Hà Giang: Uẩn khúc vụ án buôn bán người trên cột mốc 379?

Liên tục kêu oan và đang nuôi con nhỏ nhưng bị cáo Vàng Thị Dung vẫn bị thi hành án tại trại giam Thanh Xuân.

Văn bản xác nhận Vàng Thị Dung đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi của chính quyền địa phương.

Văn bản xác nhận Vàng Thị Dung đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi của chính quyền địa phương.

Bị ngồi tù khi đang nuôi con 14 tháng tuổi

Ông Tráng Sính Hào - sinh năm 1986, dân tộc Hán, hộ khẩu thường trú thôn Phố Là B, xã Phố Là, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang nhiều năm nay đội đơn đi khắp nơi kêu oan cho vợ là Vàng Tải Dung (Vàng Thị Dung) dân tộc Nùng bị kết án “Mua bán người”.

Nội dung sự việc được trình bày trong bản án hình sự sơ thẩm của Tòa án nhân dân tỉnh Hà Giang: Khoảng đầu tháng 4/2012, Dung đi xe khách từ nhà đến huyện Quản Bạ mục đích để tìm người. Khi xuống xe, tại trung tâm thị trấn Tam Sơn, Dung gặp và hỏi thăm Giàng Thìn Páo – sinh ngày 30/5/1986; sau đó Páo dẫn Dung đi uống nước và làm quen. Khi đang nói chuyện thì có Mai Minh Lâm – sinh ngày 23/3/1989 đi qua do quan từ trước nên Páo giới thiệu Dung là người mới quen và mời Lâm ngồi uống nước.

Trong lúc nói chuyện Dung bảo Páo và Lâm ở đây có đứa nào muốn đi làm thuê không? Páo trả lời không có ai đâu. Sau đó Páo thanh toán tiền nước và bỏ đi chơi chợ còn Lâm và Dung vẫn ngồi nói chuyện.

Tiếp đó Dung nói với Lâm là tìm người đi làm ở Trung Quốc, nếu Lâm muốn đi thì sẽ được làm quản lý nên Lâm đồng ý. Dung và Lâm cho nhau số điện thoại để liên lạc rồi hai người đi về.

Ngay buổi chiều cùng ngày Lâm điện cho Sân Thị Giàng, bảo Giàng đi làm thuê cùng; Giàng đồng ý nên Lâm hẹn trưa hôm sau ở ngã ba đường vào thôn Phín Ủng.

Đến 19 giờ cùng ngày Lâm điện cho Dung nói là không tìm được ai đi đâu, chỉ có anh và người yêu của anh đi làm thôi, Dung đồng ý và hẹn trưa hôm sau đón Lâm tại chợ thị trấn Tam Sơn, huyện Quản Bạ.

Khoảng 12 giờ ngày hôm sau, Lâm và Giàng cùng đi ra thị trấn Tam Sơn, huyện Quản Bạ khi đến cổng chợ thì gặp Dung đang đứng đợi, sau đó cả ba người cùng đón xe khách lên Đồng Văn thuê nhà nghỉ để nghỉ đợi người phụ nữ Trung Quốc.

Tiếp đó, đến 7 giờ sáng hôm sau ở mốc biên giới 379 người phụ nữ Trung Quốc đến nhà nghỉ, tại phòng của Lâm, người phụ nữ trung quốc hỏi giá Lâm nói lấy 7000 NDT đến 8000 NDT nhưng Dung thỏa thuận lấy 5000 NDT (bằng cách giơ bàn tay); cùng thống nhất bán Giàng với giá 5000 NDT. Lâm là người đếm tiền rồi đưa cho Dung 2000 NDT còn Lâm giữ 3000 NDT.

Khi xe ô tô đến đón, Dung nói lừa Giàng là do không có giấy tờ nên phải đi hai xe để tránh Công an Trung Quốc kiểm tra nên Giàng đi trước còn Lâm và Dung đi sau. Giàng bị đưa sâu vào nội địa Trung Quốc và bán cho người đàn ông dân tộc Hán lấy làm vợ, năm 2013 Giàng sinh được một người con trai.

Ngày 8/8/2015, lợi dụng lúc đi làm thuê, Giàng một mình bỏ trốn đến ngày 14/8/2015 Giàng về đến nhà và làm đơn tố cáo hành vi phạm tội của Lâm và Dung.

Tiếp đến, ngày 20/9/2016, Tòa án nhân dân tỉnh Hà Giang đã đưa vụ án ra xét xử và tuyên phạt bị cáo Mai Minh Lâm 5 năm tù và Vàng Thị Dung 6 năm tù. Ngày 29/9/2016 bị cáo Vàng Thị Dung có đơn kháng cáo kêu oan.

Qua tìm hiểu của phóng viên được biết hai vợ chồng Tráng Sính Hào và Vàng Thị Dung kết hôn ngày 14/4/2014 tại xã Phố Là, huyện Đồng Văn, Hà Giang. Trong 4 năm chung sống đã sinh được hai con là Tráng Xuân Trường, SN 15/12/2014 và cháu Tráng Thị Liên, SN 6/8/2016.

Hai bé Tráng Xuân Trường và bé Tráng Thị Liên con Vàng Thị Dung thiếu sự chăm sóc của mẹ.

Nhưng ngày 5/9/2017 Tòa án nhân dân tỉnh Hà Giang đã ra Quyết định thi hành án số 56/QĐ – CA buộc vợ anh Tráng Sinh Hào là chị Vàng Thị Dung thi hành án phạt tù tại trại giam Thanh Xuân – Hà Nội.

Vào thời điểm Tráng Thị Dung phải thi hành án tháng 10/2017 thì con lớn của bị cáo Dung là Tráng Xuân Trường mới được 34 tháng tuổi và con bé là Tráng Thị Liên mới được 18 tháng tuổi.

Theo quy định của Bộ luật hình sự (Điều 61, Bộ luật hình sự 1999 sửa đổi 2009): “Người bị xử phạt tù có thể được hoãn hình phạt trong trường hợp sau: b, Phụ nữ có thai hoặc đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi, thì được hoãn cho đến khi con đủ 36 tháng tuổi”; Công văn 96/2002/KHXX của TAND Tối cao cũng ghi rõ: “Tòa án nên chấp nhận cho người bị kết án phạt tù là phụ nữ đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi được hoãn chấp hành hình phạt tù cho đến khi con họ đủ 36 tháng tuổi , trừ các trường hợp sau đây: a, nếu xét thấy cho họ được hoãn chấp hành hình phạt tù thì họ lại tiếp tục phạm tội; b, họ không có nơi cư trú nhất định; c, họ bị xử phạt tù từ 10 năm trở lên về tội rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng”. Như vậy, đối chiếu với qui định của pháp luật và hướng dẫn của TAND Tối cao thì Vàng Thị Dung hoàn toàn thỏa mãn điều kiện để được hoãn thi hành án.

Nhiều nội dung cần khách quan xem xét

Tại phiên xét xử phúc thẩm của Tòa án nhân dân Cấp cao ở Hà Nội, bị cáo Vàng Thị Dung giữ nguyên kháng cáo và cho rằng bị cáo không có hành vi mua bán người, tòa cấp sơ thẩm quy kết khoảng đầu tháng 4/2012 bị cáo đi xe khách từ nhà đến huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang để tìm người bán sang Trung Quốc là không đúng vì thời gian này bị cáo đi làm ở tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc có các nhân chứng là Sân Thị Vui, Vàng Văn Hồng, Sân Văn Đức… làm chứng cho bị cáo.

Ngày 21/2/2018, nhân chứng Sân Thị Vui, Vàng Văn Hồng, Vàng Văn Phong, Phùng Thị Hồ, Vàng Thìn Sồ, Sân Văn Đức… vẫn xác nhận là từ ngày 24 tháng 1 âm lịch năm 2012 Dung làm thuê cùng Vui ở Quảng Đông (Trung Quốc) đến tháng 5 âm lịch 2012.

Trong đơn gửi đi các cơ quan, anh Tráng Sính Hào chồng của bị cáo Vàng Thị Dung trình bày trình bày sinh ra ở vùng địa đầu tổ quốc, là dân tộc thiểu số nên cuộc sống vô cùng khó khăn, vất vả, nhận thức xã hội còn rất hạn chế; kinh tế gia đình cơ cực và bản thân không có trình độ văn hóa nên rất khó khăn trong giao tiếp và phát triển và kém hiểu biết pháp luật nên Vàng Thị Dung không nhận thức được các lời khai trước đó.

Các văn bản xác nhận của các nhân chứng chứng minh Vàng Thị Dung đang làm việc bên Trung Quốc tại thời điểm xảy ra vụ án.

Trao đổi với Phóng viên Phapluatplus.vn, Luật sư Trọng Thị Thu Hương, Công ty Luật TNHH Hương Việt và Cộng sự - Đoàn Luật sư Hà Nội là người trực tiếp nhận ủy quyền và bảo vệ cho bị cáo Vàng Thị Dung cho biết:

Các cơ quan tiến hành tố tụng trong điều tra, truy tố, xét xử kết tội Vàng Thị Dung phạm tội “Mua bán người” đã vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng; thu thập, sử dụng các chứng cứ làm căn cứ kết tội không tuân thủ theo quy định, không có tính logic, không thỏa mãn những thuộc tính của chứng cứ.

Kết luận trong bản án không phù hợp với những tình tiết khách quan của vụ án. Các văn bản tố tụng như Cáo trạng của Viện kiểm sát Hà Giang, bản án của tòa Hà Giang, bản án của tòa Cấp cao có nhiều điểm mâu thuẫn nhau về cùng một sự việc.

Mặt khác, Vàng Thị Dung là dân tộc thiểu số, lại ở trong hoàn cảnh đặc biệt, không biết tiếng phổ thông và không được hỗ trợ về mặt ngôn ngữ cũng như pháp luật, thuộc đối tượng là nhóm người yếu thế trong xã hội.

Do đó, Vàng Thị Dung bị hạn chế rất nhiều đến việc tự bảo vệ quyền lợi cho mình. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến việc xác định sự thật khách quan của vụ án.

Anh Tráng Sính Hào chồng bị cáo Vàng Thị Dung đề nghị các cơ quan liên quan xem xét văn bản kiến nghị được Giám đốc thẩm vụ án để ra Quyết định giám đốc thẩm hủy hai bản án sơ thẩm và phúc thẩm, xét xử lại theo thủ tục chung theo hướng tuyên Vàng Thị Dung không phạm tội.

Đồng thời trong thời gian xem xét vụ việc, trước khi ra Quyết định Giám đốc thẩm, khẩn thiết đề nghị Quý cơ quan ra quyết định tạm hoãn thi hành án đối với Vàng Thị Dung để bị cáo Dung được tại ngoại nuôi con nhỏ theo quy định của pháp luật.

Hạ Hòa

Nguồn Pháp Luật Plus: http://phapluatplus.vn/ha-giang-uan-khuc-vu-an-buon-ban-nguoi-tren-cot-moc-379-d77997.html