năm nay đã có sự phân hóa rõ rệt, chỉ có những em học thật tốt, nắm thật chắc kiến thức trong suốt quá trình học tập của mình thì sẽ làm được toàn bộ bài thi môn toán, còn lại những em học còn chểnh mảng, lười học thì sẽ có kết quả không cao chỉ đạt trung bình và dưới trung bình.

Ông Vũ Trọng Lương đã nâng điểm cho 114 thí sinh mà chỉ cần nhắn tin là được

Những tưởng rằng dư luận sẽ thôi không bàn tán nữa về kết quả thi THPT quốc gia năm nay, các trường đại học và cao đẳng trên cả nước đang căn cứ vào điểm thi tốt nghiệp THPT của các em để đưa ra điểm chuẩn cho công tác tuyển sinh trường mình, học sinh và gia đình đang chuẩn lựa chọn cho mình những trường đại học, cao đẳng đủ điểm để nộp hồ sơ, thì điều “bất thường” xuất hiện.

Một địa phương miền núi, người dân nơi đây chủ yếu là đồng bào dân tộc sinh sống ở những vùng hết sức khó khăn, ngay cả đến ngày thi THPT Quốc gia còn phải gặp thiên tai lũ lụt, nhiều em có nguy cơ không thể tham gia được kỳ thi Quốc gia này, ấy vậy mà lại có kết quả “cao ngất ngưởng”.

Trong tổng số hơn 925.000 thí sinh cả nước tham gia kỳ thi Quốc gia, Hà Giang chỉ có hơn 5.500 em tham dự. Nhưng kết quả điểm thi THPT quốc gia của học sinh tỉnh này lại cao bất thường, với 36 học sinh ở Hà Giang trên tổng số 76 thí sinh toàn quốc thi khối A đạt 27 điểm trở lên. Thật là một điều “khó tin” khi số thí sinh đạt điểm cao ở đây lại chiếm gần 50% số học sinh đạt điểm cao toàn quốc.

Sự bất thường này được phát hiện từ học sinh và phụ huynh khi thấy những học sinh có điểm cao bất thường đó lại là những học sinh trong quá trình học tập có kết quả không cao, thậm chí còn rất thấp, trong quá trình làm bài thi không làm được bao nhiêu, ấy vậy mà kết quả lại “không tưởng”.

Bộ Giáo dục & Đào tạo và các cơ quan chức năng ngay lập tức đã vào cuộc, một tổ công tác của Bộ do ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Khảo thí, Chất lượng làm trưởng đoàn đã trực tiếp lên Hà Giang để tiến hành xác minh và làm rõ vấn đề “bất thường” tại đây.

Chỉ trong một thời gian rất ngắn, Bộ Giáo dục & Đào tạo cùng các cơ quan quản lý Nhà nước và tỉnh Hà Giang đã tìm được “người coi trời bằng vung” đã qua mặt tất cả các cơ quan để chỉnh sửa và nâng điểm cho 114 thí sinh trên địa bàn từ 1 điểm lên đến 8,9 điểm.

Đó là ông Vũ Trọng Lương, Phó trưởng phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng, Sở Giáo dục & Đào tạo Hà Giang. Từ những tin nhắn của những “người quen” ông Lương đã làm công việc hết sức ”có đạo đức” này.

Hãy trả lại sự công bằng cho tất cả các thí sinh

Sau khi các cơ quan chức năng điều tra và đã tìm ra thủ phạm thay đổi kết quả của 114 thí sinh trên địa bàn tỉnh Hà Giang, tham gia trong ký thi THPT Quốc gia năm 2018, UBND tỉnh Hà Giang đã tổ chức cuộc họp báo.

Tại cuộc họp báo Ông Trần Đức Quý, Phó chủ tịch Hà Giang, cho biết: "Là Trưởng Ban Chỉ đạo thi, tôi xin nhận trách nhiệm. Có những cái chúng tôi không kiểm soát được dù chỉ đạo quyết liệt. Do không có nghiệp vụ, yếu chuyên môn nên đã tạo khe hở. Động cơ của Phó Trưởng phòng Lương là không trong sáng".

Phó Chủ tịch Trần Đức Quý xin nhận trách nhiệm như thế nào đây?

Ông Nguyễn Cao Khương, Phó trưởng phòng 4, A83 Bộ Công an, cho hay, ngày 16/7, Ban rà soát đã làm việc từ 8h tối đến 4h sáng. Theo đó, với gần 10 con người, mới có thể rút bài ra kiểm tra và xác định các đối sánh xem có sự sửa đổi trên bảng chấm gốc không.

“Tôi thấy, nếu việc này chỉ thực hiện một mình thì cực kì khó. Do đó, chúng tôi sẽ phải tiếp tục làm tiếp để xác định xem có hay không có sự tiếp tay của một số trường hợp có liên quan”, ông Khương khẳng định.

Thi tốt nghiệp là một hình thức để đánh giá lại những kiến thức của chính mình đã được học tập, để khẳng định thứ hạng của các thí sinh, là cơ sở để các trường địa học và cao đẳng lựa chọn cho mình những học sinh có trình độ, kiến thức, tư duy tốt để đào tạo nguồn nhân lực cho đất nước, đây cũng là hình thức để lựa chọn nhân tài. Chính vì vậy, ngay từ thời xa xưa khi nước ta giành được nền tự chủ, các vương triều đã đặt việc học vấn và thi cử lên hàng đầu, những trạng nguyên, bbảng nhãn, thám hoa của nước ta đã không làm hổ danh cho Tổ quốc, giang sơn và dòng tộc.

Thi cũng là một hình thức công bằng nhất để các em học sinh học thật, có chí hướng thực sự thành công trên bước đường sự nghiệp của mình, đóng góp và xây dựng Đất nước sau này.

Không biết trong số 114 em học sinh được ông Phó phòng Vũ Trọng Lương ưu ái nâng điểm có quan hệ như thế nào với ông? Có bao nhiêu em trong số này có kết quả học tập tốt trong suốt quá trình học THPT, nhưng chỉ vì sơ suất mà bị điểm kém? Có bao nhiêu em là học sinh dân tộc thiểu số? Có bao nhiêu em là gia đình có hoàn cảnh khó khăn tự mình vươn lên? Và có bao nhiêu em là con ông nọ, cháu bà kia, con của chủ doanh nghiệp, nhà có tiền đã nhắn tin cho ông Lương để ông sửa điểm.

Việc ông Vũ Trọng Lương dám “qua mặt” các cơ quan chức năng để nâng điểm cho 114 em học sinh này cũng đồng nghĩa là ông Lương đã tước đi quyền được vào các trường đại học, cao đẳng của 114 mà điểm thật cao hơn những học sinh được ông Lương sửa điểm, 114 em sẽ đi về đâu?

Dư luận xã hội, học sinh và phụ huynh học sinh không chỉ trên tỉnh Hà Giang mà trên khắp cả nước từ “bất ngờ” đã chuyển sang “bất bình” với hành vi sai phạm nghiêm trọng này của ông Vũ Trọng Lương, như ông Nguyễn Cao Khương, Phó trưởng phòng 4, A83 Bộ Công an đã nói “Tôi thấy, nếu việc này chỉ thực hiện một mình thì cực kỳ khó”.

Vậy, ai đã đứng đằng sau việc làm này của ông Vũ Trọng Lương?

Tất cả chúng ta cần một câu trả lời chính xác từ các cơ quan chức năng, sớm điều tra, làm rõ và xử lý thật nghiêm minh để lấy lại niềm tin của ngành giáo dục và sự công bằng cho tất cả các em học sinh.

Ngọc Thủy

Nguồn KTNT: https://kinhtenongthon.vn/ha-giang-tu-bat-ngo-den-bat-binh-post20751.html