Hà Nội bề thế, hiện đại nhìn từ những con đường và cây cầu

Trong cuốn tư liệu đặc biệt về Hà Nội “1000 năm Thăng Long – Hà Nội” của nhà Hà Nội học Nguyễn Vinh Phúc, ông nhắc tới một Hà Nội khiêm nhường, dung dị ngày chiến thắng. Sáng 10-10-1954, Ủy ban Quân chính thành phố và Đại đoàn 308, đi đầu là Trung đoàn Thủ đô tiến vào Hà Nội.

Diện tích Hà Nội lúc đó là 152,2 km2. Trong đó, 4 quận nội thành là 12,2km2 gồm 36 phố. Ngoại thành gồm 4 quận: Quảng Bá, Cầu Giấy, Ngã Tư Sở, Quỳnh Lôi. Dân số lúc đó ước khoảng 30 vạn người cả nội thành và ngoại thành.

Một Hà Nội như thế đã để lại rất nhiều ký ức trong những công dân Thủ đô ngày ấy. Kiến trúc sư Phạm Thanh Tùng, Chánh Văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam đã nói về giao thông Hà Nội những ngày đầu giải phóng với chất giọng đầy cảm xúc: “Tôi còn nhớ, vào những năm cuối thập niên 50-70 của thế kỷ trước, dân cư Hà Nội còn chưa đông đúc như bây giờ. Xe máy ít lắm, chỉ nhà khá giả hay người đi nước ngoài gửi về mới có. Ôtô tư nhân càng hiếm.

Đi lại chủ yếu bằng xe đạp, tàu điện và xe buýt công cộng. Trước nhà Ủy ban Hành chính thành phố có đường tàu điện chạy từ chợ Mơ qua phố Bạch Mai, Phố Huế, Hàng Bài lên bờ Hồ, rồi qua Hàng Đào, Hàng Ngang đến chợ Đồng Xuân, tháp nước Hàng Đậu, Quan Thánh rồi Thụy Khuê lên Bưởi. Cũng từ Bờ Hồ có tuyến chạy qua Hàng Gai, Hàng Bông, Nguyễn Thái Học, Văn Miếu - Quốc Tử Giám rồi qua khu Cao Xà Lá, Đại học Tổng hợp… vào đến tận Hà Đông. Ga tàu điện bờ Hồ ở ngay đầu phố Đinh Tiên Hoàng, chỗ nay là tòa nhà thương mại một thời có tên là “Hàm cá mập”.

Thời ấy, người Hà Nội không ai là không đi tàu điện, bởi cái sự thuận tiện của nó mà giá lại rẻ, chỉ mất 5 xu là có thể đi từ Bờ Hồ vào đến tận các ga cuối. Những ngày nghỉ học, tôi và mấy đứa bạn cùng phố, thường rủ nhau ra Bờ Hồ nhảy tàu lên chơi Bách Thảo, Thụy Khuê. Chao ôi! Cái tiếng tàu điện “leng keng! leng keng!” đều đặn từ sáng sớm tinh mơ cho đến giữa đêm khuya bất kể mưa nắng, thời gian, dẫu đã qua mấy chục năm rồi, mà vẫn cứ leng keng đâu đây trong ký ức của một thời thơ trẻ”.

Những người lớp sau như chúng tôi chỉ hiểu về giao thông Hà Nội thời đó qua sách báo, tư liệu, qua lời kể truyền miệng của thế hệ trước. Nhưng, chúng tôi cảm nhận được sự phát triển không ngừng của một Thủ đô mở rộng với tầm vóc mới.

Từ một Thủ đô hơn 30 vạn dân, đến nay Hà Nội đã có 7,6 triệu dân với khoảng 5 triệu xe máy, gần 500.000 ô tô, chưa tính 1,2 triệu phương tiện từ ngoại tỉnh thường xuyên tham gia giao thông trên địa bàn. Và cũng chỉ mới đây thôi, cách đây vài năm, người Hà Nội không ai không lo nạn kẹt xe, tai nạn giao thông trên những con đường không đủ sức chứa người và phương tiện giao thông.

Công cuộc đổi mới, mở cửa đã cho người dân hưởng một cơ sở hạ tầng về giao thông chưa từng có. Hà Nội đã có đường vành đai 1, vành đai 2, vành đai 3 và sắp tới là vành đai 4, vành đai 5 cùng các tuyến đường sắt trên cao, các tuyến metro chạy ngầm…

Đường vành đai 3 dài khoảng 65km, đi qua các quận, huyện Sóc Sơn, Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm, Cầu Giấy, Thanh Xuân, Hoàng Mai, Gia Lâm, Đông Anh. Trên đường vành đai 3 có đường cao tốc trên cao, nối Hà Nội tới các tỉnh phía Bắc như Thái Nguyên, Bắc Kạn, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Tuyên Quang, Lào Cai… đi phía Nam đi Hà Nam, Nam Định, Thái Bình, Ninh Bình… qua tuyến đường Pháp Vân - Cầu Giẽ vô cùng thuận lợi. Đường vành đai 3 và đường cao tốc trên cao khi đưa và sử dụng đã góp phần giải quyết lưu lượng lớn xe tải, xe con, xe khách, tạo thuận lợi tối ưu trong việc vận chuyển hành khách, hàng hóa vào địa bàn Hà Nội không phải qua nội đô. Từ tuyến đường này có thể đến các bến xe Mỹ Đình, Giáp Bát, sân bay Nội Bài…

Bắt đầu từ đường vành đai 3, những con đường nối Hà Nội với các tỉnh, thành lân cận cũng vô cùng thuận lợi với cao tốc Hà Nội – Lào Cai nằm trong vành đai kinh tế Côn Minh – Hà Nội - Hải Phòng. Từ Nội Bài có tuyến quốc lộ 18 đi Bắc Ninh, Quảng Ninh tới cửa khẩu Móng Cái. Từ Hà Nội, chúng ta có quốc lộ 6 hướng đi Tây Bắc với các tỉnh Hòa Bình, Sơn La, Điện Biên… Qua sông Hồng, quốc lộ 5 đi Hải Phòng đã trở thành tuyến giao thông quan trọng, vừa thuận lợi đi lại cho nhân dân, vừa góp phần thúc đẩy kinh tế khi nối liền Hà Nội với cảng Hải Phòng…

Và còn nữa, Hà Nội vẫn tiếp tục phát triển mạng lưới giao thông rộng lớn, điển hình là Dự án đường 5 kéo dài, vốn đang cho thấy hiệu quả lớn trong việc góp phần kết nối Bắc Hà Nội, đồng thời thúc đẩy phát triển các khu công nghiệp, khu đô thị như Bắc Thăng Long – Vân Trì, Đông Anh - Cổ Loa, Gia Lâm – Sài Đồng – Yên Viên. Dự án cũng góp phần giải tỏa lưu lượng phương tiện giao thông liên tỉnh và nội thành theo các hướng Quảng Ninh, Hải Phòng đi các tỉnh Tây Bắc.

Bên cạnh đó, một dự án mới được đưa vào khai thác mới đây là tuyến đường vành đai 2 trên cao, đoạn qua Nhật Tân – Xuân La cũng góp phần đáng kể cho giao thông Thủ đô ngày càng thuận lợi.

Đó là giao thông vành đai Hà Nội, còn trong khu vực nội đô đã có những cây cầu vượt nhẹ giải tỏa ách tắc giao thông vào giờ cao điểm tại nơi đông dân cư như ngã tư Láng Hạ - Thái Hà, Chùa Bộc – Tây Sơn, Láng - Nguyễn Chí Thanh, Đại Cồ Việt - Bạch Mai… Sắp tới, chúng ta sẽ có tuyến đường sắt trên cao Nhổn – Ga Hà Nội, Cát Linh – Ga Hà Đông, Nam Thăng Long – Tây Hà Nội…

Sau 10 năm mở rộng Thủ đô (từ năm 2008 đến nay), Hà Nội đã cải tạo, mở rộng và xây dựng mới được một hệ thống đường giao thông lên tới hơn 7.500km, trong đó có 20% là tuyến đường chính, 7 trục hướng tâm và 3 tuyến vành đai cùng nhiều cây cầu vượt ở các nút giao thông…

Tắc đường đã đáng sợ, tắc cầu còn kinh khủng hơn nhiều. Cách đây ít năm, cảnh ùn tắc ở… cầu Chương Dương ám ảnh với hầu hết những ai phải qua sông Hồng vào nội đô, nhất là vào giờ cao điểm. Để giảm tải, người ta phải làm cầu phao như một giải pháp tình thế.

Thế nhưng giờ đây, muốn “vượt sông Hồng” đã có rất nhiều sự lựa chọn: cầu Long Biên, Chương Dương, Vĩnh Tuy, Thăng Long, Thanh Trì, Nhật Tân và sắp tới là Vĩnh Thịnh… Từ chỉ duy nhất cây cầu Long Biên, nay Hà Nội đã có 7 cây cầu bắc qua sông Hồng. Biến con sông Hồng từ “vành đai” thành con sông nội đô mang vẻ đẹp thiên tạo riêng có ở một đô thị được xếp hạng trong top 14 thành phố lớn nhất thế giới.

Cầu Long Biên được xây dựng từ năm 1898 và hoành thành năm 1902. Cầu có chiều dài 2.290m, gồm 19 nhịp bằng thép cao 13,5m, có hình dáng một con rồng uốn lượn. Là một trong 4 cây cầu thép lớn nhất châu Á, cầu Long Biên được coi là công trình kiến trúc đẹp, độc đáo trong khu vực. Trải qua nhiều biến cố, thăng trầm của lịch sử nhưng trong suốt 83 năm, cầu Long Biên là cây cầu duy nhất vượt sông Hồng qua địa phận Hà Nội.

Năm 1974, cầu Thăng Long được khởi công xây dựng. Và 11 năm sau, cây cầu nối Hà Nội với sân bay quốc tế Nội Bài mới hoàn thành, mở ra một cuộc dịch chuyển lớn về giao thông giữa Thủ đô ra quốc tế và các vùng. Đến nay, cầu Thăng Long vẫn giữ vai trò huyết mạch khi là điểm đến sân bay Nội Bài, nối Hà Nội với các tỉnh miền núi phía Bắc, nhất là khi tuyến cao tốc Hà Nội – Lào Cai được thông xe vào ngày 21-9 vừa qua. Theo đánh giá của các chuyên gia, cao tốc Hà Nội – Lào Cai nằm trong vành đai kinh tế Hà Nội – Hải Phòng – Côn Minh, thế nên, cầu Thăng Long không chỉ mang trong mình sứ mệnh kết nối các vùng miền trong nước với Thủ đô mà còn kết nối với quốc tế.

Cũng từ cầu Thăng Long, Hà Nội mở tuyến vành đai III để đi ra các tỉnh phía Nam và đồng bằng sông Hồng. Nay, từ cầu Thăng Long đi về phía Nam có đường vành đai III trên cao ra cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ. Cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ đi Nam Định, Thái Bình hay Ninh Bình, Thanh Hóa chỉ vài mươi phút. Thế mới thấy, cây cầu được xây dựng cách đây 40 năm đóng vai trò quan trọng thế nào trong hệ thống hạ tầng giao thông của cả nước.

Cùng với cầu Thăng Long, cầu Chương Dương nối hai bờ sông Hồng vào trung tâm thành phố đã trở nên rất đỗi quen thuộc với người dân Thủ đô. Năm 2010, cầu Vĩnh Tuy hoàn thành đã tạo nên sự kết nối giữa quốc lộ 5 Hải Phòng – Hà Nội, quốc 18 Quảng Ninh – Hà Nội trở nên gần hơn. Cùng với sự ra đời của cây cầu này, nhiều khu đô thị mọc lên như Vincom Village, Việt Hưng, Sài Đồng…

Đặc biệt, cây cầu Nhật Tân được thiết kế dạng cầu dây văng bắc qua sông Hồng, đoạn qua làng đào Phú Thượng và Đông Anh mới được khai thác đã làm mới trông thấy diện mạo giao thông của Thủ đô. Ngoài việc mang lại một điểm nhấn về cảnh quan, cầu Nhật Tân được triển khai đồng bộ với đường Nhật Tân - Nội Bài tạo nên một tuyến cao tốc nội đô hiện đại, rút ngắn thời gian di chuyển từ Cảng hàng không quốc tế lớn nhất miền Bắc tới trung tâm Hà Nội.

Có thể nói, bên cạnh những thành tựu về giao thông, chúng ta vẫn còn nhiều tồn tại phải khắc phục, đó là sự phát triển thiếu đồng bộ về kết cấu hạ tầng giao thông với sự phát triển của các phương tiện giao thông, là năng lực quản lý hệ thống giao thông đô thị… Nhưng, có thể đánh giá rằng, sự thay đổi của giao thông Thủ đô Hà Nội khiến người đi xa trở về phải ngỡ ngàng. 64 năm, Hà Nội đã có bước phát triển vượt bậc. Và, có thể thấy rõ điều đó hơn khi chúng ta nhìn về những cây cây cầu mới bắc qua con sông uốn lượn giữa lòng Hà Nội.

Nhóm PV - Trình bày: L.C.

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/emagazine/ha-noi-be-the-hien-dai-nhin-tu-nhung-con-duong-va-cay-cau-514395/