Hà Nội có nhiều đổi mới, sáng tạo trong thực hiện Luật Thi đua khen thưởng

Đó là nhận định của đồng chí Đặng Thị Ngọc Thịnh, Phó Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch Thứ nhất Hội đồng Thi đua khen thưởng Trung ương tại Hội nghị tổng kết 13 năm thực hiện Luật Thi đua, Khen thưởng; triển khai các giải pháp đổi mới, nâng cao chất lượng công tác thi đua khen thưởng của TP Hà Nội do UBND TP Hà Nội tổ chức ngày 10/8.

Báo cáo tổng kết 13 năm thực hiện Luật Thi đua, khen thưởng trên địa bàn TP Hà Nội, ông Phùng Minh Sơn, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Thi đua-Khen thưởng TP, Phó Giám đốc Sở Nội vụ, Trưởng ban Thi đua-Khen thưởng TP Hà Nội cho biết: Thực hiện Chỉ thị, Nghị quyết của Trung ương và Luật Thi đua, Khen thưởng, Thành ủy Hà Nội đã ban hành 07 Chỉ thị, kế hoạch lãnh đạo chỉ đạo về công tác thi đua, khen thưởng. Đồng thời, đưa nội dung tuyên truyền, phổ biến Luật Thi đua, Khen thưởng vào chương trình công tác của Hội đồng phổ biến pháp luật của TP. Chỉ đạo các cơ quan thông tin đại chúng của Hà Nội tuyên truyền những nội dung cơ bản của Luật và Nghị định tới các tầng lớp nhân dân thông qua việc ký kết chương trình phối hợp đẩy mạnh công tác tuyên truyền về điển hình tiên tiến, người tốt, việc tốt….

Việc lãnh đạo, chỉ đạo, quán triệt kịp thời và thường xuyên Luật Thi đua, Khen thưởng của TP và các cấp, các ngành đã có tác động tích cực đến nâng cao nhận thức đối với cấp ủy đảng, người đứng đầu đơn vị và cán bộ về công tác thi đua, khen thưởng trên địa bàn TP.

Điểm đáng chú ý trong công tác tuyên truyền là đẩy mạnh tuyên truyền thông qua các cơ quan thông tin, truyền thông của TP và các cấp, các ngành, các chương trình giao lưu, tọa đàm. Lấy gương điển hình tiến tiến, người tốt, việc tốt làm trọng tâm để tuyên truyền. Qua đó tạo sức lan tỏa rộng khắp đến các tầng lớp nhân dân về thi đua, khen thưởng.

Cùng với việc quan tâm chỉ đạo về công tuyên truyền, TP đã ban hành và sửa đổi kịp thời các văn bản quy phạm pháp luật và văn bản chỉ đạo về công tác thi đua, khen thưởng đảm bảo đúng quy định và phù hợp với đặc thù của TP

Sau 13 năm thực hiện Luật Thi đua, Khen thưởng và các văn bản hướng dẫn thi hành, thông qua việc vận dụng sáng tạo, chỉ đạo quyết liệt và có nhiều đổi mới, công tác thi đua, khen thưởng của TP đã đạt được nhiều kết quả, phong trào thi đua ngày càng thiết thực, hiệu quả; công tác khen thưởng đảm bảo chất lượng.

Nhìn chung trong những năm qua, tỷ lệ khen thưởng cá nhân là người lao động trực tiếp (từ cấp trưởng phòng thuộc các sở, ban, ngành và tương đương trở xuống) trên địa bàn TP ngày càng tăng. Đến năm 2016, tỷ lệ người lao động trực tiếp chiếm 90% số lượng cá nhân được khen thưởng.

“Đã có cá nhân là nông dân, người dân lao động trực tiếp (không làm việc trong các cơ quan, doanh nghiệp) trên địa bàn được đề xuất khen thưởng cấp Nhà nước. Trong 7 năm qua có 25 trường hợp, chiếm tỷ lệ 0,6% trong tổng số trường hợp được khen thưởng cấp Nhà nước toàn TP. Trong nhiều năm liền Hà Nội được Trung ương đánh giá là một trong những địa phương dẫn đầu trong cả nước”, ông Phùng Minh Sơn nhấn mạnh.

Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn một số hạn chế, tồn tại như công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về thi đua, khen thưởng chưa được các cấp, các ngành và các địa phương quan tâm thường xuyên, còn thiếu các hình thức tuyên truyền thiết thực, hiệu quả; các phong trào thi đua phát triển chưa đồng đều, một số đơn vị chưa coi trọng công tác kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn, chưa tạo được sự phối hợp, liên kết của các ngành, địa phương và các cơ quan liên quan…

Phát biểu tại Hội nghị, đồng chí Đặng Thị Ngọc Thịnh đánh giá: Trong 13 năm qua Hà Nội đã có nhiểu đổi mới, sáng tạo đạt kết quả đáng nghi nhận trong thực hiện Luật Thi đua khen thưởng. “Tôi nhấn mạnh kết quả nổi bật mà TP Hà Nội đạt được như thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả luật và các văn bản liên quan; đồng thời có việc làm sáng tạo, khi thực hiện Luật bám sát nhiệm vụ trọng tâm theo từng thời điểm, phát động phong trào thi đua thiết thực tới từng đối tượng, góp phần khích lệ ý chí, tinh thần thi đua trong toàn TP.

Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh, Phó Chủ tịch Thứ nhất Hội đồng Thi đua khen thưởng Trung ương phát biểu tại Hội nghị. (Ảnh T.A)

Đồng chí Nguyễn Thị Ngọc Thịnh cũng chỉ ra những bất cập hạn chế và đánh giá cao Hà Nội đã có kế hoạch riêng để khắc phục. Đồng thời đề nghị, thời gian tới TP Hà Nội quan tâm các nội dung: Sớm hoàn thiện báo cáo tổng hợp kết quả 13 năm gửi về trung ương; không ngừng kiến nghị chủ động sáng tạo tìm kiếm giải pháp đổi mới để nâng cao công tác thi đua khen thưởng sát với thực tế, không theo hình thức, thành tích. Đẩy mạnh thi đua yêu nước qua các phong trào tạo sự đồng tâm hiệp lực của các cấp ngành…

Tăng cường tuyên truyền về ý nghĩa, tác dụng của thi đua yêu nước, nước người tốt việc tốt cùng với các phong trào thi đua khác của TP; phát huy tính tiên phong, gương mẫu của cán bộ đảng viên nhất là lãnh đạo, tinh thần dám nghĩ dám làm được các cán bộ lãnh đạo truyền lửa đến các cán bộ trên toàn TP

Phát biểu kết luận hội nghị, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã tiếp thu các ý kiến của Chủ tịch Thứ nhất Hội đồng Thi đua khen thưởng Trung ương và nêu một số kết quả nổi bật cũng như những hạn chế, tồn tại trong thực hiện Luật Thi đua khen thưởng trên địa bàn Hà Nội.

Để thực hiện Luật Thi đua khen thưởng có hiệu quả, thiết thực hơn nữa, Chủ tịch Nguyễn Đức Chung đề nghị thủ trưởng các đơn vị trực thuộc bám sát các nội dung chỉ đạo của Phó Chủ tịch nước, các văn bản của UBND TP về đổi mới thi đua khen thưởng, nâng cao công tác thi đua khen thưởng, trong đó: Hội đồng thi đua khen thưởng các cấp xác định rõ vai trò người đứng đầu về đổi mới công tác thi đua khen thưởng, phải trực tiếp lãnh đạo chỉ đạo và lấy kết quả là tiêu chí đánh giá năng lực người đứng đầu; đổi mới nội dung, hình thức tại cụm thi đua, phong trào thi đua, phát hiện, nhân rộng mô hình; ứng dụng CNTT trong cải cách thủ tục liên quan; kiện toàn tổ chức cán bộ làm công tác thi đua…

Thịnh An / PL&XH

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/ha-noi-co-nhieu-doi-moi-sang-tao-trong-thuc-hien-luat-thi-dua-khen-thuong-102653.html