Hà Nam: 17 xã đăng ký đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao năm 2023

Hà Nam là địa phương thứ 4 của cả nước hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới (NTM). Thời gian qua, tỉnh tiếp tục thực hiện nhiều mục tiêu quan trọng và đạt những kết quả nổi bật trong xây dựng NTM.

Hiện tại, 100% các xã và đơn vị cấp huyện trên địa bàn tỉnh Hà Nam đã hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới với thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn 6 tháng đầu năm đạt 55 triệu đồng, tỷ lệ hộ dân sử dụng nước sạch đạt gần 90%...

Năm 2023, tỉnh có 17 xã đăng ký phấn đấu đạt chuẩn xã NTM nâng cao, gồm: La Sơn, Bình Nghĩa, Bồ Đề, Đồn Xá, Tràng An, Đồng Du (huyện Bình Lục); Liêm Thuận, Liêm Túc (huyện Thanh Liêm); Tiến Thắng, Công Lý, Nguyên Lý (huyện Lý Nhân); Lê Hồ, Liên Sơn, Thụy Lôi (huyện Kim Bảng); Yên Nam (thị xã Duy Tiên); Tiên Hải, Trịnh Xá (thành phố Phủ Lý).

Thành phố Phủ Lý có hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ.

Phấn đấu về đích NTM nâng cao năm 2024, thời gian qua, xã Liêm Cần (huyện Thanh Liêm) đã triển khai nhiều giải pháp để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các chỉ tiêu, tiêu chí, trong đó có tiêu chí số 12 về lao động.

Thực hiện tiêu chí này, trước tiên, xã chú trọng thúc đẩy phát triển đa dạng các ngành nghề nông thôn để giải quyết việc làm cho người lao động, nhất là các nghề có thế mạnh như chế tác đá cảnh, thu gom phế liệu.

Bên cạnh đó, xã khuyến khích phát triển các tổ dịch vụ, tổ hợp sản xuất mộc, nề, cơ khí, may mặc nhằm thu hút lực lượng lao động tại chỗ tham gia; hướng dẫn, hỗ trợ các cơ sở sản xuất, kinh doanh có đủ điều kiện phát triển lên doanh nghiệp và mở rộng quy mô hoạt động, tạo thêm việc làm cho người lao động.

Thời gian qua, xã Liêm Cần cũng quan tâm, tạo điều kiện cho người dân đi làm xa và tiếp cận với nguồn vốn vay từ các tổ chức tín dụng để đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh.

Xã giao cho các tổ chức hội, đoàn thể thường xuyên khảo sát, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, nhu cầu học nghề của hội viên, từ đó tích cực vận động hội viên tham gia các khóa tập huấn, đào tạo nghề trồng trọt, chăn nuôi; hướng dẫn hội viên xây dựng các mô hình kinh tế cho hiệu quả cao; vận động hội viên tham gia khóa đào đạo nghề phi nông nghiệp do địa phương tổ chức. Trong quá trình thực hiện, các tổ chức hội, đoàn thể đã phân công những hội viên có kinh nghiệm trực tiếp hướng dẫn, giúp đỡ các hội viên khác về phương pháp, trao đổi, chia sẻ kỹ thuật sản xuất để cùng nhau phát triển.

Việc triển khai đầu tư xây dựng NTM cũng được người dân kiểm tra, giám sát một cách chặt chẽ, từ đó, không để xảy ra các vấn đề khiếu kiện phức tạp. Trong xây dựng cơ sở hạ tầng, nhiều hộ dân đã chủ động hiến đất để tổ chức triển khai xây dựng.

Để đạt được những mục tiêu quan trọng về xây dựng NTM nâng cao, Hà Nam xác định nhiệm vụ quy hoạch phải đi trước nhằm tạo tiền đề để tổ chức triển khai thực hiện.

Quy hoạch này cũng phải được thực hiện trên tinh thần dân chủ, được người dân tham gia đóng góp để chỉnh sửa, bổ sung cho phù hợp.

Có thể nói, thành quả mà người dân được thụ hưởng hôm nay đã minh chứng cho sự nỗ lực, cố gắng của cấp ủy Đảng, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể và nhân dân tỉnh Hà Nam trong việc thực hiện thắng lợi chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM. Đây sẽ là những tiền đề quan trọng để tỉnh Hà Nam tiếp tục vươn lên, xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh.

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/ha-nam-17-xa-dang-ky-dat-chuan-nong-thon-moi-nang-cao-nam-2023-2224793.html