Hà Nội: Chùa Trung Tự xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật

Chùa Trung Tự còn có tên gọi là chùa Phúc Long (xưa thuộc thôn Trung tự - phường Đông Tác – này là phường Phương Liên – Đống Đa – Hà Nội), chùa được xây dựng cuối thế kỷ 17 đầu thế kỷ 18.

Một góc chùa Trung Tự.

Một góc chùa Trung Tự.

Chùa do con gái Chúa Trịnh lập ra và giao cho dân làng Trung Tự trông coi. Tấm bia gỗ ở chùa khắc năm Cảnh Hưng thứ hai (1781) ghi rõ việc xây chùa và nói đến nội thị cung tần Trịnh Thị Thuần.

Chùa tuy có từ lâu nhưng đã qua nhiều lần trùng tu nên kiến trúc hiện nay chỉ còn mang phong cách nghệ thuật đời Nguyễn. Chùa có Tam quan, trong là tiền đường và Phật điện, kết cấu theo kiểu chữ đinh. Tiền đường ở 3 gian, kiến trúc mang phong cách thời Nguyễn đầu thế kỷ 20.

Các chạm trổ trong chùa chủ yếu là hoa, cây cối. Trong chùa còn có 17 pho tượng, trong đó có bộ tam thế Quan Âm chuẩn đề, A Di Đà Tam Tôn và tòa Cửu Long là những tác phẩm có giá trị nghệ thuật.

Chùa còn có một bia đá hình vuông – Thời Lê, viết: “Thôn Trung Tự - phường Đông Tác – huyện Thọ Xương – phủ Phụng Thiên.

Quan viên, hương lão, sắc mục phường trưởng thôn cùng các bậc cao thấp trong làng lập bia để lại đời sau. Từng nghe: Lý nhờ thờ phụng mà sáng rõ; đạo chẳng phải vật mà hữu hình.

Cho nên người xưa đã khắc đá để bày tỏ đức quy y; làm cầu đường nhằm ngợi ca công tế độ… Có bà Trịnh Thị Thuần cung tần nội chánh phủ, cúng 6 mẫu 5 sào ruộng màu mỡ, 100 quan tiền cổ vào công đức bản ấp.

Tiền đường.

Lập bia khắc bài minh để mọi người cùng biết, đời sau ghi nhớ Đất này ở Hoàng Thành. Sông Tô uốn quanh bên phải, thuộc đất Đông tác. Bà Trịnh còn đưa cả 1 khu mộ phần giao phó cho phường Đông Tác thôn Trung Tự và con nuôi làm khế ước… Con cháu sau này không được nhận bừa đất này và không được rời mộ phần đi. “Nếu kẻ nào làm trái sẽ bị Đại Vương tru diệt…”.

Năm Tân Dậu (1781) Cảnh Hưng thứ 2, chùa Phúc Long còn có 1 chiếc chuông đồng, tương truyền chuông cổ của chùa bị một kẻ trong làng lấy cắp. Sau đó y bị hành phát điên, cứ ngụp lặn suốt ngày ở ao chùa. Người nhà y lo sợ góp tiền đúc trả chùa cái chuông khác.

Trên chuông có bài minh như sau:

“Hình (của) đạo nhờ vật mà thức quần mê

Nhạc do đạo họa vần mà thông lục trí

Âm thanh thánh thót hòa nhã yên bình

Mênh mang ngập tràng véo von đàn sáo…

Đạo phong chấn hưng, thọ sánh núi Nùng

Thế vận muôn đời, phúc như Tô Lịch.

Nay: Bật Sô Ni trụ trì tại chùa Phúc Long, pháp danh Thanh Huy Diệp cùng các quan viên chức sắc bản phường, cùng Tâm Địa Giới hiệu diệu Đường Vân Tập chung nhau đúc nên Phúc quả viên thành. Than ôi! Tốt đẹp thay! Vậy nay bàn bạc ghi tên vào chuông này để suốt đời truyền tụng.

Cát nhật – tháng 11 – năm Nhâm Thìn (1892) Thành Thái thứ 4, thôn Trung Tự - phường Đông Tác – tổng Kim Liên – huyện Thọ Xương – tỉnh Hà Nội. Các quan viên chức sắc toàn thôn cùng toàn thể khoa trường chức sắc kỳ mục lý dịch thôn”. Ngày 23/6/1992 Chùa được xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật.

Đổng Thắng

Nguồn Văn Hiến: http://vanhien.vn/news/ha-noi-chua-trung-tu-xep-hang-di-tich-kien-truc-nghe-thuat-65441