Hà Nội có trạm ép rác khép kín, không gây mùi

Hà Nội đang vận hành trạm chuyển tải rác công suất lớn, lên đến 300 tấn/ngày đêm tại Lâm Du (Bồ Đề, Long Biên).

Trạm chuyển tải rác giúp công tác thu gom, vận chuyển rác trở nên linh hoạt và hiệu quả hơn

Trạm chuyển tải rác giúp công tác thu gom, vận chuyển rác trở nên linh hoạt và hiệu quả hơn

Hà Nội đang vận hành trạm chuyển tải rác công suất lớn, lên đến 300 tấn/ngày đêm tại Lâm Du (Bồ Đề, Long Biên). Tại đây, rác được nén chặt thành các khối vuông, nâng hiệu suất cho các xe vận chuyển và giảm ô nhiễm môi trường.

Gần khu dân cư nhưng không gây mùi

Trạm chuyển tải rác ở Lâm Du (Bồ Đề, Long Biên) đặt cách khu dân cư chỉ khoảng 300m. Theo ghi nhận của PV Báo Giao thông ngày 19/7, dù trạm nằm sát khu dân cư, nhưng không hề có mùi rác hôi thối ra bên ngoài. Tường bao được đơn vị xây cao khoảng hơn 2 m để cách ly với bên ngoài.

Kể cả khi tiếp cận vào bên trong trạm chuyển tải rác, mùi hôi thối cũng gần như không có. Là khu vực ép rác, nhưng tại đây không hề có muỗi hay các loại ruồi như các khu vực thu gom rác thủ công. Các xe chở rác về điểm chuyển tải xe nào cũng đầy lặc lè. Tuy nhiên, số rác đó ngay lập tức được hạ xuống, đưa vào trạm ép lại thành khối lớn rồi sang tải qua các xe hạng nặng, từ đó mới đưa đi xử lý. Từ bãi tập kết xe ban đầu, nơi đây trở thành một trạm chuyển tải rác thải lớn nhất của Thủ đô.

Bà Nguyễn Thị Hường ở Lâm Du, Bồ Đề, Long Biên chia sẻ, nhà bà nằm sát trạm chuyển tải rác. “Lúc đầu, cả nhà cũng lo ngại và rất khó chịu vì trạm ép rác được đặt gần nhà. Tuy nhiên, khi trạm đi vào hoạt động, gia đình không thấy tiếng ồn hay mùi rác khó chịu như dự đoán”, bà Hường nói.

Ông Nguyễn Hữu Chiến, Phó giám đốc Xí nghiệp Hoàn Kiếm, Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hà Nội (Urenco) cho biết, trên địa bàn quận Hoàn Kiếm mỗi ngày phát sinh khoảng 230 tấn rác thải sinh hoạt. Lượng rác này được các xe thu gom loại nhỏ, xe đẩy tay đưa đến 59 điểm cẩu rác tập trung, chuyển lên xe tải cỡ lớn (7,5 tấn), vận chuyển tới khu xử lý rác thải Nam Sơn (Sóc Sơn).

Với lượng rác thải quá lớn, điểm cẩu phải hoạt động cả ngày lẫn đêm (trước 23h). Việc cẩu, đổ rác từ xe thu gom nhỏ lên xe trung chuyển có thể gây cản trở giao thông, phát tán bụi, nước rác ra xung quanh gây ô nhiễm. Ngoài ra, điều này làm tốn chi phí, có nguy cơ phát tán mùi cao do quãng đường di chuyển dài.

“Vì vậy, việc có các trạm trung chuyển rác để có thể “ép rác”, giảm tải số lượng xe chở rác chạy “xuyên tâm” qua khu vực nội đô là rất hiệu quả”, ông Chiến nói.

Nén ép rác và xử lý nước thải, mùi hôi khép kín

Trao đổi với Báo Giao thông, ông Nguyễn Hữu Tiến, Tổng giám đốc Công ty TNHH TMV Môi trường đô thị Hà Nội (Urenco) cho biết, trạm chuyển tải tại Lâm Du là trạm chuyển tải lắp ghép và có hệ thống nhà khung kín. Trạm được xây dựng từ tháng 10/2017. Cuối tháng 5/2018, trạm bắt đầu quá trình chạy thử nghiệm với công suất khoảng 100 tấn/ngày đêm (công suất thiết kế là 300 tấn/ngày đêm). Trạm chuyển tải có diện tích 200m2, cách xa khu dân cư gần 300m, được thiết kế hiện đại, khép kín, đảm bảo các yêu cầu kỹ thuật nghiêm ngặt về xử lý mùi, tiếng ồn, nước rác...

Theo ông Tiến, trạm chuyển tải không phải trạm tập kết hay xử lý rác. Nó chỉ đóng vai trò bước đệm, tập trung, thu gom rác, đưa lên xe tải, chuyển về khu xử lý Nam Sơn.

Theo Urenco, trạm Lâm Du vẫn đang vận hành thử nghiệm, công suất ở mức 30-50% thiết kế nhưng đã đáp ứng chuyển tải khoảng 80-120 tấn rác/ngày đêm. Với dây chuyền cơ giới tại trạm, trung bình một ca làm việc của xe thu gom 2,5 tấn có thể cẩu được 5-6 lượt rác, tăng gấp 2-3 lần trước kia.

“Trạm chuyển tải là một điểm cẩu rác tập trung quy mô lớn, có vai trò thay thế các điểm cẩu rác trên đường phố trước 23h đêm”, ông Tiến nói và cho biết, trạm Lâm Du được bố trí một dây chuyền nén ép rác, xử lý nước thải và mùi hôi khép kín. Các xe thu gom nhỏ sẽ đưa rác thẳng từ khu dân cư đến trạm, đổ vào 2 máy ép. Rác được nén chặt thành các khối vuông, đẩy thẳng lên thùng nâng cỡ lớn với trọng tải 8 - 10 tấn/thùng. Xe tải chuyên dụng sẽ kéo thẳng các thùng này đến Khu xử lý Nam Sơn, rác không phải tập kết, chờ đợi như tại các điểm cẩu trên đường phố. Nước thải trong quá trình nén ép theo hệ thống cống thu chảy vào bể chứa, khử trùng rồi hút lên xe téc, đưa đến nơi xử lý. Mùi rác được hút bằng quạt công suất cao, đưa qua bể lọc than hoạt tính, đảm bảo khi thải ra môi trường không còn độc hại.

Ông Tiến đánh giá, thời gian trạm chuyển tải Lâm Du hoạt động thí điểm (khoảng 2 tháng) đã giúp công tác thu gom, vận chuyển rác tại quận Hoàn Kiếm linh hoạt và hiệu quả hơn. Không còn tình trạng ứ đọng rác và ô nhiễm, tắc đường do các điểm cẩu tập trung trước đây gây ra. Quá trình chạy thử nghiệm, các cơ quan chức năng của TP Hà Nội tiến hành đo kiểm tra các thông số như: tiếng ồn, không khí, nước mặt,… đều đạt tiêu chuẩn.

Theo Sở Xây dựng Hà Nội, hiệu quả của trạm trung chuyển rác là rất lớn, giảm chi phí vận chuyển, rác không còn phát tán mùi như vận chuyển bằng xe nhỏ. “UBND thành phố đã chỉ đạo Urenco cùng các sở, ban, ngành và các quận hoàn thiện hồ sơ kỹ thuật, quan trắc cần thiết để đánh giá trạm trung chuyển tại Lâm Du trong tháng 7”, đại diện Sở Xây dựng nói và cho biết, khi trạm chuyển tải này chính thức hoạt động sẽ giải quyết đáng kể nhu cầu cấp thiết về thu gom, vận chuyển rác thải tại các quận trung tâm TP Hà Nội.

Lê Tươi - Nam Khánh

Nguồn Giao Thông: http://www.baogiaothong.vn/ha-noi-co-tram-ep-rac-khep-kin-khong-gay-mui-d265369.html