Hà Nội ban hành quy chế hoạt động của Hội đồng xét tặng danh hiệu nhà giáo

UBND Thành phố Hà Nội đã ban hành Quyết định số 877/QĐ-UBND về việc ban hành Quy chế hoạt động của Hội đồng xét tặng danh hiệu 'Nhà giáo Nhân dân', 'Nhà giáo Ưu tú' thành phố Hà Nội lần thứ 15 năm 2020.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Cụ thể, Hội đồng có nhiệm vụ giúp UBND Thành phố chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra và giám sát việc thực hiện xét tặng danh hiệu “Nhà giáo Nhân dân”, “Nhà giáo Ưu tú” lần thứ 15 năm 2020 của thành phố Hà Nội đảm bảo đúng quy định pháp luật và Thành phố.

Tiếp nhận hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu “Nhà giáo Nhân dân”, “Nhà giáo Ưu tú” của Hội đồng cấp huyện, Hội đồng Sở Giáo dục và Đào tạo, Hội đồng cơ sở của các trường trực thuộc UBND Thành phố và Hội đồng cơ sở của các trường đại học, cao đẳng tư thục đóng trên địa bàn Thành phố đề nghị.

Tổ chức thẩm định về tính chính xác, hợp lệ của hồ sơ; các tiêu chuẩn của cá nhân theo danh hiệu đề nghị đối với quy định tại các Điều 8, Điều 9 Nghị định số 27/2015/NĐ-CP, ngày 10-3-2015, của Chính phủ quy định về xét tặng danh hiệu “Nhà giáo Nhân dân”, “Nhà giáo Ưu tú”.

Tổ chức thăm dò dư luận: Công bố danh sách đề nghị xét tặng bằng hình thức niêm yết công khai, đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của Thành phố, ngành giáo dục và đào tạo Hà Nội và các cơ quan, đơn vị liên quan trong thòi gian là 15 ngày làm việc để lấy ý kiến nhân dân, xã hội.

Xử lý kiến nghị của các tổ chức, cá nhân (nếu có), thảo luận và tiến hành bỏ phiếu kín để chọn cá nhân có đủ tiêu chuẩn xét tặng danh hiệu “Nhà giáo Nhân dân”, “Nhà giáo ưu tú” theo quy định tại Nghị định số 27/2015/NĐ- CP, ngày 10/3/2015, của Chính phủ; Hội đồng hoàn thiện hồ sơ quy định tại Khoản 2 Điều 17 Nghị định số 27/2015/NĐ-CP ngày 10-3-2015 của Chính phủ, gửi Hội đồng Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Hội đồng làm việc theo nguyên tắc dân chủ, công khai và bỏ phiếu kín. Các cuộc họp của Hội đồng được coi là hợp lệ khi có ít nhất 2/3 số thành viên của Hội đồng tham dự. Trường hợp vắng mặt, thành viên Hội đồng phải được Chủ tịch Hội đồng đồng ý và gửi lại phiếu bầu. Tổ thư ký có trách nhiệm lấy ý kiến thành viên Hội đồng vắng mặt bằng phiếu bầu.

Cá nhân được đề nghị xét tặng danh hiệu “Nhà giáo Nhân dân”, “Nhà giáo Ưu tú” phải đạt từ 90% số phiếu đồng ý trở lên trên tổng số thành viên Hội đồng.

Hội đồng được sử dụng con dấu của UBND Thành phố; cơ quan thường trực Hội đồng (Sở Giáo dục và Đào tạo) được sử dụng con dấu của đơn vị (nếu được ủy quyền) trong việc triển khai thực hiện các nội dung nhiệm vụ của Hội đồng.

TQ

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/ha-noi-ban-hanh-quy-che-hoat-dong-cua-hoi-dong-xet-tang-danh-hieu-nha-giao-181622.html