Hà Nội: Án bị 'ngâm' khó hiểu

Ông Nguyễn Văn Chất (SN 1957, ở thị trấn Quang Minh, huyện Mê Linh, TP Hà Nội) phản ánh đến Báo PLVN, việc TAND TP Hà Nội đã thụ lý vụ kiện hành chính do ông khởi kiện quyết định (QĐ) của Chủ tịch UBND huyện Mê Linh từ tháng 8/2018 nhưng đến nay vẫn 'giậm chân tại chỗ'.

Ông Chất bên lô đất đã được xác định là nguồn gốc của gia đình mình

Ông Chất bên lô đất đã được xác định là nguồn gốc của gia đình mình

Hủy Quyết định giải quyết tranh chấp đất 10 năm trước

Lý do ông Chất khởi kiện QĐ hành chính số 1500/QĐ-UB (do ông Đoàn Văn Trọng, Chủ tịch UBND huyện Mê Linh ký) vì cho rằng Quyết định này dựa vào căn cứ không đúng pháp luật khi tuyên hủy các QĐ đã có hiệu lực pháp luật của người tiền nhiệm 10 năm trước, khiến quyền lợi của gia đình ông bị thiệt hại nghiêm trọng.

Được biết, thửa đất tranh chấp có diện tích 205.5m2 ở xã Văn Khê (huyện Mê Linh) có nguồn gốc là của cụ Nguyễn Văn Chân (ông nội ông Chất) sử dụng từ trước năm 1965. Năm 2001, phát hiện gia đình bà Đinh Thị Sửu lấn chiếm, xây dựng trái phép, bố ông Chất là ông Nguyễn Văn Tửu đã có đơn gửi UBND xã Văn Khê và UBND huyện Mê Linh.

Trong quá trình giải quyết, UBND huyện Mê Linh đã ra QĐ số 6995/QĐ-UB ngày 18/10/2007 công nhận nguồn gốc đất là của cụ Chân sử dụng từ trước năm 1965; quá trình quản lý nhà nước về đất đai, UBND xã Văn Khê chưa giao thửa đất cho ai khác quản lý, sử dụng.

Năm 2009, ông Chất lại phát hiện gia đình bà Nguyễn Thị Lệ lấn chiếm, xây dựng trên phần đất của gia đình nên tiếp tục có đơn ra UBND xã Văn Khê và huyện Mê Linh. Một lần nữa, UBND huyện này xác minh lại và ban hành QĐ giải quyết tranh chấp đất đai số 3679/QĐ-CT khẳng định gia đình ông Chất có quyền sử dụng hợp pháp đối với 205.5m2 mà cha ông đã để lại. Không công nhận việc đòi quyền sử dụng đất của hộ bà Lệ đối với thửa đất và ao diện tích 205.5m2 vì có nguồn gốc do cụ Nguyễn Văn Chân (ông nội ông Chất) sử dụng từ trước năm 1965.

Hộ ông Chất đã được UBND huyện Mê Linh công nhận có quyền sử dụng đối với diện tích đất này tại QĐ 6995/QĐ-CT ngày 18/10/2007 của Chủ tịch UBND huyện Mê Linh. Yêu cầu hộ bà Lệ tháo dỡ toàn bộ công trình xây dựng, trả lại hiện trạng thửa đất cho gia đình ông Chất.

Mặc dù các QĐ trên đã có hiệu lực thi hành nhưng do các hộ lấn chiếm không tự nguyện tháo dỡ công trình xây dựng và di dời để trả lại hiện trạng đất nên gia đình ông Chất vẫn chưa thể quản lý, sử dụng.

Nhưng đến ngày 17/7/2018, ông Đoàn Văn Trọng, Chủ tịch UBND huyện Mê Linh lại ký QĐ số 1500/QĐ-UB hủy bỏ QĐ số 6995 về việc giải quyết tranh chấp đất đai giữa ông Chất và bà Sửu vì lý do Hội đồng tư vấn giải quyết tranh chấp đất đai và UBND xã Văn Khê không tiến hành giải quyết tranh chấp đất đai theo quy định tại Điều 161, Nghị định 181/2004 của Chính phủ.

Đồng thời QĐ 1500 cũng tuyên hủy luôn QĐ 3679 về việc giải quyết tranh chấp đất đai giữa ông Chất với gia đình bà Lệ. Lý do hủy là sau khi hủy bỏ QĐ số 6995 thì không có cơ sở tổ chức thực hiện QĐ số 3679 ngày 10/7/2009.

Trong đơn khởi kiện, ông Chất cho rằng căn cứ mà Chủ tịch UBND huyện Mê Linh hủy bỏ các QĐ trước đây là không đúng pháp luật; không dựa vào báo cáo kiểm tra, thanh tra của cơ quan chuyên môn, cơ quan thanh tra hoặc đơn kiến nghị/khiếu nại của đương sự.

Điều 161 Nghị định 181 quy định về các căn cứ giải quyết tranh chấp đất đai trong trường hợp các bên không có giấy tờ về quyền sử dụng đất; tuy nhiên, QĐ số 1500 của Chủ tịch UBND huyện Mê Linh lại không viện dẫn Hội đồng tư vấn giải quyết tranh chấp đất đai và UBND xã Văn Khê đã sai phạm theo khoản nào của Điều 161, Nghị định 181.

Đáng nói, các QĐ đã có hiệu lực pháp luật, được chính Chủ tịch UBND huyện Mê Linh trước đây giao cho các phòng ban chuyên môn và xã Văn Khê triển khai thi hành, buộc các đương sự phải thực hiện nhưng lại bị Chủ tịch sau này ban hành QĐ hủy bỏ.

Án “ngâm” một cách khó hiểu

Quá bức xúc, ông Chất khởi kiện QĐ 1500 trên ra Tòa án hành chính. Ngày 18/8/2018, TAND TP.Hà Nội ra Thông báo thụ lý số 347 về việc thụ lý vụ án hành chính sơ thẩm đối với đơn khởi kiện của ông Chất và phân công thẩm phán trực tiếp phụ trách giải quyết.

Điều 131 Bộ luật Tố tụng Hành chính 2015 quy định thời hạn chuẩn bị xét xử là 4 tháng. Nhưng đã hơn 13 tháng trôi qua, người khởi kiện vẫn chưa nhận được các văn bản giải quyết tiếp theo như: giấy báo triệu tập đến tòa làm việc hoặc hòa giải, đối chất… và cũng không có văn bản nào thể hiện việc Tòa đã gia hạn hay tạm đình chỉ giải quyết vụ kiện hành chính.

Với việc quá thời hạn chuẩn bị xét xử như trên, ông Chất đã có đơn đề nghị Chánh án TAND TP.Hà Nội kiểm tra, xem xét vụ kiện hành chính này và yêu cầu thẩm phám sớm đưa ra xét xử theo quy định.

Trần Nguyên

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/ban-doc/ha-noi-an-bi-ngam-kho-hieu-469293.html