Hà Nội cấm điều chỉnh quy hoạch để hợp thức hóa gia hạn dự án 'treo'

UBND TP Hà Nội chỉ đạo tuyệt đối không để xảy ra tình trạng lợi dụng việc điều chỉnh quy hoạch, điều chỉnh chủ trương đầu tư để hợp thức hóa việc gia hạn dự án chậm triển khai.

UBND TP Hà Nội vừa có văn bản chỉ đạo các đơn vị về việc thực hiện Nghị quyết số 04 của HĐND TP về triển khai biện pháp đẩy nhanh tiến độ đầu tư, tập trung xử lý các dự án vốn ngoài ngân sách có sử dụng đất chậm triển khai trên địa bàn.

Theo đó, UBND TP yêu cầu Sở Kế hoạch và Đầu tư xây dựng, ban hành kế hoạch, khung tiêu chí xử lý đối với các dự án chưa được Nhà nước giao đất, cho thuê đất trong tháng 12-2022, tổ chức thực hiện dứt điểm xong trước ngày 31/5/2023, định kỳ báo cáo hàng tháng.

Hà Nội yêu cầu phân loại và xử lý từng dự án cụ thể theo hướng rõ người, rõ việc, rõ đầu mối, rõ trách nhiệm, rõ tiến độ (Ảnh: 3 ô “đất vàng” ở Khu đô thị Nam Trung Yên bị bỏ hoang hơn 10 năm)

Hà Nội yêu cầu phân loại và xử lý từng dự án cụ thể theo hướng rõ người, rõ việc, rõ đầu mối, rõ trách nhiệm, rõ tiến độ (Ảnh: 3 ô “đất vàng” ở Khu đô thị Nam Trung Yên bị bỏ hoang hơn 10 năm)

Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp cùng các đơn vị có liên quan xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch theo dõi, đôn đốc đối với các dự án chậm tiến độ, chậm đưa đất vào sử dụng đã được UBND TP quyết định gia hạn sử dụng đất 24 tháng, tham mưu, báo cáo UBND TP xử lý đối với từng trường hợp.

UBND TP yêu cầu Sở tiếp tục giám sát, đôn đốc các Sở, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra và có kết luận đối với từng dự án để làm rõ nguyên nhân, đề xuất các giải pháp; quyết liệt xử lý dứt điểm, giải quyết triệt để các dự án chậm tiến độ, chậm triển khai đảm bảo tuân thủ theo đúng quy định của pháp luật;

Thường xuyên rà soát, cập nhật kết quả thực hiện, khẩn trương hoàn thành việc đánh giá, hậu kiểm, thống kê, phân loại và xử lý từng dự án cụ thể theo hướng rõ người, rõ việc, rõ đầu mối, rõ trách nhiệm, rõ tiến độ.

UBND TP cũng chỉ đạo các sở, ngành tăng cường công tác thanh, kiểm tra, giám sát, đôn đốc chủ đầu tư các dự án có sử dụng đất khẩn trương thực hiện dự án, đưa đất vào sử dụng đúng theo tiến độ được phê duyệt; Thường xuyên thống kê, lập danh sách các trường hợp mới phát sinh vi phạm, chậm triển khai dự án; tham mưu, đề xuất xử lý đồng thời gửi Sở Tài nguyên và Môi trường để cập nhật vào danh sách các dự án vốn ngoài ngân sách chậm triển khai;

"Có quan điểm rõ ràng đối với từng nhóm dự án, nhất là các dự án không đảm bảo về pháp lý. Tuyệt đối không để xảy ra tình trạng lợi dụng việc điều chỉnh quy hoạch, điều chỉnh chủ trương đầu tư để hợp thức hóa việc gia hạn các dự án chậm triển khai" - văn bản nêu rõ.

Đối với các chủ đầu tư, tập trung nguồn lực, khắc phục giải quyết các khó khăn, vướng mắc; cam kết đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án đầu tư theo đúng quy hoạch, dự án được phê duyệt, sử dụng đất đúng mục đích, chấp hành đầy đủ các quy định, đưa đất vào sử dụng hiệu quả, bảo đảm tuân thủ theo đúng quy định của pháp luật. Nghiêm túc thực hiện các quyết định xử lý vi phạm, thu hồi của cơ quan nhà nước có thẩm quyền…

Theo báo cáo, qua rà soát, toàn thành phố Hà Nội có hơn 700 dự án với hơn 5.000 ha chậm triển khai. Vì vậy, cần tiếp tục rà soát, tổng hợp để phân thành 2 hệ thống dự án chưa được giao đất và đã được giao đất nhưng chậm triển khai.

Vừa qua, Hà Nội đã có quyết định thu hồi đất tại 23 dự án. Trong đó, huyện Thạch Thất có số lượng dự án bị thu hồi nhiều nhất. Tiếp đó là huyện Mê Linh. Ngoài ra, một số địa bàn khác cũng có dự án chậm triển khai, UBND TP Hà Nội đã ban hành quyết định thu hồi đất.

Tại Thạch Thất có các dự án như dự án Xây dựng khu biệt thự nhà vườn (xã Tiến Xuân) do Công ty CP An Lạc làm chủ đầu tư; Nhà máy sản xuất cọc bê tông (xã Tiến Xuân) do Công ty CP Licogi 13 - nền móng xây dựng làm chủ đầu tư; Dự án Xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu biệt thự Sunny light (xã Yên Bình), chủ đầu tư là Công ty CP Ánh Dương…

Các dự án bị thu hồi tại Mê Linh như Dự án khu đô thị mới BMC (xã Đại Thịnh), chủ đầu tư là Công ty Vật liệu xây dựng và lắp ráp thương mại; Khu đô thị mới Prime Group - Khu đô thị sinh thái Đại Thịnh (xã Đại Thịnh), chủ đầu tư là Công ty CP Prime Group; Dự án khu đô thị mới Việt Á (xã Thanh Lâm), Công ty CP Tập đoàn đầu tư thương mại công nghiệp Việt Á làm chủ đầu tư; Dự án khu đô thị mới Vinalines (xã Đại Thịnh - Thanh Lâm - Tráng Việt), Công ty CP Bất động sản Vinalines Vĩnh Phúc làm chủ đầu tư...

Hồng Khanh

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/ha-noi-tuyet-doi-khong-dieu-chinh-quy-hoach-hop-thuc-hoa-gia-han-du-an-treo-2091529.html