Hà Nội cần cơ chế đặc thù để gỡ 'nút thắt' trong cải tạo gần 1.580 chung cư cũ

Từ năm 1999 đến nay, chỉ khoảng 2% trong tổng số gần 1.580 chung cư cũ trên địa bàn TP Hà Nội được cải tạo. Việc sửa Luật Thủ đô lần này được kỳ vọng sẽ trao cho Hà Nội chính sách đặc thù để gỡ 'nút thắt' trong cải tạo chung cư cũ.

Trên địa bàn TP Hà Nội hiện có gần 1.580 nhà chung cư cũ, trong đó có hơn 1.200 nhà thuộc 76 khu chung cư và hơn 300 nhà độc lập. Các tòa chung cư này được xây dựng từ trước năm 1994, chủ yếu ở các quận nội thành.

Nhà chung cư cũ ở Hà Nội có chung đặc điểm cao từ 2-6 tầng, kết cấu tường gạch chịu lực, bê tông lắp ghép hoặc khung bê tông cốt thép chịu lực. Sau hàng chục năm sử dụng, nhiều chung cư cũ đã xuống cấp, thậm chí có chung cư được xếp vào loại nguy hiểm.

Từ năm 1999 đến nay, Hà Nội mới cải tạo, xây mới được 32 chung cư cũ. Ảnh: Thế Bằng

Việc cải tạo, xây dựng lại các chung cư cũ trên địa bàn Hà Nội hiện nay gặp rất nhiều khó khăn. Do vậy, dù chương trình cải tạo chung cư cũ của Hà Nội được khởi động từ năm 1999 nhưng đến nay thành phố mới xây và cải tạo được 32 chung cư (khoảng 2% trong tổng số chung cư cũ của TP Hà Nội).

Dồn lực phá dỡ chung cư nguy hiểm cấp độ D

TP Hà Nội đặt mục tiêu đến năm 2045 hoàn thành cơ bản công tác cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ. Trước mắt, Hà Nội giao cho chính quyền cấp quận hoàn thành công tác di dời các hộ dân khỏi nhà nguy hiểm cấp D. Sau đó lực lượng chức năng sẽ tiến hành phá dỡ các tòa nhà chung cư nguy hiểm này.

Chương trình phát triển nhà ở TP Hà Nội (giai đoạn 2021-2030) cũng đã xác định rõ mục tiêu cải tạo, xây dựng lại 10 khu chung cư cũ gồm: Kim Liên, Trung Tự, Khương Thượng, Thanh Xuân Bắc, Thanh Xuân Nam, Nghĩa Tân; và 4 khu có nhà nguy hiểm cấp D như: Giảng Võ, Thành Công, Ngọc Khánh, Bộ Tư pháp (Cống Vị, Ba Đình).

HĐND TP Hà Nội đã thông qua việc bố trí nguồn vốn ngân sách dự kiến khoảng 500 tỷ đồng giai đoạn 2021-2025 để thực hiện tổng kiểm tra, rà soát, kiểm định, đánh giá chất lượng toàn bộ chung cư cũ trên địa bàn.

Để đạt được mục tiêu trên, việc sửa Luật Thủ đô lần này đặt ra nhiều kỳ vọng về việc trao cho Hà Nội thêm nhiều cơ chế đặc thù về cải tạo, chỉnh trang, tái thiết đô thị, bổ sung kịp thời các quy định về cải tạo chung cư cũ để tháo gỡ những vướng mắc hiện nay.

Do không có cơ chế để đảm bảo quyền lợi giữa doanh nghiệp với người dân nên tiến độ cải tạo chung cư cũ ở Hà Nội gặp nhiều khó khăn.

Dự thảo Luật Thủ đô sửa đổi đã bổ sung nhiều quy định đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho thành phố và các cấp chính quyền Thủ đô. Trong đó, cần tạo cơ chế để người dân được góp vốn cùng nhà đầu tư để giảm bớt gánh nặng nguồn vốn cho doanh nghiệp mà người dân có thêm cơ hội lựa chọn căn hộ sau cải tạo.

Nêu ý kiến thảo luận tại hội trường Quốc hội để hoàn thiện Luật Thủ đô sửa đổi, đại biểu Tô Ái Vang (đoàn Sóc Trăng) quan tâm đến quy định liên quan đến phát triển nhà ở, cải tạo chung cư tại các đô thị.

Đại biểu đoàn Sóc Trăng đề nghị rà soát cơ chế chính sách về phát triển, cải tạo chung cư cũ có khác biệt gì so với các quy định trong Luật Nhà ở (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua.

“Sửa Luật Thủ đô lần này cần có cơ chế chính sách đặc thù riêng cho Hà Nội để đẩy nhanh tiến độ xây mới, cải tạo chung cư cũ”, đại biểu Tô Ái Vang nói.

Dự thảo Luật Thủ đô sửa đổi gồm 7 chương, 59 điều. Dự luật được trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 6 (tháng 10/2023) và dự kiến thông qua tại Kỳ họp thứ 7 (tháng 5/2024).

Quang Phong

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/ha-noi-can-co-che-dac-thu-de-go-nut-that-trong-cai-tao-gan-1-580-chung-cu-cu-2222442.html