Hà Nội bắt tay Tập đoàn Pháp xây dựng chợ đầu mối nông sản quốc tế

Mới đây, Sở Công Thương Hà Nội và Tập đoàn Semmaris (Pháp) đã ký kết biên bản hợp tác nhằm xây dựng chợ đầu mối nông sản quốc tế Hà Nội.

Theo đó, hai bên cam kết phối hợp triển khai các nhiệm vụ liên quan đến khảo sát, nghiên cứu tiền khả thi và các công tác khác trong quá trình xây dựng khu chợ đầu mối quốc tế nông sản tại Hà Nội với mục tiêu tham gia hệ thống toàn cầu của chợ đầu mối quốc tế Rungis tại Paris.

Tại Lễ ký kết, ngoài Tập đoàn Semmaris (Pháp), Công ty cổ phần Pan Asia One (Hàn Quốc) cũng đã đề xuất xây dựng chợ đầu mối tại xã Phù Đổng, huyện Gia Lâm với quy mô lớn gấp 6 lần chợ đầu mối hiện đại nhất Seoul (Hàn Quốc).

Theo đại diện của Công ty cổ phần Pan Asia One, phần trung tâm giao dịch đầu mối cốt lõi sẽ được xây dựng trong vòng 2-3 năm và sẽ mất chi phí khoảng 300-400 triệu USD, nếu tính cả những hạng mục xung quanh nữa có thể lên đến 1-2 tỷ USD.

Xây dựng khu chợ đầu mối quốc tế nông sản tại Hà Nội với mục tiêu tham gia hệ thống toàn cầu của chợ đầu mối quốc tế Rungis tại Paris

"Khu chợ sẽ bao gồm cả hoạt động bán buôn lẫn bán lẻ và được vận hành theo một nguyên tắc thống nhất, bảo đảm đấu giá công bằng thông qua hệ thống công nghệ thông tin và truyền thông hiện đại”, vị đại diện này cho biết.

Hà Nội hiện có 22 chợ thương mại, 133 siêu thị, 454 chợ gồm cả đầu mối và chợ dân sinh cùng khoảng 1.000 cửa hàng tiện lợi, tiện ích kinh doanh, chưa kể bán hàng qua mạng.

Hiện nay, Hà Nội có 2 chợ đầu mối chính gồm chợ Hoàng Mai ở phía Nam (có diện tích hơn 23.000 m2 với 168 hộ kinh doanh, hàng ngày có 200 - 400 tấn hàng hóa là nông sản luân chuyển qua chợ) và chợ Minh Khai ở Bắc Từ Liêm (diện tích hơn 36.000 m2, có 1.000 hộ kinh doanh và 350 tấn hàng hóa nông sản luân chuyển hàng ngày).

Xây dựng chợ đầu mối quốc tế nông sản tại Hà Nội sẽ tạo điều kiện cho người dân Thủ đô có thêm địa chỉ mua sắm thực phẩm, nông sản an toàn

Ngoài ra còn có 5 chợ tập trung mang hơi hướng đầu mối là chợ Long Biên (có diện tích hơn 27.000 m2 với 650 hộ kinh doanh, 150 - 200 tấn hàng hóa qua chợ /ngày), chợ cá Yên Sở (có diện tích trên 7.000 m2, gồm 70 hộ kinh doanh khoảng 150 tấn cá, lương thực/ngày), chợ gia cầm Hà Mỹ (diện tích hơn 7.000 m2, khoảng 200 hộ kinh doanh với 50 tấn gia cầm thủy cầm qua chợ/ngày) và chợ Quảng An (diện tích trên 600 m2 với 300 hộ kinh doanh hoa).

Theo đánh giá của Sở Công thương Hà Nội, hoạt động của các chợ này chưa đáp ứng được nhu cầu tiêu thụ nông sản thực phẩm của thành phố, nguồn hàng chưa được kiểm soát chặt chẽ về an toàn thực phẩm, chưa có chức năng chế biến và xuất khẩu ra nước ngoài. Quy mô phân phối còn nhỏ, nên các chợ đầu mối này chưa có khả năng điều tiết giá cả thị trường, một số hàng hóa tại các chợ đầu mối này chưa truy xuất được nguồn gốc khi cần thiết.

“Do vậy, xây dựng chợ đầu mối nông sản quốc tế tại Hà Nội sẽ tạo điều kiện cho người dân Thủ đô có thêm địa chỉ mua sắm thực phẩm, nông sản an toàn”, đại diện Sở Công Thương Hà Nội nhấn mạnh.

Phương Thúy

Nguồn Tạp chí Công thương: http://tapchicongthuong.vn/ha-noi-bat-tay-tap-doan-phap-xay-dung-cho-dau-moi-nong-san-quoc-te-201808150629531p40c14.htm