Hà Nội chính thức thay đổi giá gần 2.000 dịch vụ y tế từ ngày 1/5

Nghị quyết 02/2019/NQ-HĐND của HĐND TP Hà Nội quy định giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh không thuộc phạm vi thanh toán của Quỹ Bảo hiểm y tế (BHYT) đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh công lập trên địa bàn chính thức có hiệu lực từ hôm nay, 1/5.

Cụ thể, theo thông tin trên An ninh thủ đô, giá các dịch vụ khám, chữa bệnh không thuộc Quỹ BHYT chi trả, gồm: 10 dịch vụ khám, chữa bệnh, 6 dịch vụ ngày giường, 1.937 giá các dịch vụ kỹ thuật và xét nghiệm áp dụng cho các hạng bệnh viện sẽ được điều chỉnh.

Giá dịch vụ y tế tạo sự bình đẳng giữa người có thẻ BHYT và người không có thẻ BHYT. (Ảnh minh họa)

Giá dịch vụ y tế tạo sự bình đẳng giữa người có thẻ BHYT và người không có thẻ BHYT. (Ảnh minh họa)

Với trường hợp không thuộc phạm vi thanh toán của BHYT đang được áp dụng giá dịch vụ chỉ tính mức lương cơ sở là 1.150.000 đồng. Từ ngày 1/5, giá dịch vụ y tế áp dụng đối với trường hợp không thuộc phạm vi thanh toán của BHYT được điều chỉnh tăng mức lương cơ sở vào giá, từ 1.150.000 đồng lên 1.390.000 đồng.

Báo Gia đình& Xã hội thông tin thêm, trong số gần 2.000 dịch vụ y tế được điều chỉnh giá lần này ở Hà Nội, có một số dịch vụ điều chỉnh giảm, phần lớn được điều chỉnh tăng.

Ví dụ: Giá giường điều trị/ngày hồi sức tích cực của Bệnh viện hạng I (như Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn, Thanh Nhàn, Đức Giang...), theo giá cũ là 632.000 đồng, thì theo giá mới từ 1/5/2019, con số này là 678.000; Tương tự, ngày giường hồi sức cấp cứu giá cũ là 336.000, giá mới là 411.000 đồng...

Theo ông Nguyễn Khắc Hiền - Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, hiện Hà Nội có 86,7% dân số trên địa bàn tham gia BHYT (gồm các đối tượng người già, trẻ em dưới 6 tuổi, người nghèo và cận nghèo, chính sách xã hội…), số chưa tham gia là 13,3% thuộc các đối tượng có mức sống ổn định và thuộc nhóm tham gia BHYT tự nguyện.

Do đó, việc thực hiện mức tối đa khung giá dịch vụ y tế tạo sự bình đẳng giữa người có thẻ BHYT và người không có thẻ BHYT. Việc điều chỉnh giá sẽ tác động đến ý thức tham gia BHYT của người dân, người dân sẽ thấy lợi ích của BHYT và càng rõ hơn tầm quan trọng, ý nghĩa của việc tham gia BHYT, đảm bảo chủ trương tiến tới BHYT toàn dân, làm Quỹ BHYT bền vững hơn.

Về cơ bản không ảnh hưởng nhiều đến trẻ em dưới 6 tuổi, người thuộc hộ nghèo, cận nghèo, các đối tượng chính sách xã hội, vì các đối tượng này đã được nhà nước mua, hoặc hỗ trợ mua thẻ BHYT và được BHYT thanh toán phần lớn chi phí khi đi khám chữa bệnh.

Bạch Hiền (t/h)

Nguồn ĐS&PL: http://doisongphapluat.com/tin-tuc/tin-trong-nuoc/ha-noi-chinh-thuc-thay-doi-gia-gan-2000-dich-vu-y-te-tu-ngay-15-a273303.html