Hà Nội: Công ty EMC phản hồi về tranh chấp thuê mặt bằng

Tháng 3/2018, Báo PLVN đăng bài viết 'Giải pháp nào trục xuất bên thuê nhà xưởng không chịu trả mặt bằng', phản ánh về tranh chấp liên quan đến hợp đồng thuê mặt bằng, nhà xưởng giữa Cty Cổ phần Sữa Hà Nội (Hanoimilk) và Cty Cổ phần Thiết bị và Ô tô Việt Nam (EMC). Sau khi báo đăng, PLVN đã nhận được văn bản phản hồi của Cty EMC.

Tranh chấp thuê mặt bằng dẫn đến phức tạp về an ninh.

Tranh chấp thuê mặt bằng dẫn đến phức tạp về an ninh.

Cụ thể, trong văn bản gửi báo, bà Đỗ Thị Quận (đại diện EMC) cho rằng báo “viết bài có nội dung sai sự thật, lấy thông tin một chiều – không khách quan”, nhưng không trình bày rõ nội dung.

Tại buổi làm việc với PV, Cty EMC lập luận rằng, đến nay, mặc dù đã hết thời hạn thuê mặt bằng nhưng do EMC đã đầu tư và tiến hành xây dựng nhà xưởng trước, sau đó mới ký hợp đồng thuê đất với Hanoimilk nên phải được tiếp tục sử dụng phần đất này.

Theo đó, ngày 3/6/2007, Hội đồng quản trị (HĐQT) Hanoimilk có quyết định góp vốn cùng Cty TNHH Khang Minh và ông Nguyễn Viết Lũy thành lập EMC. Ngày 26/6/2007, EMC được cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh số 1903000303.

Cũng trong khoảng thời gian này, HĐQT EMC đã thống nhất lập dự toán và xây dựng 1 Showroom ô tô. Tới ngày 15/12/2007, Hanoimilk và EMC ký Hợp đồng kinh tế số 09/2007/HĐ-HNM thống nhất, Hanoimilk cho EMC thuê diện tích đất gồm mặt bằng và nhà xưởng 1 tầng cấp 4 (300m2) trong khuôn viên 5600m2 để xây dựng mặt bằng nhà xưởng kinh doanh gara ô tô trong thời hạn 10 năm (từ 1/1/2008 đến hết ngày 31/12/2017).

Nhiều lần chốt nợ

Theo tìm hiểu, ngày 6/2/2002, UBND Tỉnh Vĩnh Phúc có Quyết định số 490/QĐ-UB thu hồi 48.544,5m2 đất giao cho Hanoimilk thuê đất xây dựng trụ sở làm việc, cửa hàng giới thiệu sản phẩm, nhà máy chế biến sữa. Trong đó có 39.621,5m2 đất cho thuê (XDCB) và 8.923,0m2 đất làm hành lang đường.

Ngày 26/6/2002, đại diện Sở Địa chính Vĩnh Phúc và Hanoimilk đã ký hợp đồng thuê đất. Thời hạn thuê là 49 năm (từ 6/2/2002 đến ngày 6/2/2051). Hanoimilk đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số 00030 QSDĐ/490/QĐUB.

Phân tích về quyền của Hanoimilk đối với thửa đất, Luật sư Thùy Dương (Cty Luật Trương Anh Tú) cho rằng, trong trường hợp này, Hanoimilk có đầy đủ quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất theo quy định của Luật Đất đai 1993, 2003, 2013 qua từng thời kỳ.

Hanoimilk và EMC ký hợp đồng thuê mặt bằng, nhà xưởng vào ngày 15/12/2007. Tại Điều 2, Điều 3 của Hợp đồng, EMC có nghĩa vụ thanh toán tiền thuê làm hai lần; lần 1, tháng 6/2008 với số tiền 1,344 tỷ đồng; lần 2 vào quý I/2013 với số tiền 1,344 tỷ đồng. Trường hợp EMC thanh toán chậm sẽ chịu phạt 0,1%/ngày trên số tiền chậm trả.

Thế nhưng, tại biên bản làm việc và đối chiếu công nợ ngày 12/8/2010, EMC thừa nhận mặc dù “đã nhận bàn giao và sử dụng diện tính nhà đất theo đúng thời gian quy định của hợp đồng” nhưng vẫn còn nợ số tiền thuê nhà đất đợt 1 hơn 240 triệu đồng.

Mới đây nhất, tại biên bản làm việc ngày 12/1/2018 tại trụ sở Công an huyện Mê Linh, đại diện Hanoimilk là ông Hà Quang Tuấn (Chủ tịch HĐQT) và ông Nguyễn Ngọc Hân (Phó Tổng Giám đốc EMC) đã thống nhất chốt số tiền thuê đất mà EMC còn nợ Hanoimilk là 1,044 tỷ đồng.

Hết thời hạn thuê

Hơn 10.000m2 chứ không phải 5.600m2?

Tiếp tục làm rõ nội dung tranh chấp với Hanoimilk, phía EMC cho biết, trước khi EMC ký hợp đồng thuê đất với Hanoimilk, công ty này đã đầu tư xây dựng nhà xưởng, công trình trên đất với diện tích hơn 10.000m2.

Cụ thể, tại biên bản số 02 họp HĐQT Cty EMC ngày 20/6/2007, các công trình dự toán gồm: Nhà trưng bày và bán sản phẩm với diện tích: 1000m2x2,5 tầng và 3000m2 nhà xưởng phía sau; phòng sơn (250m2); san nền và đường vào (4000m2). Biên bản hợp số 04 (15/11/2007) bổ xung thêm mái nối và 1 số công trình khác với diện tích khoảng hơn 1000m2. Biên bản số 03 (1/8/2007) quyết định số vốn đầu tư cho công trình là hơn 13 tỷ đồng.

Do đó, phía EMC cho rằng, hợp đồng kinh tế số 09 chưa thể hiện đúng thực tế. Mặt khác, do không có hồ sơ kỹ thuật thửa đất đi kèm nên không xác định 5600m2 đất nằm ở vị trí nào? EMC đề nghị đưa kiểm toán độc lập vào để xác định giá trị tài sản đã đầu tư, nếu không thỏa thuận được sẽ thanh lý hợp đồng trên cơ sở đảm bảo quyền và lợi ích của mình.

Tại biên bản ngày 12/8/2010, đại diện EMC cam kết: “Nếu đến hết ngày 1/12/2010 mà bên B (EMC) chưa trả hết nợ cho bên A thì bên A sẽ thu hồi diện tích nhà đất đã cho thuê và áp dụng các biện pháp cần thiết để thu hồi nợ”.

Biên bản ngày 25/7/2011, EMC lại “hứa”: “Nếu quá ngày 30/9/2011 mà bên B vẫn không trả hết số tiền còn nợ cho bên A thì bên A có quyền áp dụng mọi biện pháp cần thiết để thu hồi công nợ, bao gồm nhưng không giới hạn cả việc hủy hợp đồng và thu lại diện tích nhà đất mà bên A đã cho bên B thuê”.

Đến nay, mặc dù đã hết cả thời hạn thuê theo hợp đồng 09/2007 (kết thúc vào ngày 31/12/2017) nhưng EMC vẫn không đồng ý trả mặt bằng.

Tại điểm b Mục 3.2 của Hợp đồng ghi rõ: “Khi kết thúc thời gian thuê, bên B (EMC) có trách nhiệm dịch chuyển toàn bộ thiết bị, tài sản ra ngoài khuôn viên trong thời hạn 1 tháng kể từ ngày kết thúc thuê”.

Điểm 2.1 quy định: “Sau 10 năm nếu bên A (Hanoimilk) có nhu cầu, bên B (EMC) sẽ bàn giao lại nguyên trạng hạ tầng. Trường hợp bên A chưa có nhu cầu sử dụng và bên B có nhu cầu thuê tiếp, hai bên sẽ gia hạn hợp đồng nhưng không quá 5 năm 1 lần và không gia hạn quá 2 lần”.

Ngoài ra theo Điều 4: “Hết thời hạn 10 năm, nếu hai bên vẫn muốn tiếp tục thực hiện hợp đồng thì Hanoimilk sẽ dành quyền ưu tiên tiếp tục hợp đồng nếu bên B (EMC) không thay đổi hình thức kinh doanh trên khu đất”.

Tuy nhiên, theo luật sư Thùy Dương, khi kết thúc hợp đồng, Hanoimilk có nhu cầu sử dụng (thể hiện qua hàng loạt thông báo gửi EMC), EMC phải có nghĩa vụ hoàn trả mặt bằng.

Cần sớm giải quyết dứt điểm

Được biết, tranh chấp giữa EMC và Hanoimilk đã diễn ra trong thời gian dài. Ngay từ năm 2010, EMC còn cho Trung tâm đăng kiểm xe cơ giới số 29-04V của Cục Đăng kiểm Việt Nam thuê 1 phần mặt bằng, nhà xưởng.

Căn cứ vào hồ sơ vụ việc, Luật sư Thùy Dương còn cho biết, EMC là một pháp nhân có đăng ký kinh doanh, hạch toán riêng. Chính vì vậy, quan hệ góp vốn và quan hệ thuê mặt bằng là quan hệ giữa 2 pháp nhân, hoàn toàn độc lập với nhau.

Tranh chấp giữa EMC và Hanoimilk không được giải quyết dứt điểm tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất trật tự, an ninh. Do đó, hai bên cần thiện chí, tìm ra tiếng nói chung, đồng thời các cơ quan chức năng cần vào cuộc để làm rõ.

Nếu trường hợp hợp đồng vô hiệu cần khởi kiện ra tòa để xử lý hậu quả

Liên quan đến vụ việc, để rộng đường dư luận, PV cũng đã trao đổi với 1 giảng viên trường Đại học Luật Hà Nội để làm rõ.

Căn cứ vào hồ sơ, chuyên gia này cho rằng, theo hợp đồng thuê đất số 300 ký ngày 26/6/2002 giữa Sở Địa chính Vĩnh Phúc và Hanoimilk, phương thức nộp tiền thuê đất là nộp hàng năm. Tại thời điểm ký hợp đồng 09/2007/HĐ-HNM, luật đất đai 2003 đang có hiệu lực áp dụng.

Theo điều 111 của luật này, Tổ chức kinh tế được Nhà nước cho thuê đất ngoài các quyền và nghĩa vụ quy định tại Điều 105 và Điều 107 của Luật này, còn có các quyền: Thế chấp, bảo lãnh bằng tài sản thuộc sở hữu của mình gắn liền với đất thuê tại các tổ chức tín dụng được phép hoạt động tại Việt Nam để vay vốn sản xuất, kinh doanh theo quy định của pháp luật; Bán tài sản, góp vốn bằng tài sản thuộc sở hữu của mình gắn liền với đất thuê; người mua tài sản được Nhà nước tiếp tục cho thuê đất theo mục đích đã được xác định; Cho thuê lại đất đã được xây dựng xong kết cấu hạ tầng trong trường hợp được phép đầu tư xây dựng kinh doanh kết cấu hạ tầng tại khu công nghiệp, khu công nghệ cao, khu kinh tế; Tổ chức kinh tế được Nhà nước cho thuê đất trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành mà đã trả tiền thuê đất cho cả thời gian thuê hoặc đã trả trước tiền thuê đất cho nhiều năm mà thời hạn thuê đất đã được trả tiền còn lại ít nhất là năm năm thì có các quyền và nghĩa vụ quy định tại Điều 110 của Luật này trong thời hạn đã trả tiền thuê đất; trường hợp có nhu cầu chuyển sang hình thức giao đất có thu tiền sử dụng đất thì phải nộp tiền sử dụng đất trừ đi tiền thuê đất đã trả và có các quyền, nghĩa vụ quy định tại Điều 110 của Luật này.

Trong trường hợp của hợp đồng 09/2007/HĐ-HNM nói trên, để xác định hợp đồng có vô hiệu hay không thì 1 hoặc 2 bên cần khởi kiện ra tòa án để phân xử. Trường hợp hợp đồng vô hiệu, tòa án sẽ phải có trách nhiệm xử lý hậu quả pháp lý.

Theo quy định của pháp luật dân sự, giao dịch dân sự vô hiệu không làm phát sinh, thay đổi, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của các bên kể từ thời điểm xác lập. Khi giao dịch dân sự vô hiệu thì các bên khôi phục lại tình trạng ban đầu, hoàn trả cho nhau những gì đã nhận, nếu không hoàn trả được bằng hiện vật thì phải hoàn trả bằng tiền, trừ trường hợp tài sản giao dịch, hoa lợi, lợi tức thu được bị tịch thu theo quy định của pháp luật. Bên có lỗi gây thiệt hại phải bồi thường”.

Liên quan đến chức danh của ông Nguyễn Minh Cường (người có tên trong bài viết: “Giải pháp nào trục xuất bên thuê nhà xưởng không chịu trả mặt bằng”, tại Biên bản họp số 10/2008/BB ngày 17/3/2008, đại hội đồng cổ đồng EMC đã thống nhất bầu ông Nguyễn Minh Cường giữ chức Chủ tịch HĐQT – là người đại diện của EMC, ông Cường cũng là người ký chức danh Chủ tịch HĐQT trên nhiều văn bản. Tuy nhiên, theo phản ánh, hiện nay, ông Cường không còn là Chủ tịch HĐQT EMC nữa. Báo PLVN xin được nói rõ, đính chính lại thông tin đã nêu chưa đầy đủ.

Hoàng Giang

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/ban-doc/ha-noi-cong-ty-emc-phan-hoi-ve-tranh-chap-thue-mat-bang-395111.html