Hà Nội chỉ ra 'thủ phạm' gây ô nhiễm không khí trầm trọng

Hà Nội cho rằng có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng ô nhiễm không khí tăng cao thời gian qua, trong đó có nguyên nhân quan trọng do người dân đốt tới 528 tấn than tổ ong mỗi ngày.

Chiều 1/10, tại buổi cung cấp thông tin cho các cơ quan thông tấn, báo chí về tình hình kinh tế, xã hội 9 tháng năm 2019, ông Vũ Đăng Định, Chánh Văn phòng, người phát ngôn của UBND TP. Hà Nội đã thông tin về tình hình ô nhiễm không khí trên địa bàn.

Ô nhiễm không khí Hà Nội ở mức báo động.

Ô nhiễm không khí Hà Nội ở mức báo động.

Ông Định khẳng định, hiện trên địa bàn TP Hà Nội và một số khu vực miền Bắc, tình trạng ô nhiễm bụi tăng cao, nhiều ngày ở mức kém, trong đó ô nhiễm bụi mịn PM 2.5 là chủ yếu, ảnh hưởng tới sức khỏe con người, đặc biệt là người già và trẻ em. Người dân nên đeo khẩu trang khi đi ra ngoài.

Theo ông Định, có nhiều nguyên nhân gây ô nhiễm không khí của Hà Nội, đó là lượng khí thải từ phương tiện giao thông trong đó xe máy là chủ yếu; tình trang đốt than tổ ong; chuyên chở vật liệu xây dựng không che đậy đầy đủ; việc phá dỡ các công trình xây dựng, mùi hôi thối từ hệ thống thoát nước; các trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm chưa đạt chuẩn; việc đốt rơm rạ của người dân, khói bụi từ các nhà máy chưa được xử lý đạt chuẩn; công tác thu gom rác thải, bùn thải chưa được xử lý và nguyên nhân cuối cùng là… do thời tiết chuyển mùa.

Trả lời câu hỏi về việc đưa ra cảnh báo, khuyến cáo nào cho người dân, ông Mai Trọng Thái, Chi cục trưởng Chi Cục Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, cho biết Hà Nội đã đưa ra công bố và khuyến cáo người dân không nên ra ngoài, đeo khẩu trang, học sinh không nên ra ngoại khóa ngoài trời... Hiện TP có 3 trạm quan trắc không khí cố định đạt quy chuẩn, ngoài ra còn có các trạm cảm biến khác để đưa ra khuyến cáo.

Ông Thái cũng cho hay, dự kiến đến năm 2020, TP sẽ có sẽ có 32 trạm quan trắc chất lượng không khí, trong đó có 20 trạm quan trắc cố định, 12 trạm quan trắc cảm biến. Từ đó đưa ra những cảnh báo về chất lượng không khí.

"Mỗi ngày TP sử dụng đến 528 tấn than tổ ong, lượng khí CO2 phát ra môi trường là rất lớn, đây là một nguyên nhân quan trọng gây ra ô nhiễm môi trường", ông Thái lý giải về việc vì sao đốt than tổ ong là một nguyên nhân gây ra ô nhiễm môi trường.

Cũng theo ông Thái, theo dự kiến, đến ngày 3/10, thời tiết sẽ có mưa, từ đó chất lượng không khí sẽ được cải thiện

Liên quan chất lượng không khí, ngày 1/10, thông tin từ Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, liên tục những ngày tháng 9/2019, chất lượng không khí tại các đô thị lớn như Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh nhận được sự quan tâm của cộng đồng xã hội. Chỉ số chất lượng không khí AQI của Hà Nội ở mức kém, có hại cho sức khỏe; ở Thành phố Hồ Chí Minh cũng xuất hiện hiện tượng sương mù quang hóa gây cản trở tầm nhìn.

Về việc gia tăng mức độ ô nhiễm bụi PM2.5 và hiện tượng sương mù quang hóa, Tổng cục Môi trường nhận định, đây là hiện tượng thường gặp trong thời gian này do đây là giai đoạn giao mùa, chất lượng không khí chịu tác động rất nhiều của các yếu tố thời tiết kết hợp với các nguồn gây ô nhiễm.

Được biết, ô nhiễm tại Việt Nam chủ yếu là ô nhiễm bụi mịn PM2.5 - loại bụi được coi là sát thủ trong không khí. Bụi PM¬ 2.5 là các hạt bụi có kích thước nhỏ hơn 2,5 Mm, bằng khoảng 1/30 sợi tóc con người (1 Mm có kích thước bằng một phần triệu mét). Với kích thước cực nhỏ này, khi hít vào, chúng sẽ thẩm thấu thẳng vào mạch máu và đi đến các cơ quan nội tạng quan trọng.

Tiếp xúc trực tiếp với PM2.5 có thể dẫn đến các bệnh về hô hấp, tim mạch và thần kinh nghiêm trọng. Chỉ số ô nhiễm PM2.5 ở mức 12 micro-gram/mét khối được xem như ở mức an toàn cho sức khỏe. Chỉ số này tương đương với AQI mức 50.

Liên tiếp trong hai ngày 29/9 và sáng 30/9, ô nhiễm không khí tại thủ đô Hà Nội tăng lên mức nghiêm trọng. Đặc biệt, ngày 1/10 lượng bụi mịn PM 2.5 đo được cao nhất ở mưc 252- mức rất có hại cho sức khỏe con người.

D.Ngân

Nguồn Hải Quan: https://haiquanonline.com.vn/ha-noi-chi-ra-thu-pham-gay-o-nhiem-khong-khi-tram-trong-112489.html