Hà Huy Thanh bước qua tổn thương bằng 'văn hóa tình thương'

Tiếp sau 'Tình thương', ở cuốn sách tiếp nối vừa ra mắt - 'Việt Nam quốc gia của tình thương' do NXB Thanh Niên vừa được phát hành, tác giả Hà Huy Thanh mạnh dạn khẳng định về một giải pháp cho nhiều bi kịch hiện tại, đó là dựa trên ánh sáng của 'văn hóa tình thương'.

Gieo mầm tình thương

"Tình thương" – chủ đề này khá quen thuộc trong văn hóa Việt Nam. Trong mấy nghìn năm dựng nước và giữ nước, làm sao dân tộc chúng ta có thể còn tồn tại vững mạnh được đến thời điểm này, nếu không có thứ tình cảm đẹp đẽ kia, khi người không đùm bọc người, trong những cơn bĩ cực từ thuở khai thiên lập địa cho đến hiện tại.

2 tác phẩm của tác giả Hà Huy Thanh. Ảnh: NVCC.

2 tác phẩm của tác giả Hà Huy Thanh. Ảnh: NVCC.

"Mỗi chúng ta mang trong tâm thức mình một hạt mầm tình thương, chỉ cần chúng ta đủ tĩnh lặng nội tâm để nghĩ về nó, quan tâm đến nó và tạo môi trường cho nó phát triển thì hạt mầm này sẽ lớn lên", Hà Huy Thanh viết.

Tác giả Hà Huy Thanh cũng đề cập đến khá nhiều vấn đề trong quyển sách mới nhất của mình và anh tin rằng, "với ánh sáng của văn hóa tình thương, chúng ta có một sự lựa chọn cao thượng, hiệu quả, năng suất và bền vững hơn rất nhiều những giải pháp mà nhân loại đã lựa chọn và đi qua".

Trở thành “sứ giả tình thương”

Trong quyển sách khổ nhỏ "Việt Nam quốc gia của tình thương", Hà Huy Thanh đã rất chăm chỉ đề cập đến rất nhiều người, từ những nhân vật tôn giáo như đức Phật, rồi các vị lãnh tụ như Hồ Chí Minh, Võ Nguyên Giáp, Fidel Castro, cho đến những nghệ sĩ hay cả những con người rất đỗi bình thường. Tất cả các dẫn chứng đó là để khiến chúng ta hiểu rõ hơn các khía cạnh xung quanh hai chữ "tình thương".

Tác giả Hà Huy Thanh.

Trên những trang viết của quyển sách thứ hai về cùng chủ đề tình thương, Hà Huy Thanh cho thấy một tình cảm rất sâu đậm với quê hương mình. Anh gọi Việt Nam là quốc gia của tình thương. Đó là một lời lẽ tôn vinh và rất kính trọng đến rất nhiều những tiền nhân đi trước đã đổ xương máu để có được đất nước hôm nay. Khi hiểu được mình đang ở đâu trong một chuỗi các mắt xích của lịch sự, hiện tại và tương lai, người ta sẽ không khỏi cảm thấy biết ơn và thấy may mắn về những gì đang có.

"Tôi nghĩ khi gọi Việt Nam là xứ sở của tình thương, bên cạnh sự biết ơn, đó còn là một mong ước và hy vọng về một hướng đi mới cho đất nước để thoát khỏi cõi trầm luân, để mỗi người dân chạm đến giác ngộ và hạnh phúc. Bởi chúng ta cần những người biết thấu hiểu, chia sẻ và tìm ra các giải pháp để giúp đỡ cộng đồng. Đó là cách để chúng ta trở thành một “sứ giả của Tình thương" - tác giả nói.

"Là sứ giả của Tình thương, bạn không nhìn cuộc đời bằng con mắt phán xét, đối nghịch và hận thù mà bạn xem vấn đề của xã hội có phần trách nhiệm của mình, và có một khát vọng thấu hiểu vấn đề cũng như nguyên nhân sinh ra nó để có thể thích nghi và hóa giải vấn đề bằng một ý niệm tốt đẹp trong tâm thức bạn", tác giả sinh năm 1982 nhấn mạnh.

Hưng Trần

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/van-hoa/ha-huy-thanh-buoc-qua-ton-thuong-bang-van-hoa-tinh-thuong-655366.ldo