Hà Nội: 50% số ngày có chất lượng không khí ở mức kém đến rất xấu

Kết quả tính toán chỉ số AQI ngày tại các trạm Hà Nội từ 1/1-18/2/2020 cho thấy, có khoảng 50% số ngày có chất lượng không khí ở mức kém đến rất xấu (AQI>100), riêng ngày 13/1 là ngày chất lượng không khí kém nhất trong khoảng thời gian nêu trên (mức rất xấu ở đa số các trạm).

Tổng cục Môi trường khuyến cáo, Hà Nội và các tỉnh phía Bắc vẫn đang trong thời kỳ ô nhiễm nhất năm.

Tổng cục Môi trường cho biết, hai tháng đầu năm 2020, môi trường không khí tại một số đô thị lớn của Việt Nam tiếp tục bị ô nhiễm bởi thông số bụi mịn PM2.5, tuy nhiên mức độ ô nhiễm ở các đô thị có sự khác biệt. Hà Nội vẫn tiếp tục là đô thị có giá trị thông số bụi PM2.5 cao nhất.

Tại Hà Nội, trong tháng Một và tháng Hai, kết quả quan trắc cho thấy, có một số khoảng thời gian giá trị trung bình 24h thông số PM2.5 tăng rất cao (vượt từ 02 - 03 lần giới hạn cho phép tại QCVN).

Kết quả tính toán chỉ số AQI ngày tại các trạm Hà Nội từ 1/1-18/2/2020 cho thấy, có khoảng 50% số ngày có chất lượng không khí ở mức kém đến rất xấu (AQI>100), riêng ngày 13/1 là ngày chất lượng không khí kém nhất trong khoảng thời gian nêu trên (mức rất xấu ở đa số các trạm).

Đặc biệt trong giai đoạn từ ngày 18-21/2/2020, chất lượng không khí đang có xu hướng bị suy giảm nghiêm trọng. Trong ngày 20/2 và 21/2, chỉ số AQI giờ ở mức rất xấu (AQI >200) ở nhiều trạm. Đặc biệt tại trạm Mỹ Đình, chất lượng không khí đã ở mức nguy hại vào 2h sáng ngày 21/2.

Tổng cục Môi trường cho biết, chỉ khi thời tiết có sự thay đổi (có mưa hoặc tốc độ gió tăng, giảm tình trạng sương mù) thì chất lượng không khí mới có thể cải thiện.

Đơn vị này cũng khuyến cáo, Thủ đô Hà Nội cũng như một số đô thị khác ở miền Bắc nước ta vẫn đang trong thời gian ghi nhận nồng độ các chất ô nhiễm trong không khí cao nhất năm (từ tháng 9 đến tháng 3 năm sau).

Bụi mịn PM2.5 được coi là sát thủ trong không khí khi có khả năng đi trực tiếp vào máu, gây ra nhiều bệnh về hô hấp và tim mạch. Với kích thước chỉ bằng 1/30 sợi tóc, khẩu trang vải, khẩu trang y tế không thể ngăn loại bụi này. Theo một nghiên cứu do quỹ Mirinda and Bill Gate tài trợ, tỷ lệ tử vong ở Việt Nam năm 2018 do ô nhiễm môi trường là 71.000 người, trong đó 50.000 chết do ô nhiễm không khí.

Người dân cần theo dõi thường xuyên các bản tin về chất lượng không khí, sử dụng khẩu trang chống bụi khi ra đường, khi ở nhà thì nên hạn chế mở cửa. Hiện nay, chất lượng không khí được cập nhật tại cem.gov.vn (Tổng cục Môi trường), moitruongthudo.vn (Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội). Ngoài ra, còn có hệ thống theo dõi chất lượng không khí PAM Air (với số điểm đo nhiều nhất, không chỉ ở Hà Nội mà trên cả nước), aqicn.org của Đại sứ quán Mỹ.

Theo khuyến cáo của Bộ Y tế, những ngày có chất lượng không khí từ ngưỡng xấu trở lên, người dân nên hạn chế ra khỏi nhà, tập thể dục, làm việc ngoài trời. Vệ sinh mũi, họng bằng nước muối sinh lý, nhất là sau khi ra đường. Tra, rửa mắt bằng nước muối sinh lý trước khi đi ngủ. Người hút thuốc nên hạn chế hút thuốc lá, người không hút thuốc nên tránh xa khỏi thuốc lá.

Người dân cũng nên hạn chế sử dụng và thay thế bếp than tổ ong bằng bếp điện, bếp từ. Nhóm nhạy cảm gồm người mắc bệnh hô hấp, bệnh tâm phế mãn tính, người già, người suy dinh dưỡng, người bệnh tim mạch cần thực hiện các biện pháp dự phòng kể trên nghiêm ngặt hơn.

Trước đó, các báo cáo về hiện trạng chất lượng không khí chỉ ra, thời điểm từ tháng 9 đến tháng 3 năm sau là khoảng thời gian ô nhiễm nghiêm trọng tại miền Bắc do hiện tượng nghịch nhiệt xảy ra. Chất ô nhiễm được phát sinh từ các nguồn giao thông, xây dựng, công nghiệp, hoạt động dân sinh, trong điều kiện thời tiết nghịch nhiệt không khuếch tán được, gây ô nhiễm nghiêm trọng.

Nguyễn Hoài

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/xa-hoi/ha-noi-50-so-ngay-co-chat-luong-khong-khi-o-muc-kem-den-rat-xau-1523405.tpo