Hà Nội: Cắt bỏ toàn bộ xương hàm, tái tạo khuôn mặt nữ sinh 16 tuổi

Lúc 18 gờ chiều 13/8, sau gần 10 tiếng liên tục làm việc, các bác sĩ bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung ương Hà Nội đã hoàn thành việc mổ tách bỏ khối u xơ xương hàm, sau đó phẫu thuật lấy xương mác ở cẳng chân để tiến tới tái tạo một hàm hoàn toàn mới cho thiếu nữ 16 tuổi, giúp em thoát khỏi nỗi đau đớn giày vò trong suốt 8 năm qua…

 Giáo sư Trịnh Đình Hải - Giám đốc Bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung ương Hà Nội trao quà tặng cho gia đình bệnh nhân

Giáo sư Trịnh Đình Hải - Giám đốc Bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung ương Hà Nội trao quà tặng cho gia đình bệnh nhân

Nguyễn Giang Ly (Thái Nguyên) đã được các bác sĩ Bệnh viện Răng – Hàm – Mặt chẩn đoán bị u xơ xương khi em chỉ mới 8 tuổi. Đáng tiếc, căn bệnh này chỉ có thể được chữa trị khi xương hàm của em đã phát triển đầy đủ.

Và, suốt 8 năm qua, căn bệnh u xơ xương đã dần dần ăn mòn toàn bộ xương hàm của bệnh nhân, khiến khuôn mặt em bị biến dạng. Cũng trong 8 năm đó, cô bé đã phải chịu biết bao đau đớn, biết bao tủi hờn.

Ly cho biết, em rất khó khăn để ăn nhai như người bình thường. Có những thời điểm em đau, không thể ăn uống được, phải sử dụng thuốc tiêm vào bụng để giảm đau.

Không chỉ là là sự đau đớn về thể xác, cô bé còn phải sống trong sự tự ti, ngại giao tiếp, rất ít khi cười và đặc biệt, không bao giờ dám ngẩng mặt để chụp một kiểu ảnh như những bạn bè cùng trang lứa.

“Con chưa bao giờ dám chụp ảnh cả khuôn mặt mình, nếu có chụp thì khi nào cũng dùng tóc che bớt hai bên mặt, thậm chí che cả khuôn mặt. Còn chụp ảnh với nhóm bạn hay cả lớp thì bao giờ con cũng đứng núp phía sau, cúi mặt, thậm chí giấu cả khuôn mặt sau lưng các bạn" – chị Lưu Thị Trâm, mẹ của Ly sụt sịt kể.

“Nhiều lúc nghe con tâm sự, tôi thương con lắm, nhưng vẫn phải cố gắng mỉm cười để động viên con, rằng đến một lúc nào đó, con sẽ được các bác sĩ phẫu thuật, rồi con sẽ có được khuôn mặt xinh đẹp như các bạn” – chị Trâm chia sẻ trong nước mắt.

Trong 8 năm qua, cứ mỗi khi đau, em lại được bố mẹ đưa xuống bệnh viện để khám và uống thuốc rồi lại về. Lần này, đau đớn vì bị bội nhiễm trong hai tuần trở lại đây khiến cô bé này lại phải nhập viện để điều trị. Tuy nhiên, sau khi khi thăm khám, hội chẩn, các bác sĩ đã quyết định phẫu thuật để tái tạo lại khuôn mặt cho Ly, sau đó trồng răng implant để giúp thiếu nữ này có thể ăn nhai và sở hữu khuôn mặt thẩm mỹ như người bình thường. Sáng 13/8, ca mổ đã bắt đầu được tiến hành.

Nghe thì có vẻ đơn giản như vậy, nhưng đây thực sự là một trong những ca mổ phức tạp nhất bởi theo bác sĩ Nguyễn Mạnh Hà, trưởng kíp mổ cho biết, bệnh nhân Nguyễn Giang Ly bị tổn thương, phải cắt toàn bộ xương hàm dưới và phải làm vi phẫu hai thì. Sau khi cắt xương hàm, bệnh nhân sẽ mất đi một nửa khuôn mặt nếu không được cấy ghép xương hàm.

“Bệnh nhân này tổn thương từ cành cao xương hàm trên bên phải ra hết cành cao xương hàm trên bên trái. Do đó, chúng tôi tiến hành cắt toàn bộ xương hàm từ phải qua trái và sử dụng kỹ thuật tái tạo xương hàm dưới bằng vạt xương mác nhờ kỹ thuật vi phẫu. Chúng tôi dự kiến phẫu thuật cắt toàn bộ xương hàm, chỉ giữ chỏm nội cầu. Sau khi cắt giữ chỏm nội cầu, chúng tôi sẽ giữ cung hàm cũ của bệnh nhân, sử dụng nẹp giữ chỗ cung hàm và lấy xương mác cẳng chân tái tạo phần xương bị cắt đi này”, bác sĩ Hà cho biết.

Do tổn thương xương hàm dưới của Ly lớn, xương mác không đủ để tái tạo lại toàn bộ hàm dưới nên kíp phẫu thuật sẽ sử dụng kỹ thuật cắt xương mác ở chân phải để tái tạo nửa khuôn mặt bên phải và phải chờ đến sáu năm sau, sẽ tiếp tục lấy xương mác ở chân bên trái để tiến hành tái tạo lại nửa khuôn mặt bên trái. Sau 6 tháng, bệnh nhân được đánh giá kiểm tra lại để cấy ghép và tái tạo răng cho bệnh nhân ăn nhai.

Thông tin mới nhất mà VnMedia vừa nhận được, lúc 18 giờ chiều 13/8, ca phẫu thuật đã đạt được những thành công ban đầu.

GS Trịnh Đình Hải và bệnh nhân Ly

Ca vi phẫu thứ 500 - niềm tự hào của nền y học Việt

GS.TS Trịnh Đình Hải, Giám đốc Bệnh viện Răng – Hàm – Mặt Trung ương cho biết, đây là ca vi phẫu thứ 500 mà bệnh viện đã áp dụng kỹ thuật này. Trước đó, bệnh viện đã sử dụng các kỹ thuật khác như lấy xương sườn để tái tạo vùng hàm mặt. Tuy nhiên kỹ thuật trên hạn chế vì xương sườn dễ bị thoái hóa, dễ gẫy nên không thể hỗ trợ làm răng giả cho bệnh nhân.

Đến năm 2007, bệnh viện đã triển khai vi phẫu ghép xương hàm bằng kỹ thuật lấy xương mác cẳng chân. "Xương mác có hình dạng cong cong gần giống với xương hàm, và nó ít có chức năng vận động" - GS Hải giải thích.

Trước đây khi chưa triển khai kỹ thuật này, nhiều bệnh nhân sau cắt bỏ xương hàm phải để tình trạng mất hẳn một phần khuôn mặt, ăn uống khó, thậm chí không dám giao tiếp xã hội.

Kỹ thuật này được áp dụng cho các bệnh nhân bị ung thư xương hàm, u men xương hàm u liên đòn gây phá hủy xương hàm.

“Đến nay kỹ thuật này đã thành thường quy của bệnh viện chúng tôi với 500 ca vi phẫu và hầu hết bệnh nhân đều có cuộc sống tốt hơn và khuôn mặt thẩm mỹ hơn sau phẫu thuật. Trong một năm trở lại đây, trung bình một tuần bệnh viện thực hiện 3 ca vi phẫu”, GS.TS Trịnh Đình Hải cho biết.

Để tiến hành phẫu thuật cho bệnh nhân, các bác sĩ sẽ phải chia làm 3 kíp, trong đó một kíp xử lý khối u và cắt bỏ xương hàm, kíp thứ hai phẫu thuật cẳng chân lấy xương mác, và thứ ba là kíp gây mê. Mỗi ca phẫu thuật dạng này thường phải kéo dài từ 8-10 tiếng, thậm chí có ca kéo dài tới 15 tiếng đồng hồ, do vậy, ít nhất phải có 6 kíp làm việc như vậy để thay phiên nhau. Đi kèm với đó là đội ngũ kỹ thuật viên, điều dưỡng chăm sóc bệnh nhân.

Chia sẻ thêm về căn bệnh này, GS Trịnh Đình Hải băn khoăn: "U men là loại bệnh chiếm tới 70-80% trường hợp phải cắt bỏ xương hàm. Nhưng ở các nước phương Tây rất ít gặp, có khi cả năm họ mới có 1 ca bệnh, còn ở Việt Nam, loại bệnh này rất nhiều, gần như tuần nào chúng tôi cũng gặp".

GS Hải cũng chia sẻ, đây chính là lý do thôi thúc các bác sĩ của bệnh viện Răng - Hàm - Mặt Trung ương Hà Nội tìm hiểu, liên tục học hỏi các kỹ thuật hiện đại trên thế giới để đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của người dân.

Cũng chính vì vậy, hiện nay, Việt Nam là một trong những nước đi tiên phong trong kỹ thuật vi phẫu ghép xương hàm bằng kỹ thuật lấy xương mác cẳng chân, “thậm chí đi trước cả 10 năm so với nhiều nước trong khu vực”. Chi phí cho kỹ thuật này ở Việt Nam thấp chỉ bằng 1/10 lần so với một ca vi phẫu được tiến hành ở các nước châu Âu, Mỹ hay Hàn Quốc.

TS. GS Trịnh Đình Hải cũng mong muốn cộng đồng thông tin cho bệnh viện, nếu có ca nào đặc biệt mà kinh tế khó khăn sẽ được bệnh viện thực hiện phẫu thuật hoàn toàn miễn phí.

Hoàng Hải

Nguồn VnMedia: http://vnmedia.vn/dan-sinh/201808/ha-noi-cat-bo-toan-bo-xuong-ham-tai-tao-khuon-mat-nu-sinh-16-tuoi-611730/