Hà Minh Đức - Người suốt đời 'đi tìm cái đẹp trong nghệ thuật'

Hồi ký của Giáo sư Hà Minh Đức cũng hơi đặc biệt. Ông chia hồi ký theo từng mốc công việc trong cuộc đời.

Nhà giáo nhân dân, Giáo sư Hà Minh Đức vừa có cuốn hồi ký về cuộc đời mình. Bìa cuốn sách (do Nhà xuất bản Văn học ấn hành) trình bày trang nhã và những câu chữ trên đó như sợi chỉ đỏ xuyên suốt cuộc đời nghiên cứu văn học và giảng dạy văn chương của ông: "Hà Minh Đức: Đi tìm cái đẹp trong nghệ thuật".

Giáo sư Hà Minh Đức sinh ngày 3/5/1935 tại một vùng quê ven sông Mã: xã Vĩnh An, huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa. Xa quê từ tháng 10/1954, ông đã viết nhiều về quê hương của mình, về các bậc sinh thành, về họ hàng làng xóm. Có nhiều chuyện hay, nhiều chi tiết hấp dẫn về phong tục tập quán về làng quê ông, nơi “một tiếng gà gáy sáu huyện cùng nghe”.

Những người đã gặp ông từ thưở thanh xuân cho đến hôm nay, chắc không nghĩ rằng một người có khuôn mặt trắng trẻo, lúc nào cũng có vẻ nhàn nhã, từng là một tay cày giỏi. Ông kể: “Ở vào tuổi 17, 18 tôi lao động khá giỏi. Tôi cày luống thẳng, bừa gọn và cuốc bờ, cuốc góc vuông vắn nhìn cũng ưa mắt. Trên đường thường có lão nông đi qua đứng nhìn một lúc rồi tấm tắc khen. Cụ cố nhắc bảo: “Anh làm gọn, theo được nghề nông”.

Nhưng nếp nhà và định mệnh đã đưa chàng thanh niên ấy ra Hà Nội học và từ năm 1957 bắt đầu giảng dạy tại khoa Văn Đại học Tổng hợp Hà Nội, trở thành nhà nghiên cứu văn học có uy tín, Viện trưởng Viện Văn học, chủ nhiệm đầu tiên của khoa Báo chí trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn – Đại học quốc gia Hà Nội. Cũng bắt đầu từ năm 1957, chàng trai trẻ xứ Thanh đi vào con đường “tìm cái đẹp trong nghệ thuật” và truyền cảm hứng từ cái đẹp mà mình thu nhận được cho các thế hệ sinh viên.

Hồi ký của Giáo sư Hà Minh Đức cũng hơi đặc biệt. Ông chia hồi ký theo từng mốc công việc trong cuộc đời. Ví dụ như chương IV: Tôi về Viện Văn học. Chương V: Những chuyến đi nước ngoài. Chương VI: Ở Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương… Vẫn một lối nói nhẩn nha, giản dị, có trước có sau, ý tứ mạch lạc. Có khi đang kể chuyện ngày xưa, ông bắt ngay vào chuyện hôm nay để người đọc có thể biết thêm chi tiết “đời sau” của câu chuyện. Rất tiếc là không thể nêu chi tiết những chuyện ông kể, mà hôm nay, người đọc khó hình dung được, như chuyện ông đi bộ từ Thanh Hóa ra Hà Nội như thế nào, chuyện ông và nhà giáo Bùi Văn Nguyên (Đại học Sư phạm Hà Nội) cùng chịu cảnh ở chung trong một ngôi nhà có nhiều hộ tá túc trên phố Hàng Ngang. Và hai ông viết chung cuốn “Thơ ca Việt Nam, hình thức và thể loại” (in lần đầu năm 1968) ra sao. Cũng như không khí học thuật trong trường Đại học Tổng hợp Hà Nội những năm đầu thành lập, nơi sinh viên Hà Minh Đức làm chủ bút một tờ báo sinh viên…

Đọc hồi ký của Giáo sư Hà Minh Đức, chúng ta biết được cái thời “nở hoa” của các công trình nghiên cứu và giảng dạy của thầy và trò khoa Ngữ văn Đại học Tổng hợp từ nơi sơ tán ở Đại Từ Thái Nguyên. Biết được sinh hoạt học thuật của Viện văn học, biết đến Hội nhà văn với những tên tuổi lớn như Nguyễn Đình Thi, Nguyễn Tuân, Tô Hoài, Xuân Diệu, Huy Cận, Chế Lan Viên… Biết được vì yêu cầu giảng dạy cho sinh viên mà nhà giáo Hà Minh Đức đi sâu tìm hiểu các nhà kinh điển của chủ nghĩa cộng sản: Các Mác, Ăng-ghen, Lê-nin, nghiên cứu về Chủ tịch Hồ Chí Minh để rồi sau này lần lượt có những cuốn sách được đánh giá cao về Chủ tịch Hồ Chí Minh, về Mác-Ăngghen- Lênin với văn học nghệ thuật, với báo chí…

Ở khoa Ngữ Văn, Giáo sư Hà Minh Đức làm chủ nhiệm lớp khóa 8. Những trang viết của ông về lứa sinh viên khóa 8 và các buổi gặp mặt của khóa thật đằm thắm. Và theo thiển ý của tôi, là những trang tươi vui nhất. Đằm thắm tình bạn, tình thầy trò, tình đồng chí. Là một người Thầy, trong các buổi gặp mặt, khi được hỏi, Giáo sư Hà Minh Đức đã không ngại nói ra những điều chưa được của hệ thống giáo dục Việt Nam hiện tại, những bất cập trong việc đào tạo sau đại học. Những nhận xét của ông về hoạt động của một số Hội đồng khoa học, nhẹ nhàng nhưng rất đáng suy xét. Ở chương sau, ông tổng kết: Hết một đời người tôi vẫn yêu nghề, một nghề nhọc nhằn nhưng nhân hậu và ít phải hối hận về mình.

Tác giả và GS Hà Minh Đức.

Tác giả và GS Hà Minh Đức.

Hai mươi hai tuổi tốt nghiệp đại học và được giữ lại làm cán bộ giảng dạy khoa Văn Đại học Tổng hợp Hà Nội, nhà giáo trẻ Hà Minh Đức dưới sự kèm cặp nghiêm khắc của Giáo sư Đặng Thai Mai đã đi những bước đi đầu tiên trên bước đường nghiên cứu. Cũng là duyên may, ông được làm quen với hầu hết những nhà thơ, nhà văn nổi tiếng ở Việt Nam giai đoạn trước và sau tháng 8/1945. Xuân Diệu, Huy Cận, Chế Lan Viên, Anh Thơ, Nguyễn Tuân, Tế Hanh, Nguyễn Đình Thi, Tố Hữu…

Trong những buổi trò chuyện, ông ghi chép rất cẩn thận, trung thực và có lẽ nhờ tác phong làm việc cần mẫn, trước sau như một mà ông có được lòng tin của người đối thoại, trở thành bạn của họ. Những trang viết về các nhà văn hiện đại Việt Nam lần lượt được công bố và được sự đón nhân vui của những người mà ông giới thiệu. Cách sắp xếp tài liệu, sắp xếp chủ đề nghiên cứu mang tính hệ thống của ông đã cho phép ông, ở lứa tuổi U 80, lần lượt công bố và xuất bản thành sách về một loạt các nhà văn nhà thơ Việt Nam nổi tiếng.

Đó là những cuốn “Nguyễn Bính –Thi sĩ của đồng quê”;”Nam Cao-Đời văn và tác phẩm”;”Tố Hữu-cách mạng và thơ”;”Tô Hoài-Đời văn và tác phẩm”; “Xuân Diệu-Vây giữa tình yêu”; “Huy Cận-Ngọn lửa thiêng không tắt”; “Chế Lan Viên - người trồng hoa trên đá”; “Nguyễn Đình Thi – Chim phượng bay về núi”; “Nữ sĩ Anh Thơ – Mùa hoa đồng nội”; “ Tế Hanh – Mãi mãi hoa niên”; “Lưu Trọng Lư – Tình đời và mộng đẹp”…

Trong cuốn hồi ký, chương VII “Những cuốn sách ở tuổi bảy mươi” là một dịp để ông tri ân những người bạn văn đã tin cậy và gửi trọn tâm sự với ông. Nhà thơ Vũ Duy Thông đã viết về mối quan hệ của Giáo sư Hà Minh Đức với nhà thơ Tố Hữu: “ Vì những lời khen khá nồng nhiệt với Tố Hữu, có người gán cho Hà Minh Đức nhiều điều có phần nặng nề. Nhưng cũng ngay từ ngày ấy, bên cạnh nhiều lời khen, Hà Minh Đức vẫn viết những dòng chê, tuy không gây sốc cho người đọc. Đến nay khi Tố Hữu đã khuất bóng và ai đó đã “quay mặt” với thơ ông như thể phải như thế mới “ hợp thời” thì Hà Minh Đức vẫn thủng thẳng chừng mực bình phẩm thơ Tố Hữu, cả phần tốt với lẫn những chỗ chưa tới…Như thế là có bản lĩnh tuy không phải lúc nào cũng dễ nhận ra…”.

Ở tuổi 70, Giáo sư Hà Minh Đức vẫn tiếp tục công việc nghiên cứu, khai thác vốn tư liệu, những ghi chép khi được gần gũi, thân cận với nhiều nhà thơ nhà văn nổi tiêng. Công sức ông bỏ ra kết tinh trong cuốn sách lớn “Một thế hệ vàng trong thơ Việt Nam hiện đại” giúp cho trong văn học sử Việt Nam giai đoạn này bớt đi những khoảng trống.

Giáo sư Hà Minh Đức hiện sống cùng người vợ hiền – cô sinh viên khoa Văn Đại học Sư phạm Hà Nội ngày nào, cùng gia đình cô con gái ở thôn Mạch Tràng xã Cổ Loa huyện Đông Anh Hà Nội. Ông giáo già đã góp sức đào tạo hàng nghìn chiến sĩ trên mặt trận văn hóa văn nghệ, cũng như nhiều người lính cầm súng chiến đấu trên các mặt trận trong Nam ngoài Bắc, trên các chiến trường Lào, Campuchia, là thầy giáo của người lãnh đạo cao nhất của Đảng và Nhà nước ta hiện nay, trong hiểu biết của bà con lối xóm, là một ông già hiền lành , mắt tuy kém nhưng thỉnh thoảng vẫn ra thăm chợ quê, trò chuyên với mọi ngườ lịch thiệp nhưng không kém phần hóm hỉnh.

Kẻ học trò của ông xin chép ra những dòng cảm xúc khi được đọc cuốn hồi ký của Thầy: Giáo sư Hà Minh Đức .Và nghĩ rằng bạn đọc nào cầm trên tay cuốn sách này, xin hãy đọc hết và đọc kỹ. Đây là cuộc đời của một người mà nhiều người có thể noi theo./.

Thanh Vũ/VOV.VN

Nguồn VOV: https://vov.vn/van-hoa-giai-tri/ha-minh-duc-nguoi-suot-doi-di-tim-cai-dep-trong-nghe-thuat-1020475.vov