Hà Nội đã đạt được nhiều thành tựu toàn diện và nổi bật

(HNM) - Chiều 16-11, dưới sự chủ trì của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, tập thể Bộ Chính trị (BCT) đã làm việc với Ban Thường vụ (BTV) Thành ủy Hà Nội nhằm đánh giá kết quả 10 năm thực hiện Nghị quyết 15-NQ/TƯ ngày 15-12-2000 của BCT (khóa VIII) về "Phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội trong thời kỳ 2001-2010".

(HNM) - Chiều 16-11, dưới sự chủ trì của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, tập thể Bộ Chính trị (BCT) đã làm việc với Ban Thường vụ (BTV) Thành ủy Hà Nội nhằm đánh giá kết quả 10 năm thực hiện Nghị quyết 15-NQ/TƯ ngày 15-12-2000 của BCT (khóa VIII) về "Phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội trong thời kỳ 2001-2010".

Quản lý tốt quy hoạch và xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ là một trong những nhiệm vụ quan trọng của Thủ đô Ảnh: Duy Tuấn

Báo cáo của BTV Thành ủy Hà Nội do đồng chí Nguyễn Thế Thảo, UVTƯ Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP trình bày đã khẳng định, chặng đường 10 năm thực hiện Nghị quyết 15 của BCT có hai mốc thời gian quan trọng: giai đoạn 2001-2007 và giai đoạn từ tháng 8-2008 đến 2010 thực hiện Nghị quyết số 15 của Quốc hội (khóa XII) mở rộng địa giới hành chính Thủ đô. Cả hai giai đoạn đó, TP đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của TƯ Đảng, BCT, tạo động lực to lớn, động viên, cổ vũ Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô vượt qua khó khăn, thách thức, giành được nhiều thành tựu quan trọng, cơ bản và toàn diện. Bám sát Nghị quyết 15 của BCT, cấp ủy, chính quyền TP đã xây dựng các nghị quyết, chương trình, đề án công tác, lựa chọn đúng và trúng các nhiệm vụ trọng tâm, các khâu đột phá để triển khai thực hiện, tạo chuyển biến trên tất cả các lĩnh vực. Hà Nội đã phát huy tốt vai trò là "trái tim của cả nước, đầu não chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế". Kinh tế phát triển nhanh và ổn định, tốc độ tăng GDP bình quân 10,85%/năm, cao gấp 1,5 lần tốc độ tăng GDP của cả nước. Lĩnh vực xây dựng, quản lý đô thị được thực hiện quyết liệt, nhiều mặt có chuyển biến tích cực. Công tác phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân được thực hiện đồng bộ, đạt kết quả đáng khích lệ. Văn hóa - xã hội tiếp tục phát triển, nhiều chỉ tiêu dẫn đầu cả nước. An sinh xã hội được bảo đảm; đời sống nhân dân, nhất là ở vùng nông thôn, xa trung tâm được cải thiện rõ rệt. An ninh, quốc phòng được củng cố vững chắc, trật tự an toàn xã hội có chuyển biến tích cực… Đặc biệt, với tinh thần đoàn kết, hợp tác, trách nhiệm, năng động, sáng tạo, TP đã triển khai tốt Nghị quyết 15 của Quốc hội (khóa XII) về mở rộng địa giới hành chính Thủ đô. Những thành tựu trên là kết quả của tinh thần quyết tâm cao và những cố gắng vượt bậc của Đảng bộ, nhân dân TP trong 10 năm qua, tạo nên những chuyển biến, tiến bộ toàn diện trong đời sống xã hội Thủ đô, góp phần quan trọng cùng cả nước thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội IX, X của Đảng, đồng thời tạo nền tảng vững chắc để TP tiếp tục phấn đấu đẩy mạnh và đi đầu trong sự nghiệp CNH, HĐH đất nước. Tuy nhiên, bên cạnh những thành tích đạt được, vẫn còn mặt hạn chế như kinh tế phát triển chưa toàn diện, chưa khai thác tốt các nguồn lực về vốn, nhân lực và công nghệ trên địa bàn. Công tác quy hoạch, xây dựng và quản lý đô thị vẫn còn một số bất cập. Thành phố chưa thực sự phát huy hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của một trung tâm lớn hàng đầu về văn hóa xã hội. Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống chính trị chuyển biến chưa đồng bộ…

Phát biểu kết luận buổi làm việc, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đánh giá cao việc chuẩn bị báo cáo tổng kết của BTV Thành ủy Hà Nội đã phản ánh khách quan, có tính bao quát, cơ bản đạt yêu cầu của BCT. 10 năm qua, tình hình trong nước, thế giới diễn biến bất thường, việc mở rộng địa giới hành chính… đặt ra không ít khó khăn, nhưng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô đã đạt nhiều thành tựu toàn diện và nổi bật, đóng góp quan trọng vào thành tựu của cả nước. Việc mở rộng địa giới lúc đầu khó khăn, phức tạp nhưng TP đã sớm ổn định tình hình, sắp xếp bộ máy hoạt động hiệu quả, đã tổ chức thành công đại hội Đảng bộ các cấp, Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Qua đó, vị trí, vai trò của Thủ đô ngày càng được nâng cao.

Tổng Bí thư đã chỉ ra những hạn chế của Hà Nội: Công tác xây dựng, quản lý quy hoạch, quản lý đô thị còn yếu; phong trào xây dựng đời sống văn hóa, nếp sống văn minh chưa đạt yêu cầu. Trong 5 năm, 10 năm tới, bên cạnh những thuận lợi, còn nhiều khó khăn, để thực hiện được các mục tiêu đề ra, Đảng bộ, chính quyền TP cần phải dự báo tình hình, những đột xuất, bất ngờ, lường trước khó khăn, thách thức đề ra những giải pháp hữu hiệu. Đặc biệt, Hà Nội phải quán triệt sâu sắc Nghị quyết ĐH lần thứ XI của Đảng, Chiến lược phát triển kinh tế -xã hội giai đoạn 2011-2020, Nghị quyết ĐH lần thứ XV Đảng bộ TP, đề ra nhiệm vụ trọng tâm, tập trung chỉ đạo tạo chuyển biến rõ rệt trên một số lĩnh vực. Hà Nội phải xác định được vị trí quan trọng, là động lực thúc đẩy phát triển Vùng Thủ đô, Vùng Đồng bằng sông Hồng, Vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ và cả nước, động viên các tầng lớp nhân dân phát huy tinh thần 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, gương mẫu đi đầu trong các phong trào thi đua yêu nước, xây dựng đời sống văn hóa...

Theo đồng chí Tổng Bí thư, Hà Nội phải tạo ra sức mạnh tổng hợp thực hiện cho được "Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030" và "Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050" đã được phê duyệt. Trước mắt, Hà Nội cần quản lý tốt quy hoạch; tập trung xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ; nâng cao nguồn nhân lực, chất lượng giáo dục - đào tạo; chú trọng công tác quy hoạch cán bộ; chăm lo xây dựng Đảng, hệ thống chính trị vững mạnh; bảo đảm tốt ANTT... Tổng Bí thư khẳng định, BCT đồng ý sẽ ban hành nghị quyết mới về phát triển Thủ đô giai đoạn 2011-2020 cho phù hợp với tình hình, yêu cầu của Thủ đô mở rộng. Nghị quyết mới không chỉ có ý nghĩa với Hà Nội mà còn có ý nghĩa với cả nước. Vì vậy, cả nước phải cùng có trách nhiệm xây dựng, phát triển Hà Nội.

Liên quan đến kiến nghị của Hà Nội, BCT sẽ tiếp tục chỉ đạo các cơ quan liên quan sớm hoàn thiện Luật Thủ đô để trình Quốc hội xem xét, thông qua, đồng thời sẽ thành lập Ban chỉ đạo điều phối phát triển Vùng Đồng bằng sông Hồng; ban hành quy chế phối hợp liên kết vùng có tính pháp quy để tăng tính hiệu lực, hiệu quả của hoạt động phối hợp, liên kết. Bên cạnh đó, TƯ sẽ tiếp tục phân cấp mạnh hơn cho Hà Nội trên một số lĩnh vực đặc thù như: quản lý đô thị, đầu tư, tài chính... để tăng tính tự chủ cho TP trong giải quyết công việc hằng ngày của Thủ đô; giao nhiệm vụ cụ thể cho các bộ, ngành TƯ và các địa phương trong phối hợp với Hà Nội thực hiện Nghị quyết của BCT về phát triển Thủ đô...

Thay mặt BTV Thành ủy Hà Nội, đồng chí Phạm Quang Nghị, Ủy viên BCT, Bí thư Thành ủy cảm ơn sự quan tâm của BCT; tiếp thu các ý kiến đóng góp, đặc biệt là ý kiến chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và cả nước để huy động tối đa sức mạnh, tiềm lực, xây dựng Hà Nội xứng đáng là Thủ đô văn hiến - văn minh - hiện đại.

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/newsdetail/chinh-tri/530298/ha-noi-da-dat-duoc-nhieu-thanh-tuu-toan-dien-va-noi-bat.htm/