Hà Nội: Cưỡng chế trái luật vì bị cấp trên 'thúc ép'!?

KTNT- Việc cưỡng chế thu hồi đất tại các địa phương “tối kị” tổ chức thực hiện trong thời gian trước và sau Tết Nguyên đán cũng như các ngày nghỉ, ngày lễ khác và ngay cả Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đang tổ chức lấy ý kiến về Nghị định sửa đổi, bổ sung môt số quy định của Nghị định 69/2009/NĐ-CP của Chính phủ về quy hoạch sử dụng đất, giá đất, thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư, rằng không tiến hành cưỡng chế thu hồi đất trong thời gian từ 22 giờ đến 06 giờ sáng ngày hôm sau cũng như trước và sau Tết Nguyên Đán 15 ngày...Tuy nhiên, không hiểu vì đâu, chính quyền xã Bình Yên, huyện Thạch Thất (Hà Nội) lại ồ ạt tổ chức lực lượng lên đến hàng trăm người rồi tiến hành cưỡng chế các hộ dân vào những ngày cận kề Tết Giáp Ngọ…

Dân Bình Yên đón Tết không yên bình!

Ngày 24/1/2014 (âm lịch) tức chỉ cách Tết cổ truyền của dân tộc chỉ vẹn 1 tuần, 52 hộ dân làng Vân Lôi, xã Bình Yên (Thạch Thất) bỗng thất thần, ngã ngửa vì phải chứng kiến những công trình, ngôi nhà che mưa nắng, để gia đình xum họp những ngày tết đến xuân về bị chính quyền địa phương chỉ đạo đập phá không thương tiếc.

Bà cụ 85 tuổi bị lực lượng cưỡng chế bê cả người và giường đem ra ngoài vườn.

Theo người dân chứng kiến sự việc, chỉ trong chốc lát, những bức tường mới xây xen lẫn tường đá ong có tuổi thọ vài trăm năm bị đập đổ, chồng chất gạch vụn, bê tông. Từ đầu đến cuối làng là những đống đổ nát, vật liệu xây dựng nằm ngổn ngang. Cây cối tại những ngôi nhà của các hộ dân cũng bị nhổ dễ, đánh bật gốc đổ ngả ngiêng.

Chị Phạm Thị Hoa (35 tuổi), một người dân bị cưỡng chế bức xúc, làng Vân Lôi vốn có từ lâu đời, đất đai do cha ông khai phá truyền từ đời này sang đời khác, như mảnh đất của gia đình tôi đang ở đã tới đời thứ 8. Chủ trương thu hồi đất phục vụ lợi ích Quốc gia chúng tôi không phải đối và hoàn toàn ủng hộ nhưng phải hợp tình, hợp lí và không thể làm kiểu thúc ép nhân dân như chính quyền sở tại.

Cùng quan điểm trên, ông Đỗ Văn Hùng (58 tuổi) kể lại: Hôm gần Tết Nguyên đán, đang ở trong nhà bất ngờ tôi bị yêu cầu phải phá bỏ nhà. Việc chính quyền địa phương tiến hành cưỡng chế gấp gáp trong những ngày cận kề tết đồng nghĩa với đẩy ông cháu tôi ra đường, không biết sống ở đâu.

Trong những gia đình bị cưỡng chế, còn có công trình của gia đình bà Nguyễn Thị Khuyết, là một trong số những bà mẹ Việt Nam anh hùng. Cũng bởi nguyên nhân trên, 52 hộ dân đã đồng tình kí đơn kêu cứu gửi cơ quan chức năng yêu cầu xem xét thấu đáo sự việc.

Tìm hiểu được biết, để thực hiện dự án xây dựng Khu tái định cư nam đường tỉnh lộ 420 khu Công nghệ cao Hòa Lạc, UBND huyện Thạch Thất đã tiến hành thu hồi đất của các hộ dân để bàn giao mặt bằng thi công, trong đó có 52 hộ dân thôn Vân Lôi, xã Bình Yên đang có khiếu kiện. Tuy nhiên, việc thu hồi đất rồi để hoang hóa gần 7 năm trời khiến các hộ dân đã xây dựng trở lại.

Khi chưa tìm được tiếng nói chung giữa người dân và chính quyền địa phương thì UBND xã Bình Yên lại bất ngờ phát thông báo cưỡng chế tới các hộ nhằm dỡ bỏ những công trình xây dựng cho là vi phạm của nhân dân. Tuy nhiên, thay vì làm sao cho thấu tình đạt lí, thì chính quyền sở tại lại có những quyết định cho là vội vàng.

Công trình gia đình bà mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Khuyết chỉ phần nhà bị phá.

Cụ thể, ngày 22/1/2013, phía UBND xã Bình Yên (Thạch Thất, Hà Nội) ra Thông báo về việc thi hành quyết định cưỡng chế phá dỡ công trình vi phạm trật tự xây dựng ở làng Vân Lôi. Trong thông báo ghi rõ thời gian gia hạn đến ngày 27/1/2013 (tức 27 Tết) nhưng đến ngày 24/1 (tức 24 Tết Nguyên đán) chính quyền UBND xã Bình Yên đã huy động khoảng 700 người đến tiến hành cưỡng chế. Theo người dân, việc làm trên trái với đạo lí người Việt và ảnh hưởng hệ lụy dẫn đến khiếu kiện.

Cưỡng chế vì bị cấp trên “thúc ép”?

Để rộng đường dư luận, nhóm phóng viên đã có cuộc trao đổi với ông Lê Văn Mão, Chủ tịch xã Bình Yên (Thạch Thất, Hà Nội), cho biết: sở dĩ, chính quyền tiến hành cưỡng chế vào ngày 24 Tết Nguyên đán là do cấp trên “thúc ép” để bàn giao mặt bằng cho việc thi công Dự án tái định cư Công nghệ cao Hòa Lạc.

Đồng thời, do có tới 52 hộ dân tiến hành xây dựng trái phép nên xã đã lập kế hoạch trình lên huyện Thạch Thất để phối hợp đưa lực lượng tới cưỡng chế. Trong buổi cưỡng chế có tới 780 người tham gia với 4 máy ủi, 2 xe đặc chủng công an để dẫn giải các đối tượng chống đối, gây rối…ông Mão cho biết thêm.

Ông Lê Văn Mão thừa nhận việc buông lỏng quản lý dẫn tới hàng loạt sai phạm ở xã Bình Yên.

Khi được hỏi về trách nhiệm để xảy ra ồ ạt xây dựng trái phép trên địa bàn, ông Mão thừa nhận do đã buông lỏng quản lý để dẫn tới sai phạm hàng loạt. Hệ lụy từ việc trên là phải tiến hành cưỡng chế gây ảnh hưởng đến đời sống người dân, tiêu hao chi phí từ ngân sách Nhà nước.

Cũng theo ông Mão, phương hướng giải quyết sắp tới đối với các hộ dân ở làng Vân Lôi, chúng tôi sẽ không tiến hành cưỡng chế nữa mà sẽ tiến hành họp dân, tuyên tryền, làm công tác kiểm đếm, đền bù và thực hiện công tác tái định cư sau di dời.

Được biết, chỉ một ngày sau khi buổi cưỡng chế, phía chính quyền UBND huyện Thạch Thất đã có buổi họp kiểm điểm chính quyền UBND xã Bình Yên về việc để xảy ra tình trạng vi phạm trật tự ồ ạt tại Dự án tái định cư Công nghệ cao Hòa Lạc ở làng Vân Lôi. Buổi họp đã kiểm điểm đối với các cá nhân là ông Lê Văn Mão, Chủ tịch xã Bình Yên, cùng với đó kiểm điểm Phó bí thư đảng ủy, Chủ tịch hội đồng nhân dân, Phó chủ tịch UBND xã, Phó chủ tịch hội đồng nhân dân cùng các thành viên chuyên môn…

Thành Vinh – Phong Vân

KTNT

Nguồn KTNT: https://kinhtenongthon.vn/ha-noi-cuong-che-trai-luat-vi-bi-cap-tren-%E2%80%9Cthuc-ep%E2%80%9D-post16235.html