Hà Nội: Cần làm rõ trách nhiệm trong việc 'xẻ thịt' Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam làm nơi kinh doanh

Mặc dù, được giao hàng nghìn m² 'đất vàng' trên mặt đường Nguyễn Văn Huyên giao cắt Nguyễn Khánh Toàn (phường Quan Hoa, quận Cầu Giấy, TP Hà Nội), thế nhưng đơn vị quản lý Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam (gọi tắt Bảo tàng DTHVN) đã cho thuê, 'xẻ thịt' khuôn viên vui chơi văn hóa thành nhà hàng kinh doanh, quán cà phê… Điều đáng nói, những tồn tại này đã diễn ra từ lâu, nhưng chưa bị xử lý.

Khu vực trong khuôn viên Bảo tàng DTHVN mọc lên quán FRESH GARDEN kinh doanh và hoạt động rầm rộ.

Khuôn viên Bảo tàng “biến tướng” thành nhà hàng kinh doanh

Tìm hiểu được biết, Bảo tàng DTHVN được thành lập 24/10/1995 theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ và khánh thành ngày 12/11/1997. Bảo tàng có diện tích 4,5 ha thực hiện các chức năng: Nghiên cứu, sưu tầm, bảo quản, phục chế hiện vật và tư liệu về các dân tộc; tổ chức trưng bày, trình diễn và những hình thức hoạt động khác để giới thiệu, giáo dục về văn hóa của các dân tộc ở Việt Nam cũng như các nước khác...

Tuy nhiên gần đây, theo phản ánh từ du khách từng đến bảo tàng, khuôn viên của không gian văn hóa này lại đang bị sử dụng vào mục đích kinh doanh, ăn uống.

Để làm rõ những phản ánh này, phóng viên Báo điện tử Xây dựng đã “mục sở thị” cho thấy, trên mặt đường Nguyễn Khánh Toàn khu vực trong khuôn viên Bảo tàng mọc lên quán FRESH GARDEN kinh doanh và hoạt động rầm rộ với diện tích lên đến hàng trăm m².

Bao quanh quán được quây bằng những hàng rào tre nứa, ngôi nhà chính giữa với mái lợp bằng những lá cây khô quấn quanh là những dây điện chằng chịt tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ rất cao.

Quán FRESH GARDEN bao quanh được quây bằng những hàng rào tre nứa tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ rất cao.

Phía bên mặt đường Nguyễn Văn Huyên, quán VietNam Specialty coffee ngay cổng phụ Bảo tàng đi vào với thiết kế 2 tầng kiên cố đã được đưa vào sử dụng vài năm nay.

Quán VietNam Specialty coffee ngay cổng phụ Bảo tàng DTHVN với thiết kế 2 tầng kiên cố đã được đưa vào sử dụng nhiều năm nay.

Tìm hiểu được biết, ngày 7/11/2016 ông Vũ Quang Trọng - Giám đốc Bảo tàng DTHVN đã ký hợp đồng số 137/2016/ PHD-BTDTH với Cty TNHH PHD (gọi tắt PHD) về việc cho thuê mặt bằng làm dịch vụ bán hàng tại Bảo tàng DTHVN.

Cụ thể, hai bên thống nhất để bên PHD bằng kinh phí của mình sẽ thiết kế, bài trí tiểu cảnh, sân vườn và tổ chức cải tạo khoảnh đất nền phía cổng ra vào tòa nhà Đông Nam Á đường Nguyễn Khánh Toàn thành vườn hoa, cây cảnh và lắp dựng nhà tre, một khu vệ sinh cũng như trực tiếp thi công điện nước, đầu tư các trang thiết bị, tự tổ chức quản lý, giới thiệu và bán các sản phẩm bánh, đồ uống mà bên PHD sản xuất và kinh doanh nhằm phục vụ cho khách du lịch đến thăm quan Bảo tàng. Với mặt bằng cho thuê là 900m², thời hạn hợp đồng 5 năm kể từ 01/01/2017 đến 31/12/2021, giá thuê là 60.000.000 đồng/tháng.

Tuy nhiên đến ngày 5/01/2017, Bảo tàng DTHVN mới có Văn bản số 05A/BTDTH về việc xin cải tạo khu đất trong khuôn viên Bảo tàng DTHVN gửi UBND phường Quan Hoa. Nội dung Văn bản số 05A/BTDTH ghi: “Bảo tàng DTHVN là nơi lưu trữ, trưng bày, giới thiệu văn hóa 54 dân tộc Việt Nam và một số dân tộc trên thế giới. Trong những năm qua Bảo tàng đón hàng triệu lượt khách trong nước và quốc tế đến tham quan, trải nghiệm, được du khách đánh giá cao về công tác phục vụ, công tác trưng bày, quảng bá các giá trị văn học dân tộc. Nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu của khách tham quan, hiện nay, phía cổng phụ Bảo tàng mặt đường Nguyễn Khánh Toàn có khu đất do để lâu năm thường xuyên mất vệ sinh và không đảm bảo an toàn. Do đó, Bảo tàng xin phép được cải tạo thành khu dịch vụ nhằm đáp ứng nhu cầu khách tham quan”.

Tiếp đó, ngày 11/01/2018, UBND phường Quan Hoa có Văn bản số 21/UBND-ĐC về việc rà soát, lập hồ sơ và xử lý vi phạm hành chính đối với những tổ chức được Nhà nước giao đất, cho thuê đất trên địa bàn phường gửi Bảo tàng DTHVN. Theo đó, hiện nay Bảo tàng DTHVN đang quản lý sử dụng 43.799 m² đất tại đường Nguyễn Văn Huyên (phường Quan Hoa, quận Cầu Giấy, TP Hà Nội). Ngày 23/11/2004, Sở Tài chính Hà Nội cấp giấy chứng nhận quyền quản lý, sử dụng nhà đất thuộc sở hữu Nhà nước tại cơ quan hành chính sự nghiệp cho Bảo tàng DTHVN với tổng diện tích khuôn viên 43.799m². Nguồn gốc thửa đất: Nhà nước giao; hình thức sử dụng riêng: 43.799m², chung: 0 m².

Trong quá trình quản lý, sử dụng Bảo tàng DTHVN đã xây dựng 02 công trình trong khuôn viên đất để cho thuê, kinh doanh dịch vụ. Như vậy, Bảo tàng DTHVN trong quá trình quản lý, sử dụng đất đã có hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai. Để có cơ sở báo cáo UBND quận Cầu Giấy, UBND phường Quan Hoa đề nghị Bảo tàng DTHVN cung cấp các hồ sơ, tài liệu liên quan đến việc sử dụng đất và có văn bản báo cáo về mục đích sử dụng đất đối với 02 công trình xây dựng nói trên của đơn vị gửi về UBND phường Quan Hoa trước ngày 18/01/2018.

Vai trò của chính quyền ở đâu?

Để rộng đường dư luận, phóng viên Báo điện tử Xây dựng đã có buổi làm việc với ông Lê Mạnh Tiến - Phó Chủ tịch UBND phường Quan Hoa. Tại buổi làm việc, ông Tiến khẳng định: “Trách nhiệm quản lý ở cơ sở thì hiện nay địa bàn tồn tại hai quán cà phê to nhất là FRESH GARDEN trên mặt đường Nguyễn Khánh Toàn và VietNam Specialty coffee mặt đường Nguyễn Văn Huyên”.

Ông Tiến cho biết thêm: “Đối với quán cà phê trên mặt đường Nguyễn Văn Huyên đã tồn tại từ những năm thành lập Bảo tàng. Quán mang hình thức là phục vụ nhưng không nhớ chính xác là năm nào vì bản thân tôi cũng mới về phường được một năm. Đối với quán FRESH GARDEN, ngày xưa đó là nhà chờ sau đó bên Bảo tàng có văn bản từ năm 2017 gửi sang phường xin cải tạo nhà chờ. Ngày xưa, quy mô bé hơn một chút bây giờ họ cải tạo phá bỏ. Mục đích là họ cũng xin cải tạo trong khuôn viên của họ. Đến tháng 01/2017, phòng Kinh doanh của Sở Kế hoạch Đầu tư cấp giấy phép kinh doanh”.

Liên quan tới vi phạm trật tự xây dựng tại khu đất Bảo tàng quản lý, vị Phó Chủ tịch này cho biết thêm: “Hiện tại là tồn tại cũ còn những cái phát sinh, bên tôi đã có văn bản yêu cầu Bảo tàng tháo dỡ ngay lập tức, quan điểm của phường là không cho phát sinh mới”.

Ông Tiến chia sẻ thêm: “Tôi đã mời họ ba lần nhưng bên Bảo tàng không hợp tác với phường. Phường gửi giấy mời, văn bản sang nhưng họ chả có ý kiến gì? Trước những sai phạm này thì phường đã báo cáo lên quận. Hiện tại thì quận vẫn chưa có chỉ đạo gì? Thẩm quyền của phường cũng chỉ có hạn vì là cấp quản lý bé nhất”.

Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Xây dựng, Luật sư Vũ Thị Phương Loan - Trưởng Văn phòng Luật sư Phương Loan, Đoàn luật sư TP. Hà Nội cho biết: “Tại Điều 206, Luật Đất đai năm 2013 quy định các hình thức xử lý đối với người có hành vi vi phạm pháp luật về đất đai như sau: “Người có hành vi vi phạm pháp luật về đất đai mà gây thiệt hại cho Nhà nước, cho người khác, ngoài việc bị xử lý theo quy định của pháp luật còn phải bồi thường theo mức thiệt hại thực tế cho Nhà nước hoặc cho người bị thiệt hại”.

Đối với người có hành vi vi phạm pháp luật về đất đai khi thi hành công vụ trong lĩnh vực đất đai, Điều 207, Luật Đất đai năm 2013 quy định: “Người có hành vi vi phạm pháp luật về đất đai khi thi hành công vụ thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật đối với các hành vi vi phạm”. Cụ thể: Lợi dụng chức vụ, quyền hạn làm trái với quy định của pháp luật trong giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, chuyển quyền sử dụng đất, thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, xác định nghĩa vụ tài chính về đất đai, quản lý hồ sơ địa chính, ra quyết định hành chính trong quản lý đất đai.

Thiếu trách nhiệm trong quản lý, để xảy ra vi phạm pháp luật về đất đai hoặc có hành vi khác gây thiệt hại đến tài nguyên đất đai, quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất; Vi phạm quy định về lấy ý kiến, công bố, công khai thông tin; vi phạm quy định trình tự, thủ tục hành chính; vi phạm quy định về báo cáo trong quản lý đất đai”.

Luật sư Vũ Thị Phương Loan cho biết thêm: “Điều 12, Luật Đất đai 2013 quy định những hành vi bị cấm (lấn chiếm, hủy hoại đất đai, lợi dụng chức vụ quyền hạn để làm trái quy định về quản lý đất đai). Tùy theo mức độ hậu quả sẽ bị xử lý hành chính theo Nghị định số 105/2009/ ND – CP quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực đất đai. Người sử dụng đất có thể bị thu hồi đất theo Điều 64 Luật Đất đai 2013” .

Riêng UBND TP Hà Nội đã ban hành Chỉ thị số 04/ CT – UBND ngày 14/01/2014 của thành phố về việc tăng cường quản lý Nhà nước đối với đất nông nghiệp và đất công. Cụ thể các quận, huyện, thị xã phải chịu trách nhiệm trước UBND thành phố về quản lý quỹ đất trên địa bàn thành phố. Nếu địa phương nào xảy ra vi phạm mà không xử lý thì Chủ tịch UBND phường, xã phải chịu trách nhiệm trước pháp luật hoặc tùy theo mức độ sẽ bị xử lý hình sự theo quy định tại Điều 356, tội lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ.

Trước những “tồn tại” trong việc quản lý đất đai đang diễn ra tại Bảo tàng DTHVN, đề nghị UBND quận Cầu Giấy, UBND TP Hà Nội cho thanh, kiểm tra, xử dứt điểm những tồn tại về quản lý đất đai, trật tự xây dựng trên địa bàn phường Quan Hoa. Báo điện tử Xây dựng sẽ tiếp tục thông tin.

Việt Khoa – Quang Dương

Nguồn Xây Dựng: http://www.baoxaydung.com.vn/news/vn/hoi-_-dap/ha-noi-can-lam-trach-nhiem-trong-viec-xe-thit-bao-tang-dan-toc-hoc-viet-nam-lam-noi-kinh-doanh.html