Hà Nội: Có một 'bảo tàng nghề' tích hợp không gian văn hóa sáng tạo

Đình Kim Ngân với sự hiện diện, trường tồn trên mảnh đất của phố Hàng Bạc (Hoàn Kiếm, Hà Nội) là một bằng cứ để giúp cho việc nghiên cứu về sự hình thành một đường phố, một phố nghề, một làng nghề tại Kinh thành Thăng Long. Nơi đây từ lâu đã được coi là một 'bảo tàng nghề' tích hợp không gian văn hóa sáng tạo mà các nhà nghiên cứu, nghệ nhân làng nghề, du khách lấy làm 'điểm hẹn' văn hóa.

Ở Thăng Long - Hà Nội, tín ngưỡng thờ tổ nghề khá đậm nét. Có lẽ không có đô thị nào ở Việt Nam nhiều đình đền thờ tổ nghề như ở đây. Các cụ ta thường nói: “Nhất nghệ tinh, nhất thân vinh”, xưa đã vậy và nay cũng vậy. Trau dồi tay nghề, phát triển, sáng tạo cho hàng hóa thêm tinh xảo là nguyện ước của mọi người thợ thủ công.

Đình Kim Ngân được coi là một “bảo tàng nghề” tích hợp không gian văn hóa sáng tạo. (Ảnh: Bảo Thoa)

Đình Kim Ngân được coi là một “bảo tàng nghề” tích hợp không gian văn hóa sáng tạo. (Ảnh: Bảo Thoa)

Truyền thống đạo lý lâu đời của người Việt Nam là “uống nước, nhớ nguồn”. Các ngành thợ thủ công ở Thăng Long đều rước các vị tổ nghề ở quê hương ra kinh đô để thờ vọng, để tri ân các bậc tổ sư. Tín ngưỡng thờ tổ nghề là một biểu hiện của tín ngưỡng thờ tổ tiên, từ lòng biết ơn những vị đã tạo dựng cho mình cuộc sống.

Trong tín ngưỡng dân gian, người Việt cũng như người thợ thủ công còn tin rằng các vị tổ nghề, thần linh và người thợ thủ công có mối liên hệ vô hình và thường phù hộ, độ trì cho mình trong những vui buồn trên con đường phát triển nghề nghiệp. Ngôi đình Kim Ngân tọa lạc tại số 42 - 44 phố Hàng Bạc là nơi thờ ông tổ Bách Nghệ và cụ Lưu Xuân Tín, thượng thư Bộ lại triều Lê, ông tổ nghề đúc bạc của làng Châu Khê.

Vào dịp kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, Ủy ban nhân dân quận Hoàn Kiếm đã trùng tu đình Kim Ngân. Từ khi trùng tu đến nay, ngôi đình này mở cửa phục vụ nhân dân và khách tham quan, bên cạnh việc phục vụ nhu cầu tín ngưỡng của người dân trong khu phố cổ và khách thập phương, ngôi đình còn là nơi trao đổi chia sẻ kinh nghiệm về nghề và tổ chức nhiều hoạt động văn hóa nghệ thuật dân gian góp phần phát huy các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của Khu Phố cổ Hà Nội.

Các nghệ nhân làng nghề truyền thống trình diễn quy trình đúc bạc nén để du khách trải nghiệm. (Ảnh: Bảo Thoa)

Nơi đây du khách có thể chiêm ngưỡng không gian truyền thống của ngôi đình làng với những chạm khắc sinh động, giàu mỹ cảm. Những ai quan tâm tới các giá trị lịch sử sẽ vừa được nghiên cứu phong cách nghệ thuật kiến trúc xưa, vừa được dâng nén hương thơm tưởng nhớ những vị tổ nghề.

Bà Trần Thị Thúy Lan, Phó Trưởng ban Ban Quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội cho biết, đình Kim Ngân là một di tích kiến trúc - nghệ thuật có giá trị tiêu biểu, nơi thờ ông tổ bách nghệ. Đình Kim Ngân được Bộ Văn hóa công nhận là di tích kiến trúc - nghệ thuật cấp quốc gia năm 2012 với giá trị lịch sử, văn hóa, kiến trúc tiêu biểu của một ngôi đình tổ nghề trong khu phố cổ.

Từ năm 2012, đình Kim Ngân đã được Ủy ban nhân dân quận Hoàn Kiếm giao cho Ban Quản lý Phố cổ Hà Nội, nay là Ban Quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội quản lý và tổ chức phát huy các giá trị di sản. Từ đó đến nay, đình Kim Ngân luôn được tổ chức nhiều các hoạt động như giới thiệu quảng bá các giá trị văn hóa truyền thống: Biểu diễn âm nhạc, tổ chức các hoạt động văn hóa giới thiệu về nghề truyền thống, các buổi tọa đàm, các sự kiện văn hóa nhân dịp Tết cổ truyền, ngày Di sản văn hóa Việt Nam.

Trong đình còn trưng bày nhiều sản phẩm làng nghề truyền thống. (Ảnh: Bảo Thoa)

Lễ hội đình Kim Ngân và Hội nghề Kim hoàn được tổ chức 5 năm một lần với quy mô cấp quận và thực hiện theo đề án “Nghiên cứu tổ chức Lễ hội truyền thống trong khu Phố cổ và khu vực Hồ Hoàn Kiếm” của Ủy ban nhân dân quận Hoàn Kiếm. Đây cũng là một dấu ấn văn hóa hết sức sinh động, có ý nghĩa thiết thực góp phần giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc, đồng thời tuyên truyền, giáo dục trong nhân dân về truyền thống yêu nước, tôn vinh những giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể, giá trị văn hóa lịch sử quốc gia Khu Phố cổ Hà Nội, hướng mọi người về với cội nguồn dân tộc, bày tỏ tấm lòng thành kính đối với công đức của các vị tổ nghề.

“Quá trình khôi phục phố nghề kim hoàn được thực hiện gắn với sự vận động phát triển chung của nền kinh tế và định hướng phát triển kinh tế - xã hội của thành phố của quận một cách bền vững. Khôi phục các giá trị văn hóa phải đi liền với phát triển kinh tế, đảm bảo lợi ích vật chất và tinh thần của người dân trên tuyến phố”, bà Trần Thị Thúy Lan khẳng định.

Và là nơi giao lưu văn hóa giữa các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu, các nghệ nhân làng nghề. (Ảnh: Bảo Thoa)

Thời gian quan các điểm di tích như Đình Kim Ngân cũng như các không gian văn hóa sáng tạo đang được phát triển mạnh tại Khu Phố cổ cung cấp, tạo điều kiện cho các nghệ sĩ, họa sĩ, nghệ nhân, thợ thủ công cùng với những người thực hành sáng tạo có một môi trường sống động, lành mạnh nơi mọi người có thể tiếp cận và tận hưởng những giá trị văn hóa.

Tại các không gian văn hóa này, bên cạnh các giá trị văn hóa truyền thống, các sáng tạo về văn hóa được khuyến khích tự do biểu đạt nghệ thuật và thúc đẩy sáng tạo thưởng thức và tiếp cận văn hóa. Có thể nói, nơi đây chính là một “bảo tàng nghề” tích hợp không gian văn hóa sáng tạo của Thủ đô Hà Nội.

Trong thời gian qua, Ban Quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội đã tập trung quản lý hiệu quả công trình di tích, phát huy các giá trị di sản trong Khu Phố cổ, tổ chức thành công nhiều hoạt động văn hóa, các không gian văn hóa sáng tạo gắn với việc bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa góp phần phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn quận Hoàn Kiếm. Khu Phố cổ đã trở thành điểm đến hấp dẫn với du khách trong và ngoài nước.

Bảo Thoa

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/ha-noi-co-mot-bao-tang-nghe-tich-hop-khong-gian-van-hoa-sang-tao-155303.html