Hà Lan: Vì mong manh nên “dễ vỡ”

Cơ hội đi tiếp của Hà Lan vấn còn ở lượt trận cuối cùng đêm nay nhưng cơ hội ấy là rất mong manh, đơn giản bởi vì Hà Lan chưa bao giờ thôi “mong manh” trong bản chất của họ.

-

Báo chí mải cãi nhau xem tại sao người Hà Lan lại chơi như mất hồn trong trận đấu với Đức. Bạc nhược là từ chính xác nhất để mô tả. Tội lỗi được đổ hết lên đầu HLV Van Marwijk cho tới những siêu sao.

Sự việc không hoàn toàn như thế. Bóng đá là một trò chơi tập thể. Sự bạc nhược và rời rạc của Hà Lan trong cả hai trận vừa qua nên được nhìn nhận theo một cách khác, trên khía cạnh tập thể. Từ góc nhìn này, cả hai thất bại đều có thể được cắt nghĩa.

Hãy bắt đầu từ một người chẳng liên quan gì đến chuyện này, ngôi sao tiền đạo một thời của Hà Lan Dennis Bergkamp. Anh đi trên một chuyến bay và có người dọa đánh bom. Bergkamp hoảng hốt và từ đó trở đi, anh không bao giờ dám leo lên một cái máy bay nào nữa. Bao nhiêu nhà tâm lý đã được cử đến, anh vẫn “sợ bay”.

Bergkamp là một trong những cầu thủ tinh tế và thông minh bậc nhất mà lịch sử bóng đá từng sản sinh ra. Chỉ có điều, đội trưởng một thời của Hà Lan không giành được danh hiệu nào đáng kể với đội tuyển quốc gia trong sự nghiệp của mình. Thành công và chiến thắng đòi hỏi những gã thợ cày dũng cảm biết chiến đấu, anh không có bản lĩnh ấy, anh tài năng nhưng anh mong manh về mặt tinh thần. Sợ bay chỉ là một biểu hiện rõ rệt của sự mong manh đó.

Chỉ vì lời đe dọa mà Dennis Bergkamp đã không dám đi máy bay

Xét theo khía cạnh này thì Bergkamp với nhiều cầu thủ Hà Lan khác là một. Đẹp và mong manh. Van Persie được coi là truyền nhân của Bergkamp, mong manh tới mức trong một ngày tâm lý kém anh chơi như nghiệp dư. Robben vừa đỏng đảnh vừa mong manh, anh hờn dỗi khi phải ra sân sớm và đá cá nhân như đứa trẻ con hiếu thắng. Sneijder thì sao, anh khóc nhè sau trận với Đức, không ai công nhận anh là thủ lĩnh tinh thần xốc cả đội hình lên cả. Van de Vaart nói quá nhiều, chưa đá đã chê bai cả đội Đức, điều đó chỉ chứng tỏ anh thiếu tự tin và mong manh.

Mỗi cá nhân mong manh hợp thành một tập thể mong manh, hơn thế, cái sự mong manh của Hà Lan nó là một thứ tâm lý của dân tộc. Người Đức nổi tiếng vì ý chí nên được gọi là cỗ xe tăng, họ rất thường vùng lên gỡ hòa và thắng ngược khi đã bị dẫn bàn. Không ai quật ngã được họ. Người Hà Lan thì ngược lại, họ mong manh như hoa tuylip. Cứ nhìn lại lịch sử Euro, World Cup mà xem, họ chẳng mấy khi quật khởi sau khi bị dẫn. Gặp thách thức, cái tâm lý mong manh yếu đuối ấy nó lại thể hiện.

Hai trận vừa qua là một điển hình, Hà Lan đều bị dẫn trước và sau đó thì họ như vữa ra, không còn ai tin nổi dàn siêu sao lại chơi bóng như những học sinh trung học. Bàn thắng của Van Persie trong trận vừa qua chỉ là một pha lóe sáng trong sự mong manh.

Cũng chính mong manh mà hàng thủ của Hà Lan dễ vỡ. Không phải giải này mới vỡ mà Hà Lan luôn như thế, chưa bao giờ Hà Lan được coi là đội bóng mạnh về phòng thủ. Muốn phòng thủ tốt phải có những hậu vệ mang tinh thần chiến đấu. Trừ trường hợp Jaap Stam, Hà Lan thiếu vắng những con người như vậy.

Mong manh về tinh thần nên dẫn tới một thực tế: khi lên cơn thi hứng thì Hà Lan đá như gió lốc. Họ bay trên sân chứ chẳng phải đá nên được gọi là những người Hà Lan bay. Rinus Michael khi được hỏi tinh thần của bóng đá tổng lực Hà Lan là gì, ông nói gọn lỏn: “Tốc độ là nữ hoàng của trận đấu.”

Hà Lan bây giờ mong manh và dễ vỡ

Thế mà, khi tinh thần xìu xuống vì bị dẫn như hai trận vừa qua, Hà Lan chơi bóng với một tốc độ chậm như sên. Các ngôi sao lê bước thay vì bay trên mặt cỏ như thường lệ. Bệnh “sợ bay” ấy xuất phát từ sự mong manh mà chính HLV Van Marwijk đã gọi hẳn ra bằng cái tên “thiếu can đảm” sau trận đấu với Đức.

Sự thể hiện của Hà Lan trong hai trận vừa qua làm người hâm mộ nhớ tối cú song phi của De Jong trong trận chung kết World Cup năm 2010. Đó là một trong số rất ít vòng chung kết người ta thấy Hà Lan mạnh mẽ và can đảm về tinh thần. Cú song phi là một hình ảnh mang tính biểu tượng, người Hà Lan tìm lại tinh thần dũng mạnh ấy, mọi kết quả đã khác.

Có thể, nếu hai trận vừa qua ở vòng bảng, Van Persie chẳng may lại ghi một bàn thắng trước thì kết cục cũng đã khác, sẽ đặc biệt khác với một đội bóng “yếu bóng vía” như Hà Lan. Ở Hà Lan, chỉ có hai thái cực, một là họ đá bóng, hai là họ “bị” đá bóng. Tất cả tùy thuộc vào não trạng tinh thần theo từng trận đấu.

Trận đấu cuối vòng bảng với Bồ Đào Nha cũng có thể sẽ đi theo kịch bản ấy. Nếu Hà Lan có bàn trước, mặc cảm “sợ bay” bị xóa bỏ, họ sẽ vùi dập đối thủ. Ngược bằng không, họ sẽ bị CR7 và đồng đội vùi dập. Hà Lan là như thế, ít khi khác hơn.

Có nhà bình luận đã gọi lối chơi bay bổng mong manh của Hà Lan bằng cách nhại theo tên cuốn tiểu thuyết nổi tiếng của Milan Kundera “Đội da cam nhẹ khôn kham”. Sự nhẹ bẫng mong manh ấy mang lại vẻ đẹp, nó khơi gợi cảm xúc và sự thăng hoa.

Chỉ có điều, chẳng riêng gì trong bóng đá, mong manh không mấy khi làm nên chiến thắng trong mọi lĩnh vực. Chiến thắng cần sự quyết liệt chiến đấu một cách thực dụng trên mặt đất, thay vì bay lên một cách chới với rồi lại rơi xuống như đội Hà Lan.

Khánh Duy

Nguồn VietnamNet: http://thethao.vietnamnet.vn/vn/euro/goc-nhin/15021/ha-lan--vi-mong-manh-nen--de-vo-.html