Hà Nội cung cấp dữ liệu mở của chính quyền phục vụ người dân, doanh nghiệp vào 2025

Hà Nội đặt mục tiêu đến năm 2025 cơ bản chuyển đổi số xong cho các cơ quan Đảng, Nhà nước, Mặt trận tổ quốc, tổ chức chính trị xã hội; cung cấp dữ liệu mở của chính quyền thành phố phục vụ người dân, doanh nghiệp.

Cơ bản xây dựng xong chính quyền điện tử thành phố Hà Nội vào 2025

Cũng đến năm 2025, UBND thành phố Hà Nội còn đặt mục tiêu sẽ phát triển hạ tầng số làm nền tảng cho xây dựng Chính quyền số, kinh tế số; Hà Nội đứng trong nhóm dẫn đầu khu vực Đông Nam Á về khoa học dữ liệu và trí tuệ nhân tạo.

Phát triển mạng di động 5G, mọi người dân được truy cập Internet băng rộng với chi phí thấp. Cơ bản hoàn thành xây dựng chính quyền điện tử của thành phố trước năm 2025, hướng tới hình thành chính quyền số thành phố Hà Nội.

Hình thành, phát triển một số khu đô thị thông minh trên địa bàn. Từng bước phát triển các lĩnh vực thông minh quan trọng, hướng tới xây dựng Hà Nội là thành phố thông minh.

UBND thành phố Hà Nội xác định rõ vai trò của doanh nghiệp, người dân là trọng tâm trong quá trình chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. (Ảnh minh họa)

UBND thành phố Hà Nội còn dự kiến đến năm 2025 sẽ hoàn thiện hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo của thành phố. Song song đó, phát triển kinh tế số, phấn đấu vào năm 2025 giá trị đạt được của kinh tế số chiếm khoảng 30% GRDP của thành phố Hà Nội; năng suất lao động tăng bình quân mỗi năm từ 7 - 7,5%.

Đến năm 2030, Hà Nội sẽ trở thành trung tâm khởi nghiệp sáng tạo của cả nước, là hạt nhân liên kết mạng lưới các đô thị thông minh vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và từng bước kết nối với mạng lưới đô thị thông minh trong khu vực ASEAN. Cơ bản hoàn thành xây dựng chính quyền số thành phố Hà Nội.

Nhanh chóng tiếp cận, chủ động tham gia cách mạng 4.0

Các mục tiêu, chỉ tiêu nêu trên là một nội dung trong kế hoạch 76 mới được UBND thành phố ban hành để thực hiện kế hoạch 205 của Thành ủy Hà Nội triển khai Nghị quyết 52 ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Bản kế hoạch này nhằm xác định rõ nội dung, nhiệm vụ chủ yếu cụ thể để các Sở, ban, ngành và UBND các quận, huyện cùng những đơn vị tổ chức triển khai, kiểm tra, giám sát và đánh giá việc thực hiện Nghị quyết 50 ngày 17/4/2020 của Chính phủ, nâng cao hiệu quả và khả năng cạnh tranh, bứt phá trong phát triển kinh tế xã hội.

Đồng thời, nâng cao khả năng tiếp nhận và ứng dụng các thành tựu tiên tiến của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư trong các lĩnh vực trọng điểm, có tiềm năng, lợi thế của thành phố để nâng cao năng suất lao động, phát triển kinh tế xã hội.

Kế hoạch cũng nhằm xác định rõ vai trò của doanh nghiệp, người dân là trọng tâm trong quá trình chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Nhà nước có vai trò xây dựng hành lang pháp lý, chính sách hỗ trợ để thúc đẩy nhanh quá trình, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân thực hiện cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Cũng trong kế hoạch mới ban hành, để hiện thực hóa các mục tiêu, chỉ tiêu đã đề ra, UBND thành phố Hà Nội vạch rõ 9 nhóm nội dung, nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu, bao gồm: hoàn thiện cơ chế, chính sách tạo thuận lợi cho chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và quá trình chuyển đổi số, phát triển cơ sở hạ tầng thiết yếu, phát triển và nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo, phát nguồn nhân lực, phát triển các ngành và công nghệ ưu tiên…

Liên quan đến việc thực hiện Nghị quyết 52 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, ngày 23/3, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã chỉ đạo Bộ KH&CN chủ trì, đôn đốc các bộ, cơ quan, địa phương khẩn trương ban hành kế hoạch thực hiện Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết này.

Phó Thủ tướng cũng giao các bộ KH&CN, KH&ĐT, TT&TT theo chức năng, nhiệm vụ được giao, chủ trì, phối hợp chặt chẽ với các bộ, cơ quan, địa phương để tổ chức triển khai Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 52 của Bộ Chính trị, Chiến lược quốc gia về cách mạng công nghiệp lần thư tư đến năm 2030 và Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Việc triển khai phải đảm bảo hiệu quả, đồng bộ với các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế xã hội khác có liên quan nhằm nhanh chóng tiếp cận, chủ động tham gia cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Nhằm thực hiện các mục tiêu đề ra tại Nghị quyết 52 ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị, ngày 31/12/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chiến lược quốc gia về cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến năm 2030. Chiến lược hướng tới mục tiêu chủ động tận dụng có hiệu quả cơ hội của cách mạng công nghiệp lần thư tư, cơ bản làm chủ và ứng dụng rộng rãi công nghệ mới trong các lĩnh vực kinh tế xã hội, từng bước sáng tạo được công nghệ mới nhằm thúc đẩy quá trình đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với thực hiện những đột phá chiến lược và hiện đại hóa đất nước.

Cùng với đó, phát triển nhanh và bền vững dựa trên khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo và nhân lực chất lượng cao; nâng cao chất lượng cuộc sống, phúc lợi và sức khỏe của người dân; bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường sinh thái; nâng cao hiệu quả hội nhập quốc tế và gắn kết chặt chẽ quá trình ứng dụng cách mạng công nghiệp lần thứ tư với công tác bảo vệ an ninh mạng.

M.T

Nguồn ICTNews: https://ictnews.vietnamnet.vn/cuoc-song-so/chinh-phu-so/moi-nguoi-dan-ha-noi-duoc-truy-cap-internet-bang-rong-voi-chi-phi-thap-vao-nam-2025-279912.html